Saturday, November 16, 2024
Trang chủĐiểm tinBà Aung San Suu Kyi thăm TQ: Nóng vấn đề đập Myitsone

Bà Aung San Suu Kyi thăm TQ: Nóng vấn đề đập Myitsone

Trung Quốc và Myanmar hy vọng có thể đàm phán khởi động lại dự án đập Myitsone nhân chuyến thăm Bắc Kinh 4 ngày (17 – 20/8) của bà San Suu Kyi.

Bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Hillary Cinton coi bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar là một người bạn. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama đã mời bà đến Nhà Trắng vào tháng tới.

Tuy nhiên, bà San Suu Kyi đã chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên bên ngoài khu vực Đông Nam Á để đến thăm kể từ khi Liên minh Dân chủ Toàn quốc Myanmar do bà lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/2015 và chính thức nắm quyền lãnh đạo vào tháng 4/2016.

Chuyến thăm của bà San Suu Kyi tới Trung Quốc phát đi một tín hiệu mạnh mẽ rằng, chính sách đối ngoại của Myanmar sẽ thân thiện hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, để mối quan hệ này “thăng hoa” là điều không hề dễ dàng.

Chuyến thăm định hình quan hệ tương lai hai nước

Nhà sử học Thant Myint-U, cố vấn của chính phủ Myanmar: “Bà Aung San Suu Kyi từ lâu đã bày tỏ mong muốn xây đắp mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc và không có gì đáng phải bàn cãi khi bà chọn đến thăm Bắc Kinh trước tiên. Đây sẽ là chuyến thăm lịch sử có thể định hình quan hệ Myanmar – Trung Quốc trong nhiều năm tới”.

Việc Trung Quốc “trải thảm đỏ” đón chào bà Aung San Suu Kyi được cho là sự trọng thị hoàn toàn trái ngược với cái cách mà Bắc Kinh đối xử với bà khi chỉ là lãnh đạo đảng đối lập Myanmar. Năm ngoái, bà San Suu Kyi đến muộn 20 phút trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói rằng, bà là người đầu tiên khiến ông phải chờ đợi quá lâu.

Giờ đây, khi bà San Suu Kyi ở một vị thế khác, Trung Quốc dường như đang muốn “đền bù” cho lời khiển trách trước đó bằng việc dành cho Myanmar những dự án đầu tư được “thiết kế” riêng. Đặc biệt, trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của bà San Suu Kyi, hai nước hy vọng sẽ có thể đàm phán khởi động lại dự án đập Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD vốn bị đình chỉ hồi năm 2011.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc coi Myanmar như “một tài sản chiến lược” khi nước này sở hữu đường bờ biển dài ở phía Tây gần với Ấn Độ Dương. Vị trí chiến lược này sẽ cung cấp điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu dầu khí từ Trung Đông. Đó là còn chưa kể đến những mỏ khoáng sản phong phú ở vùng biển này.

Mặc dù Trung Quốc gần đây đã xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt từ khu vực bờ biển của Myanmar đến miền Nam Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đạt được thỏa thuận cho phép tàu thuyền cập cảng Kyaukpyu của Myanmar trên Vịnh Bengal nhưng kim ngạch thương mại song phương đã giảm trong năm 2015.

Bên cạnh đó, quan hệ giữa hai nước được cho là đang trong tình trạng “khá nguội lạnh” sau cuộc Tổng tuyển cử lịch sử ở Myanmar hồi năm ngoái.

Nóng vấn đề đập Myitsone

Trong những ngày trước chuyến thăm Trung Quốc, bà Aung San Suu Kyi đã tìm cách xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh về những bất động liên quan đến dự án đập Myitsone do Trung Quốc tài trợ bằng cách thành lập một ủy ban gồm 20 thành viên để xem xét quyết định đình chỉ dự án cũng như nghiên cứu một dự án khác khả thi hơn.

Myitsone thuộc bang Kachin là nơi hợp lưu hai dòng chảy Mali và N’mai và là một địa điểm thiêng liêng vì từ đây bắt nguồn con sông lớn nhất nước – sông Irrawady, chảy dọc từ bắc xuống nam với chiều dài hơn 2.000 km – vốn là nguồn huyết mạch quan trọng và là cái nôi văn hóa Myanmar.

Nhưng đến năm 2005, chính phủ Myanmar đã ký kết một hợp đồng xây dựng đập thủy điện trị giá 3,6 tỷ USD với Tập đoàn China Southern Power Grid (Trung Quốc) ngay tại chính nơi hợp lưu hai dòng chảy đó. Và phần lớn lượng điện sản xuất ra là nhằm cung cấp cho tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chứ không phải cho người dân bang Kachin.

Trong một quyết định bất ngờ, chính quyền của Tổng thống Thein Sein đã ra lệnh ngừng dự án này từ năm 2011 vì cho rằng, nếu tiếp tục dự án này sẽ “chống lại ý nguyện của nhân dân Myanmar”.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, công trình thủy điện này có thể để lại nhiều hệ quả nghiêm trọng cho dân cư và hệ sinh thái. Cuộc sống của hơn 11.000 người chung quanh khu vực sẽ bị xáo trộn. Nhiều đền chùa Phật giáo, các nhà thờ Công giáo cùng nhiều đền thờ văn hóa khác của tộc người Kachin có nguy cơ biến mất. Hệ sinh thái khu vực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nguy hiểm hơn, con đập này xây ở thượng lưu sông Mekong nó hoàn toàn có thể gây hại nặng nề đến môi trường và cuộc sống hàng triệu người dân ở những quốc gia thuộc hạ lưu sông, trong đó Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan.

Quyết định khôn ngoan của bà San Suu Kyi

David I. Steinberg, Giáo sư danh dự tại Đại học Georgetown nhận định: “Bà ấy cần mối quan hệ tốt với Trung Quốc nhưng nếu phê duyệt dự án đập Myitsone, bà ấy sẽ mất đi sự ủng hộ ngay trong nội bộ đất nước”.

Theo giáo sư Steinberg, việc bà San Suu Kyi cho thành lập một ủy ban về vấn đề đập Myitsone là một quyết định thông minh để giảm bớt áp lực từ Trung Quốc, phát đi tín hiệu cho thấy thiện chí giải quyết vấn đề của Myanmar. Bên cạnh đó, động thái này cũng giúp bà San Suu Kyi chuyển hướng sự chỉ trích của dư luận trong nước đối với cá nhân bà và Tổng thống Htin Kyaw.

Được biết, Myanmar sẵn sàng bồi thường cho phía Trung Quốc 800 triệu USD nếu dự án đập Myitsone không thể thực hiện được. Tuy nhiên, hiện Myanmar đang để ngỏ khả năng đàm phán với Trung Quốc về một dự án có quy mô nhỏ hơn, ít ảnh hưởng tới môi trường hơn.

Khó khăn trong việc thực hiện dự án đập Myitsone dường như không ảnh hưởng nhiều đến tham vọng của Trung Quốc đối với cơ hội ở Myanmar.  Mới đây, Bắc Kinh đã đề xuất mở một tuyến đường thương mại mới từ thị trấn Bhamo ở miền bắc Myanmar đến đồng bằng sông Irrawaddy. Đây được cho là minh chứng rõ nét nhất cho tham vọng của Trung Quốc tiếp cận nhiều hơn với Ấn Độ Dương.

Ngoài những mục tiêu hợp tác mà cả hai nước đều mong muốn tìm kiếm lợi ích cho riêng mình nói trên. Giới phân tích cho rằng, một trong những mục tiêu quan trọng khác mà bà Aung San Suu Kyi hướng đến trong chuyến thăm Trung Quốc lần này là tìm kiếm sự giúp đỡ của Bắc Kinh khi Chính phủ Myanmar khởi động đàm phán hòa bình, giải quyết xung đột ở miền bắc Myanmar giữa các nhóm người dân tộc thiểu số và quân đội nước này.

Bình luận về chuyến thăm Trung Quốc của bà San Suu Kyi, cựu Đại sứ Mỹ tại Myanmar, nói rằng Washington công nhận nhu cầu cấp bách phát triển cơ sở hạ tầng của Myanmar. Mỹ không bao giờ phản đối việc Trung Quốc triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn ở Myanmar, miễn sao các dự án này minh bạch, rõ ràng, không phá hoại môi trường và được người dân sở tại ủng hộ.

Cũng theo ông Mitchell, sẽ là thích hợp hơn nếu việc xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối Myanmar với thế giới bên ngoài được thực hiện với nhiều đối tác chứ không chỉ riêng Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Thant Myint-U thì cảnh báo: “Câu hỏi đặt ra là cái giá của sự phụ thuộc vào Trung Quốc đang ngày một  tăng sẽ như thế nào?”.

RELATED ARTICLES

Tin mới