Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giới'Việt Nam có thể kiện TQ ở Hoàng Sa': Đã đến lúc...

‘Việt Nam có thể kiện TQ ở Hoàng Sa’: Đã đến lúc…

Ông Hoàng Việt cho rằng, đã đến lúc Việt Nam nghĩ đến việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhất để kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.

Ông Hoàng Việt cho rằng, đã đến lúc Việt Nam nghĩ đến việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhất để kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.

Nhiều cơ hội mới cho Việt Nam

Liên quan đến phát biểu của các chuyên gia biển Đông về việc Việt Nam có thể căn cứ luật quốc tế để kiện Trung Quốc ở Hoàng Sa sau phán quyết PCA, trao đổi với chúng tôi, Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho rằng chúng ta có thể xem xét, cân nhắc các đề nghị trên và áp dụng vào thực tế.

Theo ông Việt, phán quyết của tòa trọng tài PCA trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò tuy không trực tiếp nhắc đến Hoàng Sa nhưng sẽ có tác động gián tiếp và tạo pháp lý vững chắc đối với việc Việt Nam khẳng định chủ quyền tại các đảo Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Vấn đề đầu tiên là đường lưỡi bò. Cụ thể là yêu sách của Trung Quốc về lịch sử đối với đường lưỡi bò đã bị tòa bác là không có cơ sở pháp lý. Ở đây nó bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Thứ hai, liên quan đến quy chế pháp lý của đảo. Tòa dựa trên việc xem xét các tài liệu lịch sử khách quan từ phương Tây về các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa từ thế kỷ 18, đặc biệt là trên thực thể lớn nhất mà chúng ta gọi là đảo Ba Bình.

Dựa trên những cơ sở đó tòa tuyên rằng không có cấu trúc nào thuộc Trường Sa là đảo mà chỉ là đá. Như vậy không có vùng đặc quyền kinh tế, vùng 200 hải lý xung quanh và không tồn tại vùng chồng lấn ở đó. Đặc biệt tòa cũng khẳng định cấu trúc của Trường Sa không đủ cơ sở để vẽ một đường cơ sở thẳng bao xung quanh đảo như tuyên bố của nước này vào năm 1996.

Ngoài 2 điểm trên, chúng ta có thể xét đến tính chính đáng của các hành động mà Trung Quốc tiến hành tại Hoàng Sa.

Thực tế trong phán quyết của tòa PCA vụ Philippines kiện Trung Quốc, tòa đã bác bỏ quyền của Bắc Kinh tại khu vực xung quanh Scarborough, bãi cỏ Mây. Tòa khẳng định việc Trung Quốc ngăn chặn và đe dọa các tàu của Philippines tại đây là hành vi vi phạm. Chúng ta cũng có thể dựa theo phán quyết này để yêu cầu tòa xem xét việc Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 thì mức độ vi phạm ra sao?

Tòa PCA cũng tuyên rằng việc bồi lấp các thực thể ở Trường Sa là vi phạm các nghĩa vụ về bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái biển theo công ước. Với Hoàng Sa cũng tương tự. Trung Quốc cũng xây dựng, điển hình là một đường băng rất lớn tại đảo Phú Lâm. Ngoài ra còn nhiều vấn đề để ngỏ và nếu Việt Nam có khả năng thì chúng ta có quyền yêu cầu tòa giải thích những vấn đề liên quan đến Hoàng Sa”, ông Việt phân tích.

Giảng viên Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh, nhiều người cho rằng việc tòa PCA phủ nhận các yêu sách của Trung Quốc đối với Trường Sa thì Việt Nam có thể áp dụng tương tự với Hoàng Sa để kiện nước này. Tuy nhiên trên thực thế không phải như vậy. Chúng ta chỉ có thể áp dụng được 1 phần rất nhỏ vì cơ bản Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều điểm khác nhau.

“Đối với Trường Sa thì liên quan đến nhiều bên còn tại quần đảo Hoàng Sa chỉ liên quan đến Việt Nam và Trung Quốc”.

Đã đến lúc nghĩ tới kiện Trung Quốc

Khẳng định Việt Nam có đẩy đủ những cơ sở pháp lý vững chắc và được hưởng lợi nhiều sau phán quyết PCA, tuy nhiên giảng viên Đại học Luật TP.HCM cho rằng chúng ta nên chọn một thời điểm khác thích hợp hơn để tiến hành khởi kiện Trung Quốc.

“Ngay cả các học giả Mỹ cũng như quan chức Hoa Kỳ đều nói rằng phải hành động thận trọng sau phán quyết PCA.

Điển hình như, Ngoại trưởng Mỹ Kerry phải đi khắp các quốc gia để yêu cầu trong những phản ứng sau phiên tòa đừng quá nhanh và quá mạnh để dồn Trung Quốc vào chân tường. 

Chúng ta nên chọn thời điểm nào tốt, đắc địa hơn để có những hành động mạnh mẽ với Trung Quốc. Vào lúc này, Việt Nam nên đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương để yêu cầu Trung Quốc thực thi nghiêm các phán quyết cũng như luật pháp quốc tế”, ông Việt nêu quan điểm.

Tuy nhiên vị chuyên gia nhấn mạnh đến cách thức và nội dung đàm phán để tạo ra tính hiệu quả cao nhất trong các cuộc gặp gỡ với Trung Quốc.

“Tiến trình đàm phán thì chúng ta luôn luôn phải thúc đẩy. Kể cả việc tòa phán quyết Philippines thắng trong phiên kiện Trung Quốc thì nước này vẫn phải đàm phán với Bắc Kinh. Trong trường hợp Trung Quốc họ không thực hiện thì cũng chưa thể làm gì được, vẫn bắt buộc phải đàm phán.

Với Việt Nam, đàm phán là cần thiết tuy nhiên đàm phán như thế nào, đàm phán dựa trên cái gì thì lại là một câu chuyện khác.

Đàm phán song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc về phân định khu vực cửa vịnh Bắc Bộ đã được tiến hành thời gian qua nhưng hiện nay vẫn bị tắc. Tắc ở chỗ là Việt Nam kiên quyết đòi thực hiện theo công ước Biển, còn Trung Quốc yêu cầu giải quyết theo đường lưỡi bò. Vì thế đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp vừa linh hoạt, vừa cứng rắn với Trung Quốc”, vị chuyên gia nói.

Trước những lời đề nghị Việt Nam tiến hành khởi kiện từ các học giả Trung Quốc, ông Hoàng Việt cho rằng chúng ta cũng nên nhìn nhận lại để có những sự chuẩn bị tốt nhất.

“Có lẽ Việt Nam cũng nên cân nhắc và nghĩ đến chuyện đó là vừa. Nếu chúng ta chuẩn bị sẵn sàng thì khi nào kiện sẽ nhanh hơn. 

Như Philippines để kiện Trung Quốc, họ phải mất mấy năm chuẩn bị và phải mất 1 số tiền rất lớn. Riêng tiền trả cho luật sư đã là 7 tỷ USD, chưa kể là những chi phí lớn khác. Rõ ràng Việt Nam phải chuẩn bị, tính toán tất cả mọi phương án. Đương nhiên để thực hiện nó ngay thì lại là một chuyện khác”, ông Việt phân tích.

RELATED ARTICLES

Tin mới