Các chuyên gia cho rằng việc lùi thời hạn hoạt động nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết khi Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt nhất.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: HNM
Văn bản chính thức thì đến 2028
Mới đây, trao đổi với chúng tôi về quy hoạch điện 7 bổ sung, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm đã bày tỏ lo ngại trước việc xuất hiện nhiều thông tin tiếp tục lui thời hạn khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
“Thủ tướng hồi tháng 3 năm nay có đưa ra quy hoạch điện 7 bổ sung, tức là quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030, trong đó đánh giá lại nhu cầu sử dụng điện trong thời gian tới để cơ cấu lại các nguồn điện.
Như tôi được biết, trong tổng sơ đồ mới đã lùi điện hạt nhân từ năm 2020 xuống năm 2028 có tổ máy đầu tiên. Tuy nhiên đến thời điểm này lại có thông tin lùi nữa, tức là, từ nay đến năm 2030 sẽ không có nhà máy điện hạt nhân.
Vì vậy Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải cân đối lại nguồn điện. Nếu không có điện hạt nhân thì chúng ta giải quyết bằng cách bổ sung nhiệt điện than. Thứ hai là đẩy nhanh hơn năng lượng tái tạo. Hướng thứ 3 là nếu thiếu thì có thể nhập của nước ngoài”, ông Lâm cho hay.
Trước thông tin trên, chiều 29/8, trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt khẳng định, đến thời điểm hiện tại, vấn đề điện hạt nhân Ninh Thuận chỉ có quyết định chính thức số 428 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 18/3/2016 về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (điều chỉnh quy hoạch điện 7).
“Theo nội dung văn bản đó thì chúng ta sẽ lùi đến năm 2028 chạy tổ máy đầu tiên và sẽ có thêm 3-4 tổ máy nữa đến năm 2030.
Về giấy tờ thì chỉ có văn bản đó. Tuy nhiên, hiện nay cũng có thấy một số tin đồn lùi thêm thời gian nữa nhưng tôi cũng chưa biết chính xác như thế nào cả”, PGS.TS Điền nhấn mạnh.
Cùng ngày, trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cũng khẳng định chưa nắm được thông tin trên.
“Chúng tôi chưa thấy có văn bản gì cả. Hiện nay vẫn theo như kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt thôi”, vị đại diện nói.
Thận trọng là cần thiết
Nói thêm về việc lùi thời gian đưa vào hoạt động tổ máy đầu tiên nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, PGS.TS Điền cho rằng quyết định trên là cần thiết và phù hợp với tình hình trong nước hiện nay.
“Lùi đến thời điểm năm 2028 là hợp lý vì một số công việc trong nước còn vướng mắc. Chúng ta không làm được nhanh như hình dung ban đầu rồi thẩm định, đấu thầu, thiết kế chi tiết. Ngoài ra Việt Nam cũng phải mời thẩm định nước ngoài, nên cũng mất thêm thời gian.
Thứ hai là nguồn nhân lực. Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ nhất. Hiện nay khoảng 300-400 người đang được cử học ở Nga, 100 người sắp tới ở Nhật về cũng vừa. Như vậy thời điểm là đáp ứng được”, PGS.TS Điền nhấn mạnh.
Cùng nêu quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Minh Duệ, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam khẳng định dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là một công trình có ý nghĩa to lớn đối với Việt Nam và nhận được nhiều sự quan tâm.
“Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã được thảo đi thảo lại nhiều lần rồi nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc.
Thứ nhất: do công nghệ chúng ta phải nhập hoàn toàn từ nước ngoài. Theo dự kiến thì với 2 nhà máy đầu tiên, 1 nhà máy Nhật Bản tài trợ công nghệ, một nhà máy do Nga giúp đỡ. Hiện nay chúng ta vẫn đang trong bước đường đàm phán.
Thứ hai: một số nhà khoa học cũng như người dân vẫn sợ vấn đề đảm bảo an toàn nhà máy điện hạt nhật. Nhất là qua 2 sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Nga và nhà máy Fukushima ở Nhật Bản.
Đặc biệt an toàn trong quá trình vận hành và đặc biệt câu hỏi sau này bã thải sẽ đổ vào đâu. Bây giờ cũng chưa trả lời câu hỏi đó cho nên nhiều người vẫn còn đắn đo, vẫn còn tranh luận”, PGS.TS Duệ nêu quan điểm.