Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinKhả năng Philippines-TQ đàm phán hòa bình

Khả năng Philippines-TQ đàm phán hòa bình

Đại sứ Việt Nam tại Philippines phân tích về những động thái sắp tới ở Biển Đông nhiều khả năng Philippines sẽ bắt tay với Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Bên lề Hội nghị Ngoại giao 29, sáng 23/8, Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương đã có những phân tích về những động thái mới ở Biển Đông.

Đại sứ Trương Triều Dương nhận định: Tình hình Philippines sau khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức cho thấy người dân nước này rất phấn khởi.

“Phải nói ông Rodrigo Duterte là một tổng thống rất bộc trực. Trong phát ngôn, ông ấy luôn nói thẳng những suy nghĩ của mình… Tới lúc này, có cảm giác ông Duterte đang lựa chọn một giải pháp mang tính chất hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Dù sao điều quan trọng nhất là ông ấy vẫn coi phán quyết của Tòa trọng tài là cơ sở để đàm phán với Trung Quốc trong thời gian tới. Tôi nghĩ rằng đây là một điều rất khôn ngoan”, Đại sứ Việt Nam nói.

Đại sứ Trương Triều Dương cho rằng: “Ông Duterte mặt khác cũng vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ. Với chính sách tương đối cân bằng như vậy, trong tương lai, khả năng Philippines đàm phán với Trung Quốc là rất có thể xảy ra”.

Ông Dương nhận định về khả năng liên kết Philippines – Trung Quốc rằng, dù hợp tác “về lĩnh vực gì, mức độ đến đâu chúng ta còn phải chờ đợi. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng Philippines và Trung Quốc có thể xuất phát bằng đàm phán hợp tác đánh bắt cá. Đó là điều rất quan trọng”.

Trả lời câu hỏi cho rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục có các hành động cứng rắn, gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông hay không sau Hội nghị thượng đỉnh G20 (tại Hàng Châu, Trung Quốc từ 4-5/9, Đại sứ Trương Triều Dương nói rằng có thể điều này là đúng.

“Điều đáng lo ngại là những hành động quân sự hóa, bồi đắp tôn tạo ở Biển Đông của Trung Quốc đang làm ảnh hưởng đến môi trường biển rất nặng nề. Philippines đã có những thống kê rất rõ ràng đầy đủ về vấn đề này. Nếu những hành động đó tiếp tục xảy ra thì môi trường sống ở Biển Đông sẽ còn tiếp tục bị phá hủy một cách nghiêm trọng”, Đại sứ Trương Triều Dương nói.

Nhận định về khả năng Trung Quốc leo thang hành động vì Philippines thắng kiện vẫn phải xuống nước, Đại sứ Trương Triều Dương nói: “Với tư cách một quốc gia lớn và có trách nhiệm, Trung Quốc không thể và không nên làm những việc như vậy. Một khi đã có phán quyết của Tòa thì với tư cách một quốc gia tham gia vào Công ước Liên hiệp ước về luật Biển (UNCLOS), Trung Quốc phải tuân thủ”.

“Có thể trước mắt Trung Quốc phải tỏ thái độ cứng rắn, nhưng về lâu dài, theo kinh nghiệm của chúng tôi, có tới 95% phán quyết của Tòa án công lý quốc tế (ICJ) được chấp hành”, Đại sứ Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Trương Triều Dương lấy ví dụ là vụ kiện Nicaragua- Mỹ năm 1984-1986, mặc dù như Mỹ từ chối chấp hành phán quyết nhưng sau đó 5 năm, họ lại tiến hành bồi thường cho Nicaragua, và nhiều vụ việc khác.

“Tôi mong rằng Trung Quốc với tư cách một nước lớn, thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, thành viên UNCLOS, sẽ phải ứng xử một cách đúng mực”, ông nói.

Về kinh nghiệm của Việt Nam từ vụ kiện của Philippines với Trung Quốc, Đại sứ Dương cho rằng, về cơ bản, Việt Nam và Philippines có phương cách ứng xử tương đối giống nhau. Chỉ có một điểm khác là Việt Nam chưa mang những tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế. Nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam từ bỏ quyền đó của mình.

Đại sứ nhấn mạnh, điều quan trọng nhất mà Việt Nam theo đuổi từ trước đến nay là kiên quyết, kiên trì tìm cách giải quyết những bất đồng trong quan hệ với các nước kể cả tranh chấp ở Biển Đông bằng những biện pháp hòa bình. Việc đưa những tranh chấp ra tòa quốc tế cũng chính là một biện pháp hòa bình.

Nói về quan điểm của Việt Nam trong việc Philippines và Trung Quốc thực hiện các bước đàm phán thương lượng, Đại sứ Dương cho rằng, Việt Nam không bao giờ phản đối các nước khác sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, trong đó có việc đàm phán thương lượng. Những xung đột, tranh chấp mang tính chất song phương thì giải quyết song phương. Những vấn đề đa phương thì giải quyết bằng biện pháp đa phương.

“Những gì Philippines đang làm cũng không đi ngược lại chủ trương mà Việt Nam đã và đang theo đuổi, do vậy chúng ta không thể dùng tiêu chuẩn kép được. Tôi nghĩ rằng, đàm phán để giải quyết các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là điều nên được khuyến khích”, Đại sứ nhấn mạnh.

Đại sứ Trương Triều Dương kể một kỷ niệm: “Tôi đã gặp Tổng thống Rodrigo Duterte và ông ấy có nói một câu mà tôi ghi nhớ mãi. Đó là ông ấy rất khâm phục và kính trọng nhân dân Việt Nam và sẽ cố gắng học tập phương cách của người Việt Nam trong xử lý nhiều vấn đề quốc tế”.

RELATED ARTICLES

Tin mới