Tờ Nam Tảo, xuất bản tại Hồng Kông, số ra ngày 20/8 trong bài viết “Tập Cận Bình, người triệt hạ các phe nhóm”, đã đưa ra những phân tích bình luận để đi tới kết luận rằng ông Tập không thuộc phe Chiết Giang hay Thái Tử Đảng hoặc Bang Thượng Hải…
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái), cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (giữa) và cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân
Bài viết mở đầu bằng sự kiện gần đây nhất khi ông Tập Cận Bình muốn triệt hạ Đoàn Thanh Niên Cộng sản Trung Quốc, mà một số biện pháp đã được hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã nêu chi tiết vào đầu tháng 8 này. Đó là cải tổ cơ cấu lãnh đạo, giảm một nửa ngân sách năm nay, có thể sắp đóng cửa một trường đại học do Đoàn Thanh Niên quản lý.
Ngay sau đó, Ủy ban Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã có những lời chỉ trích nghiêm khắc nhắm vào Đoàn Thanh Niên: Hành chính quan liêu, phân biệt đối xử, kén chọn chủ nghĩa, quá chuộng vui chơi…
Nhiều nhà quan sát cho rằng các lệch lạc của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Trung Quốc là một cái gai trong mắt ông Tập Cận Bình, vì lẽ điều đó sẽ làm ảnh hưởng của Đoàn bị sa sút, không còn là con đường tiến thân chính của cán bộ trẻ trong Đảng, ít ra là trong tương lai trước mắt.
Nhưng tờ Nam Tảo còn nhìn thấy đằng sau việc uốn nắn hoạt động của Đoàn Thanh Niên, là mục tiêu diệt trừ các phe nhóm trong Đảng Cộng sản Trung Quốc của Chủ tịch Tập. Vào lúc Tập Cận Bình nỗ lực củng cố quyền lực trước Đại Hội Đảng lần thứ XIX vào năm tới, việc “cải tổ” Đoàn Thanh Niên – mà cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đặc biệt chăm sóc – là một giai đoạn bắt buộc.
Sau Đại Hội XIX, một ê kíp hoàn toàn mới sẽ lên lãnh đạo Trung Quốc, ngồi lại chỉ còn hai nhân vật Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường (mà người ta cũng chưa biết chắc chắn được). Ai cũng biết là Thủ tướng Lý Khắc Cường bắt đầu con đường chính trị trong Đoàn Thanh Niên và được ông Hồ Cẩm Đào nâng đỡ.
Tác giả bài viết nhắc lại, thời ông Hồ Cẩm Đào là thời vàng son của Đoàn Thanh Niên Cộng sản Trung Quốc, có ảnh hưởng tăng vọt, đông đảo cán bộ được đưa vào những vị trí quan trọng cấp quốc gia cũng như địa phương. Theo bài viết, ông Hồ Cẩm Đào đã dựa vào thế lực Đoàn Thanh Niên để chống lại “Bang Thượng Hải” của ông Giang Trạch Dân.
Trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, thì “bè lũ Đoàn Thanh Niên” và “Bang Thượng Hải” chi phối chính trường Trung Quốc. Nhưng với chiến dịch chống tham nhũng, Tập Cận Bình đã làm cho cả hai phe bị lung lay.
Lúc này, tờ Nam Tảo đặt câu hỏi vậy thì ông Tập Cận Bình thuộc phe nhóm nào? Với tư cách là cựu bí thư tỉnh ủy Chiết Giang, người ta nghĩ rằng ông Tập Cận Bình có thể cất nhắc người của tỉnh mình lên và lập nên nhóm Chiết Giang. Nhưng theo tờ báo, điều đó chưa thấy rõ, và phải chờ thêm xem lãnh đạo Trung Quốc sẽ chọn ai cho êkíp cầm quyền trong 5 năm sắp tới. Có điều là giống như Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình có vẻ rất ghét tình trạng phe nhóm trong Đảng, nguồn gốc gây chia rẽ. Đây là điều mà ông thường nhấn mạnh trong các diễn văn của mình.
Tập Cận Bình từng đảm trách nhiều chức vụ lãnh đạo trong suốt 17 năm tại tỉnh Phúc Kiến. Thế nhưng, trong ba năm trở lại đây, ông không hề cất nhắc một số lượng cán bộ đông đảo nào đến từ tỉnh đó. Tập Cận Bình cũng từng làm bí thư Chiết Giang và Thượng Hải. Nhưng thời gian ông làm việc ở đó quá ngắn để có thể đào tạo ra những người thân cận với mình.
Còn phe “Thái Tử Đảng” mà ông Tập Cận Bình là một thành viên thì sao? Theo tờ báo, khái niệm này rất rộng, và chưa có gì chứng tỏ rằng các “Thái Tử Đảng” sẽ thực sự được đề bạt vào các chức vụ then chốt trong chính quyền hay trong Đảng.
Có thể hiểu như thế nào về tình trạng như kể trên? Tác giả bài viết kết luận rằng, rất có thể là đối với Tập Cận Bình, một quân vương chuyên chế không cần đến hậu thuẫn của bất kỳ một phe nhóm nào.