Sau chuyến thăm tàu sân bay Mỹ của nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Tân Hoa xã có bài viết chỉ trích bà đã gây căng thẳng ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada thăm tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật Bản tại tỉnh Kanagawa ngày 23/8. Ảnh: Kyodo
Chiều 23/8, Tân Hoa xã đã có bài viết về chuyến thăm tàu sân bay Mỹ của tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bà Tomomi Inada, cho rằng bà đã lên tiếng “công kích”, vi phạm hiến pháp Nhật Bản và gây nên căng thẳng trong khu vực.
Theo đó, bà Tomomi Inada đã có chuyến thăm đầu tiên đến căn cứ quân sự của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF) ở Thành phố Yokosuka kể từ khi nhậm chức hồi đầu tháng 8, theo hãng tin Kyodo ngày 23/8.
Bà Inada đã thị sát chiếc tàu khu trục chở trực thăng Izumo là tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Inada chỉ thị binh lính nỗ lực hết mình vì các nhiệm vụ cảnh báo và trinh sát giữa thời điểm Trung Quốc đang tăng cường các hoạt động gây căng thẳng.
“Trung Quốc đang tiếp tục nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, bằng cách cấp tập bành trướng các hoạt động trên biển và trên không xung quanh lãnh thổ Nhật”, bà nói.
Sau đó, bà Inada còn lên thăm tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tại Yokosuka đồng thời khẳng định sẽ tăng cường mối liên minh Nhật-Mỹ và coi mối quan hệ này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo hoà bình và ổn định cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cộng đồng quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cũng gặp gỡ Phó Đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy Hạm đội 7 Mỹ, và Chuẩn Đô đốc Matthew Carter, chỉ huy Lực lượng hải quân Mỹ tại Nhật, trên tàu Reagan.
“Những lời lẽ “công kích”, sử dụng vũ khí là trái với hiến pháp về hòa bình của Nhật Bản- một điều khoản quan trọng trong đó ghi rõ rằng “các lực lượng quân sự trên đất, biển và lực lượng không quân cũng như các tiềm năng gây chiến tranh khác, sẽ không bao giờ được duy trì”, Tân Hoa xã viết.
Báo Trung Quốc nhấn mạnh: “Con chim ưng Inada – đồng minh của Thủ tướng Shinzo Abe cũng được biết đến là người có các quan điểm gây tranh cãi về lịch sử chiến tranh của Nhật Bản đã lên tàu sân bay của Mỹ và tổ chức họp với các chỉ huy cấp cao của lực lượng Hải quân Mỹ sau khi kiểm tra lực lượng MSDF và tàu khu trục của lực lượng này sẽ làm thổi bùng lên những lo ngại về việc tái quân sự hoá của Tokyo và chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ”.
Khi thị sát quân đội hôm 4/8, bà Inada đã phát biểu nhắm tới những hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc: “Trung Quốc đang ngày càng hoạt động mạnh tại các vùng biển và vùng trời xung quanh Nhật Bản và đang tiếp tục cố gắng làm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.
Nhật Bản và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Trước đó, Nhật Bản đã công bố sách trắng quốc phòng, cảnh báo các hành động hung hăng của Trung Quốc ở những vùng biển tranh chấp có thể gây ra những xung đột ngoài ý muốn.
Bà Inada được đánh giá là có quan điểm “diều hâu” trong giới chính trị gia Nhật Bản. Bà thường xuyên tới thăm ngôi đền chiến tranh Yasukuni, vốn bị Trung Quốc và Hàn Quốc coi là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân và quân phiệt Nhật Bản hồi thế kỷ trước.
Nữ bộ trưởng 57 tuổi của Nhật Bản cũng mong muốn thay đổi hiến pháp hiện tại của Nhật Bản, trong đó phủ nhận quyền của Tokyo trong việc phát động chiến tranh. Năm 2011, bà từng viết rằng Nhật Bản, quốc gia duy nhất trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của bom nguyên tử, nên cân nhắc việc sở hữu vũ khí hạt nhân.