Hải quân Mỹ thực thi nghề cá. Đó không phải là một tiêu đề, một đề nghị hoặc một dự đoán cho tương lai, mà đó là một thực tế.
Ảnh vệ tinh của bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Ngày nay, Hải quân Mỹ và lực lượng tuần duyên Mỹ thường xuyên hoạt động phối hợp cùng nhau trong khuôn khổ Sáng kiến An ninh Hàng hải Châu Đại Dương (OMSI) để thực hiện nhiệm vụ thực thi nghề cá với các nước đối tác, bắt đầu khẳng định sự hiện diện của các cuộc tuần tra của Mỹ trong những vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) không thuộc Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, sáng kiến liên ngành của hải quân Mỹ và kinh nghiệm đa quốc gia trong việc thực thi nghề cá không được nhận thấy rộng rãi. Mặc dù vậy, nó có thể là một mô hình phù hợp với phán quyết của Tòa trọng tài Công ước Luật Biển về vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Việc phối hợp thực thi các quy tắc về nghề cá ở vùng đặc quyền kinh tế Philippines có thể vừa củng cố phán quyết của Tòa, vừa thể hiện cam kết chung của Mỹ và Philippines thực hiện quy định của pháp luật một cách hữu hình và hiệu quả.
Ngay sau phán quyết của Tòa, các nước liên quan đã có những phản ứng khác nhau. Trung Quốc lập tức bác bỏ, gọi đó là “tờ giấy lộn”, kêu gọi chiến tranh nhân dân trên biển và tiếp tục cải tạo cơ sở hạ tầng trên đảo nhân tạo ở Trường Sa. Tân Tổng thống Philippines – Rodrigo Duterte – vừa hoan nghênh phán quyết của Tòa, vừa công nhận sự cần thiết của đối thoại song phương.
Chính phủ Indonesia mới đây đã thành lập lực lượng đặc nhiệm pháp lý để tìm kiếm các lựa chọn cho riêng mình. Malaysia tương đối im lặng về phán quyết, còn Việt Nam hoan nghênh việc Tòa ra phán quyết và nói rằng, sẽ có tuyên bố sau về nội dung phán quyết.
Một phản ứng thích hợp của các nước liên quan sẽ nhấn mạnh và mở rộng phán quyết của Tòa bằng mọi biện pháp càng không leo thang càng tốt, trong khi không bị coi là phục tùng Trung Quốc. Cho đến nay, hầu hết sự chú ý và bình luận của báo chí tập trung chủ yếu vào các khía cạnh pháp lý và quân sự của tranh chấp. Tuy vậy, có một điều bị quên lãng, đó là việc thực thi nghề cá ở các khu vực đã được khẳng định là vùng đặc quyền kinh tế.
Cần thừa nhận rằng, phán quyết của Tòa để ngỏ nhiều điều chưa được giải quyết, nhất là chủ quyền của các thực thể ở Trường Sa. Tuy nhiên, phán quyết khẳng định hai điều: Đá Vành Khăn không có khả năng tạo ra các vùng biển, và do đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và bãi cạn Scarborough chỉ được hưởng quy chế 12 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế lớn hơn của Philippines, và tất cả ngư dân truyền thống (kể cả người Philippines) được phép hoạt động trong khu vực này.
Về nguyên tắc, những phán quyết như vậy có thể dễ dàng được củng cố thông qua hoạt động thực thi luật hàng hải ở những vùng đã được khẳng định là EEZ của Philippines. Nhưng hạm đội tàu cá hùng hậu của Trung Quốc với sự hộ tống của tàu hải cảnh thường xuyên xuất hiện ở khu vực này, khiến Philippines không thể hoạt động một mình.
Lực lượng tuần duyên Philippines, thậm chí cả hải quân Philippines đều có khả năng hạn chế. Nhưng nếu hoạt động với Mỹ theo một thỏa thuận đối tác phù hợp với hoàn cảnh sẽ là một lựa chọn đáng để cân nhắc.
Một khuôn khổ như vậy có thể là mô hình giống như khuôn khổ đối tác nghề cá đã có như OMSI ở Thái Bình Dương. Các cuộc tuần tra ngư nghiệp ở vùng biển Philippines (kể cả xung quanh đá Vành Khăn và gần bãi cạn Scarborough) sẽ thực thi hóa tinh thần và những điều khoản còn gây tranh cãi trong phán quyết của Tòa.
Đối với Mỹ, một thỏa thuận ngư nghiệp với lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines sẽ là một hoạt động tự nhiên trong khuôn khổ hợp tác của liên minh, không leo thang, phù hợp với cam kết tôn trọng luật pháp ở vùng biển Đông Nam Á. Trong khi Mỹ đã có sự hiện diện gần như liên tục ở vùng biển Philippines và có kinh nghiệm trực tiếp trong việc thực thi ngư nghiệp với các đối tác, thì sự hợp tác với Philippines là điều có thể dễ dàng triển khai.
Trên thực tế, Mỹ đã có một thỏa thuận hoạt động giữa hải quân và tuần duyên, bên cạnh đó còn có thỏa thuận song phương giữa Mỹ và các nước đối tác khác. Kết quả là, tàu của hải quân Mỹ chở theo lực lượng tuần duyên của Mỹ và của các đối tác có thể giam giữ, kiểm tra, tịch thu và bắt giữ tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép trong vùng EEZ của nước đối tác.
Sự liên kết sáng tạo này và khuôn khổ quốc tế đã được thực thi thành công ở Thái Bình Dương trong nửa thập kỷ qua. Liệu nó có trở thành mô hình cho đối tác Mỹ – Phi được hay không?