Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững câu hỏi còn bỏ ngỏ tại hội thảo về Biển Đông...

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ tại hội thảo về Biển Đông ở Nha Trang

Hoạt động ý nghĩa này vẫn đang thiếu sự phân tích, phản biện cần thiết trong khoa học, đặc biệt là với các vấn đề dư luận còn băn khoăn, tranh cãi.

Chương trình bình luận của mục Vấn đề hôm nay, VTV1 về hội thảo này. Ảnh chụp màn hình.

Sáng 17/8 tại Nha Trang, Khánh Hòa diễn ra hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật pháp quốc tế và thực tiễn Biển Đông” do Đại học Nhà Trang và Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức.

Hội thảo quy tụ hơn 100 học giả quốc tế và Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước tham dự.

Đây là cuộc hội thảo quốc tế đầu tiên do Việt Nam tổ chức bàn về một khía cạnh trong Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc được Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố hôm 12/7 vừa qua.

Hoạt động này rất thiết thực và có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam cũng như các nước đang quan tâm đến vấn đề Biển Đông.

Tham dự hội thảo này, cá nhân người viết cảm nhận thấy không khí phấn khởi của tất cả các học giả tham dự hội thảo khi nhắc đến Phán quyết Trọng tài, bởi đó là thắng lợi của lẽ phải, công lý và luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Các học giả đều đánh giá cao tinh thần làm việc thượng tôn pháp luật, nỗ lực không mệt mỏi của Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán được PCA thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 để đưa ra được phán quyết hết sức thuyết phục.

Đó là phán quyết về những nội dung tranh chấp ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 trên Biển Đông vốn dĩ hết sức phức tạp, trong đó có vấn đề quy chế pháp lý của các thực thể.

Đây là lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền đã giải thích rất rõ ràng, xây dựng lập luận rất logic, phản ánh đúng tinh thần UNCLOS 1982 đối với các thực thể tranh chấp cụ thể.

Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc thu hẹp phạm vi tranh chấp trên Biển Đông, gợi mở nhiều điều cho các bên liên quan trong đó có Việt Nam.

Đó cũng là lý do mà cá nhân người viết và nhiều học giả tham dự đánh giá rất cao những nỗ lực kịp thời, đáng quý của hai đơn vị đồng tổ chức hội thảo.

Người viết nghĩ rằng cần tiếp tục triển khai những cuộc hội thảo quốc tế như thế này để phân tích và mổ xẻ hơn nữa những vấn đề nóng đang đặt ra sau Phán quyết Trọng tài mà dư luận quan tâm.

Trên tinh thần đó, cá nhân người viết xin chia sẻ một vài suy nghĩ và cảm nhận về những khía cạnh mà chúng ta có thể làm tốt hơn nữa.

Để tới đây, nếu có triển khai các hoạt động hội thảo hội nghị về Phán quyết Trọng tài nói riêng, vấn đề Biển Đông nói chung, chúng ta sẽ giải quyết được nhiều hơn các câu hỏi, bài toán thực tiễn đang đặt ra, dư luận đang thắc mắc.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Chủ đề của hội thảo này là “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật pháp quốc tế và thực tiễn Biển Đông” cho thấy các nhà tổ chức hội thảo đã chọn đúng và trúng vấn đề dư luận đang quan tâm sau Phán quyết Trọng tài.

Bởi lẽ trước đó còn có rất nhiều nhận thức khác nhau, cần được các nhà nghiên cứu phân tích, mổ xẻ và giải thích kỹ lưỡng với dư luận.

Tuy nhiên có thể do thời gian chuẩn bị ngắn hoặc vì lý do nào đó, mặc dù có tới 100 học giả uy tín quốc tế cũng như Việt Nam tham dự, nhưng các bản tham luận dường như có hơi hướng một chiều.

Cá nhân người viết qua trao đổi với nhiều người bên hành lang hội thảo đều có chung cảm nhận rằng, hoạt động ý nghĩa này vẫn đang thiếu sự phân tích, phản biện cần thiết trong khoa học, đặc biệt là với các vấn đề dư luận còn băn khoăn, tranh cãi.

Hơn nữa, câu hỏi lớn nhất mà dư luận Việt Nam nói chung, các nhà nghiên cứu nói riêng còn băn khoăn rằng, vậy nội dung quy chế pháp lý đối với các thực thể trong Phán quyết Trọng tài có ảnh hưởng gì đến Việt Nam hay không?

Điều này đã không được làm rõ trên bàn hội thảo.

Trước và sau phán quyết trong dư luận giới nghiên cứu Việt Nam vẫn có những băn khoăn, quan điểm cho rằng Việt Nam “mất”, “thiệt” với nội dung quy chế pháp lý cho các thực thể ở Trường Sa: không một cấu trúc nào có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý.

Có những băn khoăn rằng, vậy phải chăng từ sau phán quyết trọng tài phải đổi tên gọi các đảo Ba Bình, Thị Tứ, Trường Sa, Nam Yết…thành “đá” hết hay sao?

Bởi theo cách hiểu của một số người về Điều 121: “Chế độ đảo” trong UNCLOS 1982 rằng, là “đảo” thì có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, là “đá” thì không.

Người viết cho rằng đây mới là những vấn đề pháp lý dư luận Việt Nam cũng như khu vực, đặc biệt là các nhà nghiên cứu quan tâm, cần phải có trao đổi, phản biện để làm rõ và tìm ra chân lý, căn cứ vào Phán quyết cũng như cách xây dựng lập luận của Hội đồng Trọng tài và quy định cụ thể trong UNCLOS 1982.

Tiếc rằng những vấn đề quan trọng này đã chưa được làm rõ tại hội thảo.

Trước đó đã có những nhà nghiên cứu người Việt đặt vấn đề này ra để thảo luận như Tiến sĩ Dương Danh Huy từ Quỹ Nghiên cứu Biển Đông hay Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Hoa Kỳ.

Nếu ban tổ chức tận dụng được cơ hội quý giá này để mời các nhà nghiên cứu có ý kiến khác nhau về Điều 121 “Chế độ đảo”, UNCLOS 1982 ngồi lại với nhau để làm rõ thì rất hay, rất thời sự và đáp ứng được mong mỏi, nhu cầu của dư luận xã hội.

Mặt khác, chủ đề hội thảo liên quan đến Phán quyết Trọng tài, một vấn đề pháp lý khó. Tuy nhiên nội dung hội thảo lại chèn thêm phần chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào làm loãng nội dung chính, trong khi thời gian dành cho thảo luận và phản biện nội dung chính lại quá ít.

Đương nhiên, chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần được đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền thông qua nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có các hội thảo quốc tế.

Tuy nhiên tranh chấp chủ quyền lãnh thổ có cơ chế pháp lý quốc tế riêng để giải quyết, liên quan đến quyền thụ đắc lãnh thổ, khác với bản chất vụ kiện trọng tài cũng như nội dung phán quyết, chủ đề của hội thảo này là áp dụng, giải thích UNCLOS 1982.

Hơn nữa, Trung Quốc đang cố tình nhập nhằng đánh lận con đen, tráo khái niệm để chối bỏ vụ kiện và nghĩa vụ tuân thủ Phán quyết Trọng tài vì cho rằng, Tòa đã xử nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và phân định biển, chứ không phải áp dụng và giải thích UNCLOS 1982 như đúng bản chất vụ kiện.

Do đó chúng ta đưa những nội dung liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào hội thảo này không chỉ làm loãng nội dung, thậm chí là “lạc đề” câu chuyện đang mổ xẻ, mà có thể tạo cớ cho Trung Quốc tuyên truyền bất lợi cho ta.

Việc nào cũng quan trọng, nhưng phải được đặt đúng “sân”, bởi lẽ cơ chế pháp lý khác nhau thì cần đặt ở các diễn đàn khác nhau để tránh sự nhầm lẫn.

Những hiểu lầm về việc Việt Nam “mất gì”, “thiệt gì” sau Phán quyết Trọng tài

Rõ ràng nội dung Phán quyết Trọng tài liên quan đến giải thích áp dụng Điêu 121: “Chế độ đảo” của UNCLOS 1982 đang gây tranh cãi và cần làm rõ.

Theo quy định của UNCLOS 1982, các thực thể trên biển và đại dương chỉ có hai loại. Một là “đảo”, cấu thành một cách tự nhiên bởi đất, đá, rạn san hô, cát, sỏi…phải luôn luôn nổi lên trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất.

Hai là các thực thể địa lý không phải là đảo, bất kể là đất, đá, san hô, cát sỏi …, nếu chúng lúc nổi lúc chìm hay chìm hoàn toàn theo mực nước thủy triều.

Về quy chế pháp lý cho các thực thể là “đảo” nằm trong Khoản 3 Điều 121: đảo nào thích hợp cho đời sống của con người và có đời sống kinh tế riêng thì có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Còn đảo nào không thích hợp cho người sinh sống và không có đời sống kinh tế riêng thì chỉ có lãnh hải không quá 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Như vậy có thể thấy chúng ta cần chú ý 2 điểm trong Phán quyết Trọng tài về nội dung được hội thảo đề cập và mổ xẻ.

Một là Việt Nam chẳng mất gì, chẳng thiệt gì với nội dung phán quyết này, vì bản thân các đảo như Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Đông, Ba Bình, Thị Tứ…vẫn là đảo.

Nhưng do các thực thể này không có đời sống kinh tế riêng hay không thích hợp cho con người sinh sống, nên chúng không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, mà chỉ có lãnh hải không quá 12 hải lý.

Cái mà chúng ta lầm tưởng là “mất”, là “thiệt” đó thực ra không có thực theo UNCLOS 1982. Nếu có thì chỉ là sự tự nhận mà không có căn cứ.

Quan trọng hơn, nếu chúng ta tư duy theo kiểu tự nhận hoặc giải thích tùy tiện UNCLOS 1982 thì chúng ta cũng chẳng khác gì Trung Quốc.

Còn các thực thể “không phải đảo”, tức các bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay các thực thể nằm hoàn toàn dưới mặt nước biển như các rặng san hô, chúng không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý.

Trong một số trường hợp đặc biệt, một số bãi cạn lúc nổi lúc chìm có thể được tính làm mốc để vạch đường cơ sở đo chiều rộng lãnh hải cho một đảo hoặc đất liền mà nó nằm cách một khoảng dưới 12 hải lý, trên bãi cạn đó có xây dựng công trình nhân tạo.

Chương trình “Vấn đề hôm nay” của kênh truyền hình VTV1 ngày 17/8 khi đưa tin về hội thảo, cũng có nhắc đến lập luận chúng tôi vừa trình bày. Đáng tiếc rằng Biên tập viên của đài chưa đọc kỹ nên vẫn cứ sai.

Biên tập viên VTV1 nói đúng vế đầu rằng:

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 thì chỉ có 2 loại thực thể địa lý là đảo, cấu thành một cách tự nhiên, thích hợp cho con người sinh sống hoặc có đời sống kinh tế riêng thì có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý.

Nhưng Biên tập viên VTV1 đã sai khi nói tiếp vế sau:

Hai là các thực thể địa lý không phải là đảo. Nếu chúng lúc nổi lúc chìm hay chìm hoàn toàn dưới mực nước biển khi thủy triều lên hay xuống, nhiều nhất các cấu trúc này chỉ có lãnh hải 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế.

Đây là một sai lầm rất đáng tiếc về mặt pháp lý, đáng lẽ không nên có đối với một đài truyền hình quốc gia.

Hai là, qua phân tích về Phán quyết Trọng tài liên quan tới Điều 121 “Quy chế đảo” của UNCLOS 1982, có thể thấy chủ đề của hội thảo đặt ra cũng không chuẩn.

Không phải là “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiến Biển Đông” mà nên là “Quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý trong UNCLOS 1982 và thực tiễn Biển Đông”.

Ngoài ra, có những diễn biến mới trong khu vực sau Phán quyết Trọng tài như việc Philippines và Trung Quốc tìm cách đàm phán trực tiếp với nhau đang nhận được sự quan tâm chú ý từ dư luận cũng rất cần mổ xẻ, phân tích để tránh những hiểu lầm đáng tiếc.

Do đó cá nhân người viết cho rằng, rất đáng hoan nghênh và ca ngợi những nỗ lực kịp thời của các nhà tổ chức hội thảo quốc tế này sau Phán quyết Trọng tài, và chúng ta còn phải làm mạnh hơn nữa, làm nhiều hơn nữa.

Để cho các hoạt động hội thảo ấy tăng tính khoa học và giảm bớt tính chất ngoại giao, một chiều, thiết nghĩ các nhà tổ chức cần nghiên cứu kỹ hơn giữa chủ đề và nội dung, đối tượng tham dự để tăng tính trao đổi, phản biện và trả lời cho được những vấn đề nóng có liên quan đến chủ đề mà dư luận đang quan tâm.

RELATED ARTICLES

Tin mới