Mỹ và Triều Tiên trở thành hai yếu tố chính khiến quan hệ ngoại giao Trung Quốc – Hàn Quốc rơi vào sóng gió không ít lần. Thậm chí, Bắc Kinh dần tuột mất cơ hội biến Seoul thành đồng minh tiềm năng.
Triều Tiên là một trong những yếu tố gây bất đồng trong quan hệ ngoại giao Trung – Hàn.
Theo tạp chí The Diplomat, những căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Hàn Quốc khiến nhiều nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh đang dần tuột mất Seoul. Trước đó, Trung Quốc từng kỳ vọng biến Hàn Quốc thành đối tác tin cậy và thậm chí là đồng minh tiềm năng.
Mọi chuyện bắt nguồn từ việc Hàn Quốc quyết định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trước mối đe dọa từ kho hạt nhân của Triều Tiên và sức ép của Mỹ. Động thái của Seoul đã khiến Bắc Kinh không hài lòng bởi dù Hàn Quốc nhấn mạnh việc triển khai THAAD là nhằm tăng cường an ninh nhưng Trung Quốc cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa này thực tế đe dọa an ninh Bắc Kinh.
Ngoài quyết định liên quan tới THAAD, quan hệ Trung – Hàn còn nhiều lần căng thẳng liên quan tới mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên. Không ít học giả cho rằng Trung Quốc đang tái ủng hộ Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng bị Seoul và Washington dồn vào thế chân tường và không chừng làm bùng nổi một cuộc Chiến tranh Lạnh tại châu Á. Đặc biệt Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh lớn nhất của Mỹ tại châu Á, hiện đang tăng cường hợp tác an ninh, khiến viễn cảnh xuất hiện Chiến tranh Lạnh càng gần hơn. Nếu cuộc chiến này bùng nổ, thế giới sẽ phải chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai phe với một bên là Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và một bên gồm Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, lịch sử quan hệ thăng trầm suốt 20 năm qua giữa Trung Quốc và Hàn Quốc cho thấy quan hệ hai nước sẽ chưa thể rơi vào tình trạng tồi tệ tới mức làm bùng nổ chiến tranh. Cụ thể, quan hệ Bắc Kinh và Seoul từng rơi vào thời kỳ nguội lạnh do những bất đồng liên quan tới văn hóa và lịch sử song chính yếu tố tương tác kinh tế đã giúp hai nước dần cải thiện quan hệ. Ngoài ra, thực tế cho thấy người dân Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm về nhau nhưng nó chưa thể sánh bằng sự thù hằn sâu đậm trong quan hệ Trung – Nhật.
Không thể phủ nhận rằng tham vọng hạt nhân của Triều Tiên đang là yếu tố làm nóng dần quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul. Vì nhiều lý do, Trung Quốc sẽ không bỏ rơi Triều Tiên dù Bắc Kinh mới tăng cường lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng. Bởi nếu chính quyền Triều Tiên sụp đổ, cơn ác mộng kinh tế và an ninh sẽ ập tới khu vực phía đông bắc Trung Quốc. Điều này đã tạo ra những xung đột lâu dài có hệ thống trong quan hệ Trung – Hàn và trở thành vật cản trong tiến trình đối thoại trở thành đồng minh thân thiết giữa hai nước trong tương lai. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng hiểu rằng họ chỉ có thể dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh quốc gia chứ không phải Trung Quốc. Đây tiếp tục là yếu tố giới hạn quan hệ ngoại giao kinh tế giữa Seoul và Bắc Kinh.
Theo Diplomat, bức tranh quan hệ Trung – Hàn sẽ không thể rơi xuống mức quá ảm đạm bởi thực tế, Hàn Quốc phụ thuộc lớm vào thị trường và nguyên liệu từ láng giềng để phát triển kinh tế ổn định còn Bắc Kinh cần Seoul để ổn định tình hình khu vực Đông bắc Á. Tuy nhiên trong những năm tới, quan hệ hai nước sẽ còn đối mặt với không ít sóng gió trước khi được cải thiện.