Theo chuyên gia, khi việc phía Việt Nam vay vốn Eximbank Trung Quốc, các điều khoản vay nợ đều đã được đặt lên bàn cân.
Nhà máy Đạm Ninh Bình đang phải gồng mình trả nợ Trung Quốc
Mục tiêu chính trị và kinh tế
Nhà máy Đạm Ninh Bình đang phải gồng mình trả khoản nợ Ngân hàng Eximbank Trung Quốc lên tới 5.000 tỷ đồng với lãi suất 4%/năm. Ngoài ra, theo kết quả thanh tra của Bộ Công thương, Đạm Ninh Bình thua lỗ nhiều năm là do chi phí đầu tư lớn, công nghệ lạc hậu, chi phí sản xuất cao, sản phẩm chất lượng kém nên không tiêu thụ được khiến hàng tồn kho, thành thử càng hoạt động, khoản lỗ càng gia tăng.
Trên báo chí, lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, khi vay tiền Eximbank, một trong những điều kiện của họ là Việt Nam phải sử dụng nhà thầu của họ. Ngoài ra, dây chuyền của nhà máy sử dụng công nghệ châu Âu nhưng có một số thiết bị, máy móc gia công tại Trung Quốc.
Trong khi đó, có chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, Eximbank Trung Quốc thực chất là một ngân hàng chính trị, các hoạt động cho vay của Eximbank ra nước ngoài có yếu tố chính trị thay vì yếu tố hỗ trợ phát triển như ODA. Thậm chí, nước tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ ra nước ngoài của Trung Quốc bắt buộc phải mua ít nhất 50% hàng hóa, dịch vụ từ các công ty nội địa Trung Quốc. Đặc biệt, việc giải ngân nguồn vốn này luôn chậm trễ và bất ổn khó lường.
Đánh giá về cách làm của Eximbank Trung Quốc, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, hầu hết các Eximbank trên thế giới chứ không riêng gì Eximbank Trung Quốc là những ngân hàng có vốn được kết hợp một phần bởi nguồn vốn nhà nước với nguồn vốn của các hiệp hội ngành nghề của các quốc gia đó nhằm ưu tiên cho vay xuất khẩu hoặc nhập khẩu đối với các đối tác nước ngoài, tạo điều kiện cho các ngành xuất nhập khẩu trong nước phát triển.
Cũng theo ông Thịnh, việc sử dụng nguồn vốn của các ngân hàng Exim tuân thủ theo nguyên tắc tài trợ thương mại giá rẻ cho những người có quan hệ xuất nhập khẩu và quan hệ tốt với các đối tác trong nước.
“Như vậy, hầu hết các Eximbank đều hoạt động vì mục tiêu chính trị và mục tiêu kinh tế của các hiệp hội ngành nghề hoặc cho cả quốc gia”, ông nói.
Đối với Eximbank Trung Quốc, vị chuyên gia cho biết, ngân hàng này chủ yếu sử dụng nguồn vốn của chính phủ Trung Quốc, còn vốn của hiệp hội ngành nghề không đáng kể.
Ngoài ra, so với vốn ODA, vốn từ Eximbank ít ưu đãi hơn nhiều nhưng đều có các yêu cầu về mặt thể chế, chính trị. Trước hết, họ yêu cầu tạo điều kiện cho nhà thầu Trung Quốc được trúng thầu để giải quyết công ăn việc làm. Đây có thể là yêu cầu của các hiệp hội ngành nghề nói riêng cũng như yêu cầu từ phía Chính phủ Trung Quốc đối với các dự án nhận vốn vay từ Trung Quốc.
“Bởi thế, các dự án vay vốn Eximbank Trung Quốc hoặc ODA Trung Quốc phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc cũng là điều bình thường vì nó là điều kiện được đặt ra gần như hàng đầu của Trung Quốc.
Dù vậy, các dự án ở Việt Nam cũng như trên thế giới đã cho thấy, nhà thầu Trung Quốc tồn tại rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn, họ đưa người của họ sang rồi các lao động đó ở lại bất hợp pháp ở các quốc gia, hình thành nên các “China town”. Mặt khác, để nhận được thầu, nhà thầu Trung Quốc thường đặt giá rẻ hơn so với yêu cầu, sau đó trong quá trình thực thi họ sẽ kéo dài thời gian, đòi tăng vốn… làm cho giá đầu tư đội lên có thể ngang bằng với người bỏ thầu đắt nhất của dự án đó.
Eximbank cũng thường đặt ra điều kiện phải sử dụng hàng hóa, máy móc thiết bị của nước họ. Tùy theo từng trường hợp mà có thể mức độ yêu cầu sử dụng thiết bị, công nghệ của người cung cấp vốn cao hay thấp.
Dù Eximbank Trung Quốc tuyên bố rằng đó là công nghệ G7, hiện đại nhưng trong đó luôn có những bộ phận, thiết bị Trung Quốc được sử dụng mang tính thay thế, hoặc được gắn mác tiêu chuẩn của châu Âu”, ông Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Trở lại với việc dự án Đạm Ninh Bình vay vốn với lãi suất 4% từ Eximbank Trung Quốc, ông Thịnh cho rằng đó là mức lãi suất không phải quá thấp dù vẫn rẻ hơn nhiều so với vay trên trường quốc tế, lại thêm các điều kiện khác.
“Đối với hầu hết các dự án nhận vốn của Eximbank Trung Quốc, không chỉ riêng Đạm Ninh Bình, Việt Nam đã tính một cách đơn giản rằng, công nghệ Trung Quốc cũng tương đối hiện đại và được cộng đồng châu Âu chấp nhận. Vì lẽ đó, dù dây chuyền của nhà máy sử dụng công nghệ châu Âu nhưng vẫn có một số thiết bị, máy móc gia công tại Trung Quốc hay được phía Trung Quốc nói rằng chúng được châu Âu chấp thuận.
Nhưng được châu Âu chấp thuận thì cũng có nhiều loại. Có thể họ chỉ chấp nhận ở mức độ nào đó chứ không phải công nghệ đó thay thế cho công nghệ châu Âu.
Ở Việt Nam, rất nhiều nhà kỹ thuật cũng như những người có kinh nghiệm lâu năm trong đầu tư đều rất cảnh giác với thiết bị, công nghệ Trung Quốc cũng như nhà thầu Trung Quốc. Điều đó là hiển nhiên bởi công nghệ Trung Quốc rất hay hỏng hóc và khó thay thế vì Trung Quốc làm theo chuẩn riêng của họ chứ không theo chuẩn quốc tế. Họ có thể sử dụng nhiều biện pháp để kéo dài thời hạn thi công, đòi nâng giá tiền của máy móc, thiết bị, công nghệ để gây khó dễ, kéo dài thời gian khiến chủ đầu tư cảm thấy sốt ruột và đồng ý sử dụng công nghệ Trung Quốc với trình độ thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, các chủ đầu tư dự án không thực sự cẩn trọng trong quá trình xem xét thiết bị công nghệ cũng như việc bỏ thầu, xét thầu, từ đó dẫn đến ở nhiều dự án của Việt Nam, các nhà thầu Trung Quốc thắng thế. Và khi đã thắng thầu, họ kéo dài thời gian thi công, thiết bị, công nghệ họ đưa vào không đáp ứng được yêu cầu ban đầu”, ông Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.
Vị chuyên gia dẫn trường hợp của nhiệt điện Uông Bí làm minh chứng. Dự án này cũng sử dụng vốn của Eximbank Trung Quốc và nhiều thiết bị, máy móc Trung Quốc. Khi thiết bị đó hỏng, phía Việt Nam không thể sửa nổi và phải chở thiết bị cực kỳ nặng nề sang Trung Quốc nhưng cuối cùng cũng không đạt được tiêu chuẩn công nghệ đề ra.
Ngoài ra, ông Đinh Trọng Thịnh nhận định, ngoài dự án Đạm Ninh Bình, rất nhiều dự án Việt Nam vay vốn của Eximbank Trung Quốc, đặc biệt là các dự án nhiệt điện, ví dụ nhiệt điện Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê, Quảng Ninh 1 và 2, Hải phòng 1 và 2, nhiệt điện Uông Bí mở rộng, nhiệt điện Vĩnh Tân 2… Từ các dự án này có thể khẳng định rằng không phải Việt Nam ‘sập bẫy’ bởi đã biết trước được các điều kiện cho vay ngay từ đầu.
Vay Trung Quốc có rẻ?
Đề cập sâu hơn đến số nợ và lãi suất mà Đạm Ninh Bình đang phải gồng mình trả cho Eximbank Trung Quốc, TS Bùi Quang Tín, khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, trường hợp như Đạm Ninh Bình không phải là hiếm. Phía Trung Quốc không chỉ có Eximbank mà có nhiều ngân hàng khác làm nhiệm vụ chính trị bên cạnh nghĩa vụ kinh tế.
“Lãi suất 4%/năm không phải ưu đãi gì. Thực tế, xét hiệu quả và số tiền dự án lớn như vậy, các ngân hàng Việt Nam thừa sức cho vay ngoại tệ với lãi suất 2-3%.
Có thể nói lãi suất Đạm Ninh Bình vay từ Eximbank Trung Quốc là không bình thường. Thông thường ở nước ngoài, lãi suất đầu vào của ngân hàng rất rẻ, ở mức 0,5-0,7%/năm, tối đa là 1%/năm và đến khi cho vay ra, lãi suất chỉ ở mức 2-3%”, ông Bùi Quang Tín nhận xét.
Khẳng định nguồn vốn vay từ Trung Quốc không phải là lựa chọn duy nhất, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, rất nhiều dự án của Việt Nam vay vốn từ Trung Quốc, đặc biệt là của Eximbank Trung Quốc một phần có thể xuất phát từ hiểu biết công nghệ của các nhà quản lý Việt Nam.
Đặc biệt, đằng sau việc ký kết vay vốn Trung Quốc có thể có vấn đề liên quan đến đạo đức cán bộ, tham nhũng, sự cấu kết giữa một số cán bộ với những người có trách nhiệm trong quá trình thực thi dự án…
Vị chuyên gia nhấn mạnh, không chỉ đối với việc vay vốn từ Trung Quốc, ngay cả khi Việt Nam vay vốn từ các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế, dù họ có cho vay rẻ hơn, ưu đãi lớn, nhưng đằng sau đó phải rà soát lại xem hiệu quả của nó đối với kinh tế Việt Nam như thế nào, có phù hợp với sự phát triển tổng thể của nền kinh tế nói chung cũng như từng địa phương nói riêng hay không, nó tác động thế nào đến bức tranh về năng lực sản xuất của nền kinh tế…
Trong các điều kiện vay vốn, phải xem xét các điều kiện đi kèm vì thông thường các khoản vay này đều có điều kiện. Dù kinh tế Việt Nam rất thiếu vốn nhưng không đến mức phải chấp nhận mọi điều kiện.
“Có nhiều dự án mà phía Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ thầu và tự xây dựng được, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn chấp nhận vay vốn Trung Quốc rẻ hơn một chút nhưng họ đưa công nhân, máy móc sang. Đôi khi chỉ vì ham rẻ mà chúng ta bị mất rất nhiều và không thể khôi phục trong một sớm một chiều, thậm chí có thể mất toàn bộ dự án vì thiết bị, công nghệ quá cũ, quá lạc hậu, không sử dụng được. Dự án nhà máy nhiệt điện Uông Bí là một bài học đau đớn.
Do đó, khi vay vốn phải đàm phán các điều khoản liên quan cho hợp lệ, nếu thấy không tương xứng thì tốt nhất nên dừng, tìm nguồn vốn khác. Thà không vay còn hơn để vay rồi nó trở thành khoản nợ Việt Nam khó trả được”, ông Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.