Thursday, December 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐổi tên quốc tế Biển Đông: Nên là biển Đông Nam Á

Đổi tên quốc tế Biển Đông: Nên là biển Đông Nam Á

Trong trường hợp đổi lại tên quốc tế của Biển Đông, Ths Hoàng Việt cho rằng có thể đặt là biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea).

Trung Quốc tuần tra phi pháp trên Biển Đông. Ảnh: Nhân dân nhật báo.

Liên quan đến đề xuất đổi lại tên quốc tế của Biển Đông, Ths Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho hay, thực tế đề xuất này cách đây hơn chục năm đã được nhắc tới.

Tuy nhiên, trong luật quốc tế không quy định việc tên gọi sẽ đem lại chủ quyền. Người Việt Nam gọi vùng biển này là Biển Đông vì nó nằm ở phía Đông của Việt Nam, còn Philippines gọi là biển Tây Philippines vì nó nằm ở phía Tây đất nước này.

Còn các nước phương Tây trước đây chỉ biết đến các quốc gia ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ mà không biết đến các quốc gia khác, do đó họ đặt tên biển nằm cạnh Trung Hoa là biển Nam Trung Hoa.

“Theo luật, tên gọi như thế hoàn toàn không mang lại chủ quyền. Nếu tên gọi mang lại chủ quyền thì có lẽ vịnh Thái Lan thuộc về Thái Lan và Ấn Độ Dương thuộc về Ấn Độ… Chính vì thế, tên gọi không phải là vấn đề.

Nhưng một trong những luật biển của Trung Quốc thì cho rằng, người Trung Quốc là người đầu tiên đến đây và là người duy nhất có quyền ở vùng biển đó nên họ đặt tên biển là Nam Trung Hoa. Nhưng đó chỉ là luật biển của họ mà thôi.

Theo phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực tại La Haye hôm 12/7, “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đặt ra trên Biển Đông không có giá trị gì và cũng không tìm ra bằng chứng nào của Trung Quốc ở đây.

Chính vì thế, có thể đổi tên quốc tế của Biển Đông nhưng nó chỉ mang ý nghĩa về mặt công luận để mọi người thấy thái độ của thế giới về chủ quyền đối với biển như thế nào”, Ths Hoàng Việt chỉ rõ.

Vị chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông cũng cho biết, nhiều quốc gia cũng đã đồng ý đổi tên quốc tế của Biển Đông thành biển Đông Nam Á (Southeast Asia Sea) nhưng hiện tại, ở Đông Nam Á, mỗi nước đặt một kiểu.

Chẳng hạn, Việt Nam gọi là Biển Đông (East Sea), Philippines đặt là biển Tây Philippines (West Philippine Sea), và gần đây Indonesia đề xuất đổi thành biển Natuna (Natuna Sea)… Điều đó cho thấy việc đổi tên Biển Đông rất phức tạp.

Còn nếu đặt theo tên chung, chẳng hạn biển Đông Nam Á, theo Ths Hoàng Việt là có lý hơn bởi Biển Đông nằm trong khu vực Đông Nam Á, rất nhiều quốc gia Đông Nam Á cùng liên quan và nó không thuộc về nước nào.

“Theo cách gọi riêng của từng nước nói trên đối với Biển Đông thì tên gọi đó chỉ có ý nghĩa với quốc gia đó mà thôi. Còn gọi là biển Đông Nam Á, nó cho thấy Biển Đông không thuộc về một quốc  gia nào mà thuộc về rất nhiều quốc gia.

Về luật, các quốc gia quanh Biển Đông, gồm các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc, mỗi quốc gia đều có quyền chủ quyền và quyền quyền tài phán cũng như chủ quyền theo Công ước Luật biển. Như vậy, sẽ một đoạn rất lớn ở giữa không thuộc về ai thì sẽ thuộc về của chung.

Biển Đông nằm ở khu vực Đông Nam Á rất nhiều và như vậy, nếu đổi tên thành biển Đông Nam Á sẽ mang tính chất của chung nhiều hơn. Người ta cũng đang hướng tới việc biến Biển Đông thành một tài sản chung của nhân loại chứ không phải chỉ của riêng của quốc gia nào đó”, Ths Hoàng Việt cho biết.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, những người Trung Quốc dân tộc chủ nghĩa sẽ bác bỏ tên Biển Đông Nam Á và đề xuất đổi tên biển thành Nam Hải (South Sea).

Theo Ths Hoàng Việt, trong tiếng Trung Quốc, Nam Hải tức là biển Nam Trung Hoa, Trung Quốc gọi Nam Hải tức là Biển Nam (biển ở phía Nam Trung Quốc). Còn phương Tây, như nói ở trên, họ chỉ thấy 2 quốc gia lớn ở châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ nên họ đặt tên biển ở phía Nam Trung Quốc là South China Sea và gọi nhiều thì thành quen, tên gọi không mang lại chủ quyền, đó chẳng qua chỉ là một luận điệu mà thôi.

Trong trường hợp đổi tên quốc tế của Biển Đông, Ths Hoàng Việt cho biết, có thể đệ trình lên một số cơ quan của Liên hợp quốc để xem xét, hoặc cũng có thể vận động bằng nhiều cách.

“Nhưng quan trọng là các nước có thống nhất đổi tên thành biển Đông Nam Á hay không, khi bây giờ trong Đông Nam Á, mỗi quốc gia đã đặt tên vùng biển này theo cách riêng của mình, làm sao thuyết phục tất cả các quốc gia khác được?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.

RELATED ARTICLES

Tin mới