Anh – Pháp mờ nhạt, Mỹ – Nga đối đầu, quyền phủ quyết của Trung Quốc trong cuộc chạy đua trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trở nên “có sức nặng” hơn bao giờ hết.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon (phải) sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 12/2016. (Ảnh: VCG)
Cuộc chạy đua giữa Mỹ và Nga
Dự kiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) sẽ chọn ra Tổng thư ký tiếp theo vào tháng 9 và sẽ xướng tên của người này vào tháng 10 tới. Nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) mới sẽ bắt đầu vào ngày 1/1/2017.
Tuy nhiên, trong 5 thành viên thường trực HĐBA hiện nay gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc thì phản ứng của Anh, Pháp khá mờ nhạt. Ngược lại, Mỹ và Nga lại trong thế đối đầu khi ủng hộ những ứng cử viên khác nhau.
Trước tình hình đó, thái độ của Trung Quốc – nước có quyền phủ quyết trở nên vô cùng quan trọng.
Theo Đa chiều (Mỹ), rất có thể Bắc Kinh nhân cơ hội này để “trao đổi lợi ích” nhằm nhận được sự ủng hộ của Washington hoặc Moscow trong các sự vụ quốc tế khác.
“Cuộc bầu chọn Tổng thư ký trở nên khó khăn bởi quyền bổ nhiệm này liên quan mật thiết đến lợi ích sát sườn của những nước lớn”, tờ này nhận định.
Ngay từ tháng 9/2015, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin tuyên bố, tân Tổng thư ký LHQ nên đến từ các quốc gia Đông Âu bởi tính đến nay, chỉ riêng khu vực Đông Âu là chưa có đại diện nào giữ cương vị này.
Giới phân tích cho hay, hiện Moscow đang nghiêng về phía cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic.
Ông Vuk Jeremic được biết đến với lập trường chính trị hướng Nga khi phản đối độc lập của Kosovo và tỏ rõ thái độ không đồng tình với nhiều kế hoạch của NATO.
Ngược lại, Mỹ ủng hộ cựu Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra. Bà Malcorra từng làm Chánh văn phòng Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon từ năm 2008-2012.
Một số nguồn tin tiết lộ, ngoài quan điểm chính trị, Washington còn ủng hộ Susana Malcorra bởi bà là phụ nữ. Ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton từng kêu gọi, Tổng thư ký LHQ nhiệm kỳ tiếp theo nên là nữ giới.
Theo kết quả bỏ phiếu lần hai của HĐBA hôm 5/8, cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic nhận được 8 phiếu tín nhiệm, 4 phiếu không tín nhiệm và 3 phiếu trắng, xếp thứ 2.
Bà Susana Malcorra – cựu Ngoại trưởng Argentina nhận được 8 phiếu tín nhiệm, 6 phiếu không tín nhiệm và 1 phiếu trắng, xếp thứ 3.
Tạm dẫn đầu là cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres với 11 phiếu tín nhiệm, 2 phiếu không tín nhiệm và 2 phiếu trắng.
“Ứng viên Tổng thư ký được Mỹ và Nga ủng hộ đang ở thế giằng co”, Đa chiều nhận xét.
Trung Quốc hưởng lợi?
Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, 5 thành viên thường trực HĐBA đều có quyền phủ quyết các đề cử cho chức danh Tổng thư ký.
Ứng cử viên Tổng thư ký nhận được 9 phiếu tín nhiệm từ 15 thành viên của HĐBA, trong đó bao gồm phiếu tín nhiệm của cả 5 thành viên thường trực mới là đề cử hợp lệ. Sau đó, HĐBA sẽ đề cử ứng viên duy nhất này để Đại hội đồng LHQ – một trong 5 cơ quan chính của LHQ – thông qua.
Đa chiều tiết lộ, ông Ban Ki Moon chiến thắng trong cuộc chạy đua đến chiếc ghế Tổng thư ký LHQ một phần do từng nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh. Vì thế, trong lần sàng lọc này, Trung Quốc tỏ ra vô cùng thận trọng.
Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể đã bỏ phiếu trắng đối với hai trường hợp của cựu Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic và cựu Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra.
Do đó, để nhận được cái gật đầu của Bắc Kinh trong cuộc chạy đua này, Washington và Moscow phải đánh đổi bằng một số quyền lợi nhất định.
Ví như, Bắc Kinh có thể yêu cầu Washington “thả lỏng” hơn về vấn đề Biển Đông, hủy bỏ quyết định đặt hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc hoặc yêu cầu Moscow ủng hộ mạnh mẽ trong tranh chấp biển Đông.