Saturday, November 16, 2024
Trang chủBiển nóngToan tính đổi tên tỉnh Hải Nam của TQ

Toan tính đổi tên tỉnh Hải Nam của TQ

Trung Quốc đang có nhiều động thái mới liên quan đến biển Đông, từ vận động đổi tên tỉnh Hải Nam đến việc thay đổi thực địa tại đây.

Trung Quốc đang vận động đổi tên tỉnh Hải Nam thành Nam Hải, nhằm khẳng định chủ quyền trái phép trên biển Đông

Trung Quốc vận động đổi tên tỉnh Hải Nam

Ngày 20/8, Hoàn Cầu thời báo đưa tin Chủ nhiệm Hiệp hội Du lịch Trung Quốc Ngụy Tiểu An vừa đề xuất đổi tên tỉnh Hải Nam thành tỉnh Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông) để thể hiện cái gọi là chủ quyền không thể tranh cãi đối với khu vực.

“Tên Hải Nam hiện nay chỉ nói tới đảo, trong khi Nam Hải sẽ thể hiện đầy đủ sự rộng lớn của khu vực, vốn bao gồm trên 2 triệu km2 mặt nước.

Tên Nam Hải cũng có thể giúp nâng cao nhận thức của người dân về Nam Hải và rằng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với khu vực”, ông Ngụy ngụy biện tuyên bố.

Trước đó, trong cuộc họp hồi tháng 1 năm nay của Chính hiệp tỉnh Hải Nam (tương đương Mặt trận Tổ quốc), có 3 ủy viên đã đưa ra đề xuất tương tự và cho rằng chính quyền tỉnh nên mời các chuyên gia, quan chức đưa ra dự thảo kế hoạch đổi tên tỉnh “theo lợi ích quốc gia”.

Trong khi đó, theo Hoàn Cầu thời báo, nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho rằng việc đổi tên như trên là “không cần thiết” và sẽ tạo ra những thủ tục hành chính nhiêu khê.

Trung Quốc tìm cách thay đổi thực địa ở Biển Đông

Không chỉ vận động thay đổi tên tỉnh Hải Nam thành Nam Hải, thời gian qua Trung Quốc cũng tìm mọi cách để thay đổi thực địa trên biển Đông.

Tờ Guangzhou Daily ngày 26/6 dẫn nguồn Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc cho hay nước này đã phát hiện băng cháy tại Biển Đông.

Theo đó, cuộc thăm dò do tàu lặn điều khiển từ xa mang tên Seahorse thực hiện và chia làm 3 đợt, từ tháng 5 năm ngoái tới tháng 10 và tháng 3 năm nay. Tàu Seahorse có thể lặn ở độ sâu 4.500 m.

Chính phủ Trung Quốc từng khẳng định về sự tồn tại của băng cháy ở Biển Đông. Tháng 8/2014, Bắc Kinh thông báo về kế hoạch khai thác băng cháy ở Biển Đông vào năm 2017.

Trước đó, hồi cuối tháng 5 năm nay, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đưa tin, Bắc Kinh đang lên kế hoạch lập một căn cứ dành cho tàu cứu hộ hiện đại ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo thông báo, Cục Cứu hộ biển thuộc Bộ Giao thông Trung Quốc sẽ điều một tàu cứu hộ tới quần đảo Trường Sa trong nửa cuối năm nay. Tàu được trang bị phương tiện cứu hộ cao cấp, có khả năng chở các máy bay không người lái và robot lặn.

Tàu cứu hộ mang tên Nanhaijiu 118 do Cục Cứu hộ biển Nam Hoa (tên Trung Quốc gọi biển Đông) thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc quản lý.

Mục tiêu của căn cứ này nhằm giúp lực lượng cứu hộ hỗ trợ các tàu cá gặp nạn, và giảm khoảng cách mà lực lượng di chuyển.

Không chỉ thế hồi tháng 4 năm nay, Thời báo Hoàn Cầu còn dẫn các nguồn tin cho hay, Trung Quốc đang tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân hàng hải, có thể một ngày nào đó được sử dụng để hỗ trợ các dự án của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Theo tờ báo này, nhà máy điện hạt nhân hàng hải có thể là giải pháp cung cấp điện ổn định cho vùng sâu, vùng xa, bao gồm Biển Đông.

Liu Zhengguo, người đứng đầu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên biển nói với Thời báo Hoàn Cầu, dự án đang tiến triển.

“Sự phát triển của các nhà máy điện hạt nhân trên biển là một xu hướng. Các con số chính xác của những nhà máy được xây dựng (của tập đoàn này) phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Nhu cầu hiện nay khá lớn”, Liu Zhengguo nói.

Theo một báo cáo hồi tháng Giêng năm nay của Tạp chí Chứng khoán Trung Quốc cho biết, một nhà máy điện hạt nhân trên biển dự kiến sẽ được Trung Quốc xây dựng xong vào năm 2018 và đưa vào sử dụng năm 2019.

RELATED ARTICLES

Tin mới