Sunday, January 5, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiÔng Hun Sen: "Tôi không phải con rối của Việt Nam"

Ông Hun Sen: “Tôi không phải con rối của Việt Nam”

Một lần nữa, tôi muốn khẳng định với bạn rằng, tôi không phải là một con rối của Việt Nam mà phải phục vụ cho lợi ích của đất nước Việt Nam.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen dường như khá “sành” chơi Facebook thì không thể không biết những tính năng mời “khách không mời” ra khỏi ngôi nhà ảo của mình. Ảnh: Reuters.

Thông tấn xã Philippines ngày 27/8 đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã viết trên trang Facebook chính thức của mình trả lời một người dùng Facebook được cho là người Việt chỉ trích lập trường của Campuchia trong vấn đề Biển Đông.

“Xung đột trên Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình giữa chính phủ Trung Quốc với chính phủ Việt Nam. Giải quyết vấn đề Biển Đông như thế nào là chuyện riêng của chính phủ Việt Nam.

Lựa chọn giải pháp hòa bình hay chiến tranh để giải quyết vấn đề cụ thể này là quyền của các bạn.

Chắc chắn rằng bạn nên tôn trọng các nước như Lào, Campuchia, đặc biệt là Campuchia, bởi vì chúng tôi không liên quan gì trong vấn đề Biển Đông.”

Thủ tướng Campuchia cũng kêu gọi chính phủ Việt Nam giáo dục người dân nước mình không làm phiền ông nữa.

Hun Sen nói trong những tháng gần đây, ông đã nhận được nhiều ý kiến không phù hợp, thậm chí là xúc phạm từ người Việt nhắm mục tiêu vào ông và nhân dân Campuchia.

“Tôi muốn nói với bạn rằng, hãy tôn trọng độc lập và chủ quyền của đất nước chúng tôi, vì Campuchia có quyền bình đẳng với các nước khác, trong đó có Việt Nam”, Hun Sen nói với những người Việt Nam dùng Facebook.

Trên trang Facebook cá nhân của Thủ tướng Hun Sen tối 26/8 viết trả lời bình luận của người dùng Facebook Nguyen Van Tai:

“Tôi thực sự khâm phục bạn vì bạn biết một số ngôn ngữ như tiếng Khmer, tiếng Việt và tiếng Anh.

Để chắc chắn, tôi không phải người Việt Nam, vì vậy tôi không thể trả lời cho bạn bằng tiếng Việt. Tôi sẽ trả lời bạn bằng tiếng Khmer và tiếng Anh như dưới đây.

Hoàn toàn đúng nếu bạn nhận ra rằng, Campuchia và Lào không liên quan đến vấn đề Biển Đông như bạn đã nêu trong bình luận của mình.

Giải quyết vấn đề Biển Đông như thế nào là chuyện riêng của chính phủ Việt Nam. Lựa chọn giải pháp hòa bình hay chiến tranh để giải quyết vấn đề cụ thể này là quyền của các bạn.

Chắc chắn rằng bạn nên tôn trọng các nước như Lào, Campuchia, đặc biệt là Campuchia, bởi vì chúng tôi không liên quan gì trong vấn đề Biển Đông.

Tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ hiểu phản ứng của tôi với ý kiến này, bằng cách giáo dục người dân của mình không làm phiền tôi nữa. 

Tôi đã nhận được nhiều ý kiến không phù hợp, thậm chí xúc phạm từ những người Việt nhằm mục tiêu vào tôi và nhân dân Khmer. 

Tôi muốn nói với bạn rằng, hãy tôn trọng độc lập và chủ quyền của đất nước chúng tôi, vì Campuchia có quyền bình đẳng với các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Một lần nữa, tôi muốn khẳng định với bạn rằng, tôi không phải là một con rối của Việt Nam mà phải phục vụ cho lợi ích của đất nước Việt Nam. Và tôi cũng không phải là một ông chủ của Việt Nam.

Tôi không yêu cầu Việt Nam phải phục vụ cho lợi ích chính trị nào của Campuchia. Tranh chấp Biển Đông nên được giải quyết một cách hòa bình giữa chính phủ Trung Quốc với chính phủ Việt Nam.

Như thế tốt hơn nhiều so với ciệc giải quyết bằng chiến tranh như ý kiến của bạn để lại trên trang Facebook của tôi.”

Như vậy đây là lần thứ 3 trong tháng này ông Hun Sen “lời qua tiếng lại” với một số người dùng Facebook được cho là người Việt Nam liên quan đến lập trường của Campuchia trong vấn đề Biển Đông. 

Lần đầu tiên vào ngày 1/8, Thủ tướng Hun Sen lên tiếng phân bua rằng: “Việt Nam không phải ông chủ của tôi.”

Lần thứ hai vào ngày 25/8, ông Hun Sen bác bỏ cáo buộc của một người dùng Facebook ông tin là người Việt Nam rằng Campuchia “phá hoại sự đoàn kết của ASEAN trong vấn đề Biển Đông”, theo The Phnom Penh Post.

Ông Hun Sen cố giải thích: “Tôi không phải là con rối của Việt Nam” không phải lựa chọn khôn ngoan

Cá nhân người viết đã từng chia sẻ với ngài Hun Sen ngay từ đầu tháng 8 rằng, hà tất một đương kim Thủ tướng của vương quốc Campuchia phải đi đôi co với một người nào đó trên mạng xã hội!

Hà tất Thủ tướng một quốc gia độc lập lại cứ phải đi giải thích với dư luận về một điều hiển nhiên rằng, Việt Nam không phải là ông chủ của mình!

Người viết đã từng hi vọng, khả năng Hun Sen sử dụng tâm lý bài Việt để kiếm phiếu bầu như bình luận của nhà phân tích Ou Virak chỉ là một “thuyết âm mưu” nhằm vào vị đương kim Thủ tướng, nhưng hi vọng ấy đang ngày một trở nên mong manh.

3 lần trong một tháng ông Hun Sen muốn cố chứng minh mình “không phải con rối của Việt Nam” để làm gì, nếu không phải nhằm mục đích kiếm phiếu như chính các nhà phân tích Campuchia nhận định?

Chủ tịch Viện nghiên cứu Chiến lược Campuchia (CISS) Vannarith Chheang nhận định trên BBC tiếng Việt hôm 24/8:

“Trong quá khứ, vị trí của đảng lãnh đạo Campuchia rất mạnh, nhưng giờ tôi nghĩ đảng cầm quyền cũng phải dùng đến lá bài chủ nghĩa dân tộc. 

Bởi vì kỳ bầu cử sắp đến vào năm tới, và cuộc tổng tuyển cử 2018 sắp tới. Vì thế nó cũng thể hiện chiến lược chính trị, bằng cách tăng cường chính sách dân tộc.”

Cảm nhận của cá nhân người viết thì hơi hướng “bài Việt” đã thể hiện trong khẩu khí phát biểu lần này của ông Hun Sen, loại trừ những giải thích không cần thiết về những điều đương nhiên và không xứng tầm với cương vị Thủ tướng.

Một là: “Để chắc chắn, tôi không phải người Việt Nam, vì vậy tôi không thể trả lời cho bạn bằng tiếng Việt.” 

Câu giải thích này dường như nhằm thanh minh với người dân Campuchia nhiều hơn, có lẽ là với mong muốn đập tan những tin đồn không có thật trong dư luận được phe đối lập đồn thổi. Nhưng nó có thể lại gây hiệu ứng ngược.

Phát biểu như thế chỉ khiến người dân Campuchia tò mò xem ngài Thủ tướng có biết tiếng Việt hay không. Họ chỉ cần gõ từ khóa “Thủ tướng Hun Sen nói tiếng Việt” lên Google là có câu trả lời và nghe rõ ngài đã nói những gì.

Lúc đó người ta lại có cớ để đồn thổi, thêu dệt.

Trong khi đáng lẽ ra ông chỉ cần đáp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, và có thể kèm tiếng Anh nếu muốn. Nói thêm cho “chắc chắn” rằng Hun Sen không phải người Việt rõ ràng là thừa mà lại đẩy mình vào thế bí.

Hai là: “Tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ hiểu phản ứng của tôi với ý kiến này bằng cách giáo dục người dân của mình không làm phiền tôi nữa.” 

Xin thưa Thủ tướng Hun Sen, ngài căn cứ vào đâu để xác định facebooker đó là người Việt mà không phải kẻ thứ 3 muốn phá quan hệ Việt Nam – Camphuchia? 

Hơn nữa người viết chỉ thấy chính phủ Việt Nam giáo dục công dân của mình tuân thủ hiến pháp và pháp luật Việt Nam, cũng như tuân thủ hiến pháp và pháp luật nước sở tại khi đi ra nước ngoài cùng văn hóa, tập quán của quốc gia đó.

Nhưng internet là một không gian ảo toàn cầu, không quốc gia văn minh nào lại đi kiểm soát mạng xã hội như ngài muốn. 

Trừ trường hợp như Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, Trung Quốc thì cấm dùng Facebook mà sử dụng mạng xã hội của riêng họ để dễ kiểm soát. Còn Triều Tiên thì hạn chế cho dân tiếp xúc với internet.

Chính sách phát triển internet của Campuchia giống với phần còn lại của thế giới, thì ngài Thủ tướng cũng nên vui vẻ chấp nhận “chín người mười ý” trên mạng xã hội.

Do đó một vài chuyện lời qua tiếng lại, đôi co trên Facebook mà bị coi là “xâm phạm chủ quyền quốc gia” thì e ngài hơi quá lời.

Mạng xã hội Facebook là một công cụ mang tính cá nhân, ngài là người “sành” Facebook chắc không thể không biết cách loại những “khách không mời” khỏi danh sách bạn bè.

Họ sẽ không bao giờ xuất hiện trên “ngôi nhà Facebook” của ngài, không thể để lại ý kiến trên tường nhà ngài.

Một việc ngài tự làm được và mất không quá 1 phút cho những “khách không mời”, nhưng Thủ tướng Hun Sen vẫn để và đổ trách nhiệm này lên đầu chính phủ Việt Nam liệu có thỏa đáng?

Điều này chỉ khiến người viết thêm nghi vấn, rằng Thủ tướng Hun Sen vẫn âm thầm “nuôi” các facebooker mang danh người Việt cho mục đích chính trị của mình.

Tuy nhiên nếu điều này là sự thật, thì nó không khác nào hành động lấy đá tự ghè chân mình. Đúng như nhà quan sát chính trị Ou Virak nhận xét:

“Những ý kiến xuất hiện gần đây nhằm vào (lôi kéo) các cử tri thích chỉ trích Việt Nam, đồng thời là nỗ lực để trung hòa một trong những vũ khí chính của phe đối lập nhằm vào ông. Nhưng câu hỏi đặt ra là: Họ có tin ông không?” 

Bởi lẽ tâm lý bài Việt được phe đối lập khai thác bằng các thủ đoạn bịa đặt, xuyên tạc lịch sử, ngụy tạo tài liệu. 

Nếu ngài Thủ tướng Hun Sen đi theo hướng này thì người viết tin rằng, chắc chắn ông sẽ thua, vì nó chẳng khác nào một kẻ tự ngửa mặt lên Trời và nhổ nước miếng.

Người viết không biết đây có phải lần cuối cùng Thủ tướng Hun Sen có thì giờ để đôi co qua lại với một số người dùng Facebook mang danh người Việt không ưa ông hay không?

Không biết đây đã phải lần cuối ông giải thích mình không phải con rối của Việt Nam hay những điều đại loại như thế hay không?

Nhưng người viết chắc chắn rằng, đó không phải một lựa chọn sáng suốt, không phải ứng xử xứng tầm của một chính khách lão luyện, nếu không muốn nói là có phần ấu trĩ.

RELATED ARTICLES

Tin mới