Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóngBiển Đông sau phán quyết và thái độ của Việt Nam

Biển Đông sau phán quyết và thái độ của Việt Nam

Bên lề Hội thảo quốc tế: “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc phỏng vấn TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. 

PV: Xin chào TS, là người có nhiều năm theo dõi tình hình trên Biển Đông, theo ông, tình hình sắp tới ở khu vực này sẽ ra sao? Liệu rằng sau phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye, Hà Lan (Tòa Trọng tài), Biển Đông có “bão tố” mạnh lên không? Và Trung Quốc sẽ gia tăng mạnh hơn các hoạt động quân sự hóa, phát động chiến tranh?

TS Trần Công Trục: Với hiểu biết của tôi, người ta cứ lấy cái mốc phán quyết như là một nguyên nhân, một lý do mà nó có thể ảnh hưởng rất quyết định đến tình hình Biển Đông, nhưng không hoàn toàn như thế. Như các bạn biết, trước khi có vụ kiện, có phán quyết, tình hình Biển Đông đã luôn căng thẳng, thậm chí các hành động của phía Trung Quốc còn nặng hơn nhiều. Họ đã bất ngờ đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, rồi năm 1988 họ gây ra vụ thảm sát Gạc Ma, chiếm một số đảo của ta. Và rồi đến năm 2014 họ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam. Và còn rất nhiều câu chuyện xảy ra rất căng thẳng, nguy cấp đã diễn ra trước phán quyết của Tòa Trọng tài.

PV: Vâng, thưa TS, từ lâu Trung Quốc đã có âm mưu độc chiếm Biển Đông. Và Trường Sa, Hoàng Sa là hai vị trí chiến lược quan trọng mà họ luôn ngắm tới?

TS Trần Công Trục: Đúng vậy. Cái chính là xuất phát từ chiến lược, chính sách của Trung Quốc. Họ muốn dùng Biển Đông làm cầu nối để có thể vươn ra tranh giành vị trí siêu cường. Đặc biệt là đối với Mỹ trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chủ trương chiến lược này nhằm thực hiện “giấc mơ Trung Hoa” của họ. Đấy là điều không bao giờ thay đổi. Chỉ có điều lúc nào người ta làm, lúc nào người ta tính đến bối cảnh, thời cơ có thể làm được thì nó còn phụ thuộc vào nhiều tình huống, diễn biến trong khu vực và thế giới. Năm 1974 họ dựa vào tình huống khi mà đất nước Việt Nam chia làm hai, cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đang trên đà thắng lợi, quân đội Việt Nam cộng hòa bạc nhược, rệu rã thì họ chọn thời điểm đó để đánh chiếm Hoàng Sa. Ở quần đảo Trường Sa cũng thế. Năm 1988 là lúc chúng ta gặp rất nhiều khó khăn sau cuộc chiến tranh biên giới, tình hình kinh tế vô vàn khó khăn, cả nước thiếu lương thực, đói kém trầm trọng. Họ tính toán rất kỹ những thời cơ cần thiết để đánh chiếm Gạc Ma và một vài đảo khác ở Trường Sa.

Tôi nghĩ đó là một thực tế lịch sử. Ta không “đổ” cả cho phán quyết gây thêm căng thẳng hay làm êm dịu tình hình. Bởi nội dung phán quyết chỉ giải quyết một vấn đề tranh chấp theo Công ước về Luật Biển chứ không phải nó giải quyết toàn bộ các tranh chấp. Mà tranh chấp, nhất là tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, biển đảo là vô cùng phức tạp. Còn đây là Tòa muốn giải quyết trên cơ sở cái việc mà Trung Quốc đưa ra các yêu sách phi lý về “đường lưỡi bò”. Tính đúng đắn của phán quyết, phù hợp với Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982 thì không dễ chống lại. Vì Công ước này là thành quả nghiên cứu pháp luật của thế giới, trong đó có Trung Quốc. Có được Công ước này, lúc đó Trung Quốc với tư cách là ngọn cờ đầu của phong trào không liên kết xây dựng nên. Và hơn ai hết chính người Trung Quốc, học giả Trung Quốc hiểu rất rõ nội dung tiến bộ của Công ước. Theo đó, phán quyết của Tòa thực hiện đúng thẩm quyền, nghĩa vụ của một cơ quan tài phán do Công ước đặt ra để giải quyết các tranh chấp. Thế thì dân Trung Quốc người ta rất hiểu điều đương nhiên này.

PV: Thế thì tại sao lãnh đạo Trung Quốc vẫn một mực không tuân thủ?

TS Trần Công Trục: Việc mà nhiều người hy vọng Bắc Kinh có thể thay đổi ngay lập tức là điều không dễ. Như chúng ta biết, không phải bây giờ mà từ rất lâu họ đã tuyên truyền rằng, toàn bộ biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) là của Trung Quốc. Quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa, Trung Sa là của Trung Quốc. Cho nên để thay đổi cái đó thì không thể ngày một ngày hai được. Bởi như một học giả, một giảng viên đại học Trung Quốc đã nói, không thể bắt một quốc gia thay đổi thái độ về một vấn đề đại sự sau một đêm. Đó là tính logic của vấn đề. Trung Quốc luôn xem họ có vai vế trên thế giới, là một cường quốc kinh tế, khoa học, quân sự, tóm lại họ là một nước lớn, cho nên điều hy vọng ngay lập tức họ có thể điều chỉnh, thay đổi là… hơi sớm, hơi viển vông. Thế nhưng, đây rõ ràng là một thắng lợi bước đầu. Thắng lợi đây không phải là riêng cho Philippines, Việt Nam, hay là các nước có các đảo trong khu vực tranh chấp mà là thắng lợi chung, thắng lợi của pháp luật quốc tế. Không nên nhằm vào việc thắng – thua, gây những căng thẳng mới, làm mất mặt người ta. Đối với Trung Quốc chúng ta cũng mong nước láng giềng này phát triển, hiện đại, văn minh, làm chỗ dựa, đầu tàu cho phong trào đấu tranh đòi lại công bằng trong thế giới này. Mình phải khai thác điều đó.

bien dong sau phan quyet va thai do cua chung ta

Phóng viên phỏng vấn một học giả tại hội thảo

Vì vậy, tôi muốn nói rằng, chúng ta đừng nôn nóng, bởi rất nhiều người bức xúc, tại sao mình không “học” Philippines, kiện Trung Quốc ngay đi, phải chăng là mình hèn nhát, đầu hàng? Tất cả sự bức xúc đó có những lý do của nó, nhưng phải bình tĩnh xem xét, từ đó có thể chia sẻ với lãnh đạo để có thể có được những giải pháp phù hợp với tình hình này, không tạo ra cái cớ để họ lấn tới thực hiện chính sách, chủ trương trên Biển Đông đã được tính toán một cách bài bản, lớp lang. Nhưng mà trước mắt thì biện pháp thích hợp hơn cả là, phải viết tiếp câu chuyện phán quyết bằng con đường ngoại giao. Vì khi ngồi bình tĩnh nói với nhau, dựa vào một cơ sở pháp lý chung là các bên có thể xích lại gần nhau hơn. Chứ trước đây là chưa có mẫu số chung, mỗi anh mỗi ý, mỗi anh dựa vào một nguyên tắc và cho rằng mình đúng cả. Nhưng bây giờ trọng tài đã đưa ra cho anh những nguyên tắc pháp lý.

PV: Có ý kiến cho rằng, sắp tới Trung Quốc sẽ đánh chiếm đảo, tiếp tục biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp?

TS Trần Công Trục: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc phát động chiến tranh nhân dân trên biển. Nhưng tôi cho rằng, không phải đấy là tiếng nói chung của nhân dân Trung Hoa. Đây chỉ là tiếng nói của thiểu số người mang tư tưởng dân tộc cực đoan, bất chấp pháp luật. Những ý kiến đó mang tính chủ quan, không đại diện cho đất nước Trung Hoa có nền văn hiến lâu đời. Vừa rồi Trung Quốc kỷ niệm 95 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ đã trải qua một cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài mới giành thắng lợi, đưa lại bộ mặt mới cho đất nước. Người Việt Nam hiểu hơn ai hết khi đứng cạnh một nước lớn, từng bao năm có quan hệ gắn bó khăng khít. Không ai muốn tạo ra xung đột, mâu thuẫn với láng giềng. Lúc nào chúng ta cũng muốn quan hệ láng giềng tốt, muốn hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng tất nhiên phải trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng các nguyên tắc pháp lý đúng đắn nhất; không phải là quan hệ, hợp tác, hữu nghị với bất kỳ giá nào.

Trong thời gian ngắn thì còn khó khăn, nhưng về lâu dài thì tôi tin rằng Trung Quốc sẽ nhìn nhận lại, có cách đi phù hợp với xu hướng chung của thời đại, trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Điều đó cũng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Trung Quốc muốn hòa bình, hợp tác, yên ổn làm ăn, chứ không bao giờ muốn chiến tranh.

bien dong sau phan quyet va thai do cua chung ta

PV: Thái độ của Việt Nam trước những diễn biến tiếp theo trên Biển Đông? Thậm chí khi tình huống xấu nhất xảy ra, thưa TS?

TS Trần Công Trục: Trung Quốc họ biết lợi dụng hoàn cảnh, khi việc đã rồi. Họ đã từng chiếm cả quần đảo Hoàng Sa, chiếm một phần quần đảo Trường Sa, bây giờ tiếp tục bồi đắp, tôn tạo một số đảo, đá. Chúng ta phản đối những hành động đó. Đó là thể hiện ý chí, thái độ trước sau như một của Nhà nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Chúng ta không bao giờ từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu như Trung Quốc đánh chiếm đảo, chúng ta chỉ kiên trì đến giới hạn nào đó. Chúng ta phải bảo vệ chủ quyền của mình trên thực tế và về mặt pháp lý. Nhưng nếu Trung Quốc bất chấp, không có một điều chỉnh nào đó, gây ra những diễn biến xấu, đánh chiếm một số vị trí của Việt Nam trên biển thì ta không thể chấp nhận. Chúng ta không bao giờ lùi bước, đầu hàng trước họa xâm lăng, như lịch sử dân tộc đã chứng minh. Người Việt Nam từ trong nước, ngoài nước, từ già chí trẻ đều sẵn sàng xả thân bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Lúc bấy giờ chắc chắn Việt Nam không thể giữ được cái sự cân bằng như bây giờ. Chắc chắn Việt Nam phải kêu gọi quốc tế, để tạo ra sức mạnh chống lại những hành động xâm lấn, đánh chiếm.

PV: Còn việc chuẩn bị lực lượng?

TS Trần Công Trục: Theo những thông tin mà tôi có được thì Nhà nước ta đã có nỗ lực rất lớn để chuẩn bị, đầu tư trang thiết bị, vũ khí hiện đại cho các lực lượng có đủ khả năng tự vệ và sẵn sàng chiến đấu. Mặc dù khi kinh tế đất nước còn khó khăn, dân mình còn nghèo, thì phải tính toán, mang tiền ra chi phí cho chiến tranh cũng là việc cần làm, trước mối đe dọa chiến tranh cần phải tăng cường sức mạnh, tiềm lực quân sự. Trang bị vũ khí cũng là cách thiết thực để tự bảo vệ, nâng cao sức mạnh chiến đấu, mặc dù không bao giờ chúng ta muốn xảy ra chiến tranh. Phải dành ra một khoản ngân sách nhất định nào để trang bị vũ khí, khí tài, đủ khả năng chiến đấu khi hiểm họa xảy ra. Nhưng theo tôi cần phải ưu tiên trước hết cho các hoạt động đấu tranh ngoại giao, đấu tranh pháp lý. Phải huy động các lực lượng báo chí truyền thông vào cuộc mạnh mẽ hơn, tuyên truyền bài bản, sâu sắc hơn tới các tầng lớp quần chúng nhân dân.

PV: Nhân đây xin hỏi ông về việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam?

TS Trần Công Trục: Điều này Mỹ đã thực hiện, rất thiện chí, rất hoan nghênh. Nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng không nên quan tâm quá nhiều chuyện này. Bởi vì nếu không có vũ khí của Mỹ thì Việt Nam trong lịch sử cũng đã từng chiến đấu với giặc ngoại xâm và giành thắng lợi. Với việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cũng là tạo điều kiện cho Việt Nam trang bị các loại vũ khí hiện đại và nó cũng mang ý nghĩa chính trị, nó có thể phá đi những rào cản ngăn cách quan hệ giữa hai nước. Theo tôi thì việc này ý nghĩa chính trị nhiều hơn là ý nghĩa về quốc phòng. Đừng nhấn mạnh nhiều quá việc Mỹ bỏ cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Cái đó không khéo sẽ tạo thêm những mâu thuẫn, căng thẳng không đáng có.

Vẫn biết, cho dù có hay không có thì mâu thuẫn không phải do người Việt Nam gây ra.

PV: Xin cảm ơn TS!

RELATED ARTICLES

Tin mới