Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia Việt cảnh báo tác hại khi TQ 'giữ lũ' Mekong

Chuyên gia Việt cảnh báo tác hại khi TQ ‘giữ lũ’ Mekong

Chuyên gia hàng đầu về Mekong khẳng định các đập thủy điện của Trung Quốc giữ lại nước nhằm giảm lũ ở hạ nguồn gây tác động xấu đối với Việt Nam.

Đập thuỷ điện Tiểu Loan của Trung Quốc có tổng dung tích 15 tỷ m3.

“Mấy năm nay đồng bằng sông Cửu Long bị mất lũ, là điều rất nguy hại. Chúng ta cần hiểu khái niệm lũ đẹp, tức là lũ giúp điều hoà nguồn nước vào đồng bằng, làm vệ sinh cho đồng ruộng. Lũ cũng sẽ mang phù sa cho trồng trọt, nguồn thức ăn trôi nổi cho nhiều loại cá và giúp giảm xâm nhập mặn ở khu vực này”, ông  Đào Trọng Tứ, nguyên phó tổng thư ký Uỷ ban sông Mekong Việt Nam, trao đổi với VnExpress.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long thời điểm giữa tháng 8 rất thấp. Trên sông Tiền, tại Tân Châu mực nước cao nhất chỉ 1,36 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,20 m; thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 40-50 cm.

“Đến nay, chưa có dấu hiệu gì báo lũ về vùng đầu nguồn”, ông Khương Lê Bình, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, cho biết.

Là một chuyên gia hàng đầu về vấn đề sông Mekong, ông Tứ cho biết các đập thuỷ điện đã giữ lại một lượng lớn phù sa của con sông, trong khi ước tính 50% phù sa của đồng bằng sông Cửu Long là từ trên thượng nguồn đổ về.

Về phía Trung Quốc, các quan chức nước này khi trao đổi với một nhóm phóng viên Việt Nam thăm một số đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong hồi giữa tháng 6, cho biết Trung Quốc hiện có tổng cộng 6 đập thủy điện đang vận hành ở khu vực này, theo thứ tự từ Bắc xuống Nam là Công Quả Kiều, Tiểu Loan, Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Nọa Trát Độ và Cảnh Hồng.

Ông Vương Hồng Minh, Vụ hợp tác quốc tế, Khoa học và công nghệ, Bộ Thủy lợi Trung Quốc, cho hay đặc điểm chung của các đập thủy điện là dùng để phát điện chứ không phải là “tiêu thụ nước”. Trung Quốc giữ lại nước trên thượng nguồn nhưng sau đó vẫn xả xuống hạ du, chỉ làm “thay đổi quy trình chứ không làm mất nước đi nơi khác”.

“Khi các quốc gia ở hạ lưu đang vào mùa mưa, họ không cần nhiều nước, lúc đó Trung Quốc sẽ tích nước để nhà máy điện hoạt động. Khi vào mùa khô, Trung Quốc sẽ xả nước. Quy trình này có tác dụng ngăn lũ, chống hạn cho các nước hạ du”, ông Vương nói.

Phản bác lại ý kiến này, ông Tứ đánh giá khi một quốc gia tích trữ nước của dòng sông tự nhiên thì cơ chế xả nước sẽ vận hành theo phụ tải điện của nước đó.

“Việc xây đập thủy điện không phải làm để xả nước, nếu không tích nước thì không thể phát điện. Câu chuyện đó với đồng bằng sông Cửu Long là gây nên tình trạng bị mất lũ”, ông Tứ nói.

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin 

Là người theo dõi tình hình ở sông Mekong nhiều năm, ông Tứ cho biết một trong những vấn đề chính ở khu vực này là Trung Quốc vẫn chưa chia sẻ thông tin về cơ chế hoạt động của các đập thủy điện của họ với 4 nước thuộc hạ lưu, gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào. Đây là các nước thành viên của Ủy hội sông Mekong (MRC). Điều đó khiến những nước hạ nguồn bị động trong việc sử dụng nguồn nước, nhất là khi xảy ra tình trạng hạn hán trong mùa khô.

Giải thích về việc này, ông Vương Hồng Minh, Bộ Thủy lợi Trung Quốc cho hay Bắc Kinh có chia sẻ thông tin trong mùa lũ với các nước MRC, nhưng họ không làm việc này vào mùa khô.

“Vào mùa khô thông tin về lưu lượng ở thượng nguồn bị tác động bởi các yếu tố như độ bốc hơi, nước ngầm, lượng mưa nên không có nhiều tác dụng cho dự báo. Theo thông lệ quốc tế thì chúng tôi không cung cấp thông tin vào mùa này”, ông Vương nói.

Không đồng tình với lập luận này, ông Tứ cho hay thông tin về hoạt động của các đập thuỷ điện cần được chia sẻ cả trong mùa khô và mùa mưa. Hiện các nước trên thế giới áp dụng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy năm 1997. Tức là việc chia sẻ thông tin cần được đảm bảo cho hợp tác quanh năm giữa các nước.

Cựu quan chức Ủy ban sông Mekong Việt Nam cũng lưu ý cần xem xét việc các đập thủy điện của Trung Quốc có hồ điều tiết loại gì. Nếu là hồ điều tiết nhiều năm thì lượng nước được tích lại không phải trong một năm mà là cho nhiều năm. 

Đánh giá về cơ chế đối thoại trong hợp tác Lan Thương – Mekong được hình thành vào tháng 3 năm nay, ông Tứ nói việc này phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của các quốc gia với nhau. Ông mong muốn Trung Quốc thời gian tới sẽ tham gia MRC để cùng các nước hạ lưu xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nước. Hiện Trung Quốc và Myanmar chưa phải thành viên Ủy hội này. Khi cơ chế Lan Thương – Mekong chưa có các hiệp định cụ thể, vấn đề quản lý nước chỉ mang ý nghĩa hợp tác chung chung, trong khi hợp tác phát triển bền vững ở Mekong còn rất nhiều thách thức.

“Với các dòng sông quốc tế, việc các nước có cơ chế hợp tác là điều rất quan trọng, các nước không thể nói anh đi đường anh, tôi đi đường tôi. Các bên cần hợp tác trên tinh thần cùng có lợi, trên cơ sở thiện chí và dựa trên luật pháp quốc tế. Tôi hy vọng cơ chế Lan Thương – Mekong sẽ giúp khắc phục những thiếu sót về hợp tác giữa Trung Quốc và các nước thuộc hạ lưu”, ông Tứ nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới