Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiHội nghị thượng đỉnh G20 và nạn diệt chủng tại TQ

Hội nghị thượng đỉnh G20 và nạn diệt chủng tại TQ

Ngoài những vấn đề kinh tế và xã hội, hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay còn có một vấn đề cần được chú ý đặc biệt: nạn diệt chủng.

 

Bệnh viện này thuộc Đại học Y khoa Chiết Giang – trung tâm cấy ghép nội tạng lớn nhất ở miền đông Trung Quốc.

Tuần này, lãnh đạo của 20 nền kinh tế phát triển sẽ có mặt tại Hàng Châu, Trung Quốc để tham gia hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra từ ngày 4-5/9. Để giảm bớt những căng thẳng từ các buổi đối thoại về các vấn đề kinh tế toàn cầu, có lẽ họ nên gợi ý nước chủ nhà về một chuyến thăm quan bệnh viện số 1 thuộc Đại học Y khoa Chiết Giang – trung tâm cấy ghép nội tạng lớn nhất ở miền đông Trung Quốc.

Khoảng cách từ địa điểm tổ chức hội nghị – Trung tâm Triển lãm Thể thao Olympic Hàng Châu – đến bệnh viện nói trên chỉ có 9 km, tức là khoảng 10-15 phút di chuyển.

Tại đây, những nhà lãnh đạo thế giới chắc chắn sẽ gặp bác sĩ Zheng Shusen, chủ tịch bệnh viện và đồng thời là cựu giám đốc Hiệp hội cấy ghép tạng Trung Quốc.

Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành nước dẫn đầu thế giới về cấy ghép tạng, và sự nghiệp của ông Zheng Shusen là một trong những minh chứng rõ nét nhất cho tham vọng này.

Ông Zheng tuyên bố đã cùng các đồng sự thực hiện 1.400 ca ghép gan với hơn 100 ca do đích thân ông Zheng tự tay thực hiện. Đáng chú ý hơn, năm 2005 Zheng là đồng tác giả một bài báo về 46 ca ghép tạng khẩn cấp – yêu cầu các bác sĩ phải lấy gan ghép cho 1 bệnh nhân bị suy gan cấp tính.

Việc một người hiến tạng xuất hiện đúng vào thời điểm mà một bệnh nhân bị suy gan là một sự trùng hợp vô cùng hiếm và bất thường. Đặc biệt là tại Trung Quốc, nơi không có một hệ thống tốt để liên kết, cung ứng và trao đổi thông tin về cấy ghép tạng giữa các bệnh viện, thì việc thực hiện được tới 46 ca ghép tạng như thế tại một cơ sở duy nhất không thể là sự trùng hợp. Nhiều chuyên gia kết luận rằng nội tạng đó phải lấy từ những người bị giam giữ như nguồn cung cấp tạng sống. Họ sẽ bị sát hại và mổ cắp nội tạng khi xuất hiện bệnh nhân có nhu cầu cấy ghép. Đây chính là cách mà ông Zheng thăng quan tiến chức.

Diệt chủng

Mặc dù đã tồn tại rất lâu, nhưng không dễ để chúng ta có thể biết được những thông tin này. Sự thật về bệnh viện nói trên và các hoạt động của bác sĩ Zheng chỉ mới được phanh phui gần đây trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu/Đại thảm sát: Một cập nhật” xuất bản hồi tháng 6 vừa qua, với việc phân tích và tổng hợp hàng nghìn tư liệu từ rất nhiều nguồn tin cậy tại Trung Quốc. Báo cáo này đã cho thấy bức tranh chi tiết về hơn 700 bệnh viện có hoạt động cấy ghép tạng tại Trung Quốc.

Mỗi bệnh viện có bao nhiêu giường bệnh? Tỉ lệ sử dụng chúng là bao nhiêu? Các bệnh nhân phải đợi bao lâu để được cấy ghép? Sự thật về tỉ lệ thành công của những ca cấy ghép các bệnh viện quảng cáo? Báo cáo trên sẽ cung cấp đầy đủ các câu trả lời và còn hơn thế nữa.

Các tác giả cuốn sách gồm có ông David Kilgour nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Canada, luật sư nhân quyền quốc tế David Matas, và nhà báo Ethan Gutmann. Sau quá trình phân tích dữ liệu vô cùng tỉ mỉ, các ông đã vạch trần những bí mật về hoạt động mổ cắp nội tạng ở Trung Quốc, điều chưa ai từng làm được trước đây.

Họ ước tính rằng trong những năm 2000-2015, trung bình mỗi năm có 60.000 đến 100.000 ca ghép tạng được thực hiện ở Trung Quốc.

Số người chết có thể vượt mốc một triệu người

Những bệnh nhân được ghép tạng phải chịu mức chi phí khủng khiếp. Hệ thống ghép tạng của Trung Quốc là lãng phí và không hiệu quả. Ví dụ, theo Phó giám đốc một trung tâm cấy ghép Trung Quốc, chỉ có hai bệnh viện ở Trung Quốc có khả năng đồng thời thực hiện nhiều ca cấy ghép tạng từ nội tạng của cùng một người cho tạng. Kết quả là gì? Trong đại đa số trường hợp, một mô tạng được cấy ghép đồng nghĩa với việc một người hiến tạng bị giết.

Các tác giả đã không đưa ra một con số ước tính cho số người bị sát hại để duy trì ngành công nghiệp cấy ghép của Trung Quốc, với những gì báo cáo đề cập, dễ thấy số người chết có vẻ không dưới một triệu người.

Các tác giả cũng phát hiện rằng, trước năm 2000, hệ thống cung cấp tạng để phục vụ các ca cấy ghép hầu như không phát triển. Nhưng chỉ trong vòng 15 năm, ngành cấy ghép đã phát triển nhanh chóng, các bác sĩ phẫu thuật được đào tạo, các bệnh viện, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị được xây dựng và trang bị trên khắp cả nước. Ngày nay nó đã trở thành một hệ thống khổng lồ.

Một sự kiện diễn ra vào năm 2000 cũng bất ngờ tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành công nghiệp cấy ghép tạng tại Trung Quốc. Đó là việc, chính quyền Trung Quốc chính thức bức hại Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) – một môn tập luyện tinh thần vào tháng 7/1999.

Pháp Luân Công bao gồm việc thực hành theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong cuộc sống song song với việc thực hành các bài tập nhẹ nhàng, kết hợp thiền định.

Tổng bí thư ĐCSTQ thời đó là Giang Trạch Dân. Ông ta lo sợ trước sự nổi tiếng của Pháp Luân Công và lo lắng rằng người dân Trung Quốc sẽ thấy giáo lý đạo đức truyền thống của Pháp Luân Công hấp dẫn hơn học thuyết Đảng Cộng sản. Một cuộc nghiên cứu của chính quyền thời đó cho thấy có hơn 70 triệu người Trung Quốc đã tham gia tập luyện. Mặc dù các hệ thống an ninh tình báo Trung Quốc không hề tìm thấy điều gì nguy hại từ môn tập, nhưng Giang vẫn khăng khăng ra lệnh đàn áp và muốn diệt tận gốc môn tập này.

Theo lời khai của các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép của Trung Quốc và các bệnh viện, nội tạng có được là nhờ sự hợp tác của công an, quân đội và hệ thống pháp luật.

Báo cáo cũng kết luận rằng cuộc bức hại đã giúp ngành công nghiệp cấy ghép tại Trung Quốc phát triển mạnh, với nguồn nội tạng hầu như vô tận từ hàng chục triệu học viên Pháp Luân Công sẵn sàng bị khai thác bất cứ lúc nào. Các tác giả tin rằng hầu hết nội tạng là từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, được tổ chức như một ngân hàng nội tạng sống.

Đây là một tội ác thực sự không thể tưởng tượng được, nó là một cuộc diệt chủng chậm rãi nhưng vô cùng đáng sợ.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó, ông Matas nói: “Nếu bạn nhìn vào tất cả các tuyên truyền chống Pháp Luân Công, bạn sẽ thấy nó là sự kích động hận thù hèn hạ nhất… trong bối cảnh Trung Quốc, nơi không được có tiếng nói trái chiều nào… nó thực sự kích động hận thù, kích động diệt chủng. “

Zheng chính là nhân vật chịu trách nhiệm kích động hận thù chống lại Pháp Luân Công tại Hàng Châu. Ông ta cũng là người đứng đầu Hiệp hội chống tôn giáo của tỉnh Chiết Giang. Khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, người Hàng Châu ngay lập tức bị tấn công dồn dập với những thông điệp bôi nhọ và vu khống đối với Pháp Luân Công, tất cả là dưới sự chỉ đạo của Zheng.

Không những thế, Hiệp hội của Zheng còn thuê côn đồ tạo áp lực hòng buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ.

Zheng thường xuất hiện trước các phương tiện truyền thông Trung Quốc tại các sự kiện cùng với người đứng đầu phòng 610 địa phương – cơ quan có nhiệm vụ bỏ tù và tra tấn các học viên Pháp Luân Công.

Một nhà kinh tế nói rằng Zheng làm việc cho cả 2 phía cung cầu của ngành công nghiệp diệt chủng này. Ông ta kích động hận thù để tạo điều kiện cho việc diệt chủng, và sau đó, trong phòng mổ trực tiếp diệt chủng và kiếm tiền cho bản thân và bệnh viện.

Hội nghị G-20

17/20 thành viên G-20 từng tham gia hoặc phê chuẩn Công ước Chống diệt chủng, vốn có nội dung nhất trí “ngăn chặn và trừng phạt” những người như Zheng.

Sau khi cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu / Đại thảm sát: Một cập nhật” được xuất bản hồi tháng Sáu, các bên ký kết Công ước Chống diệt chủng đã có tuyên bố chung: có một “nguy cơ nghiêm trọng” rằng nạn diệt chủng đang diễn ra ở Trung Quốc.

Diệt chủng được coi là là “tội ác số 1” trong luật pháp quốc tế. Lời nói đầu của Công ước Chống diệt chủng nói rằng tội diệt chủng “bị lên án bởi thế giới văn minh”.

Điều này phải được đối đãi theo cách như vậy. Nạn diệt chủng ở Hàng Châu và khắp Trung Quốc khiến chúng ta phải băn khoăn về các giá trị cốt lõi của nền văn minh. Tất cả các quốc gia đều cần có trách nhiệm trong việc ngăn chặn nạn diệt chủng, bởi tất cả đều có lợi ích và trách nhiệm trong việc bảo vệ nền văn minh nhân loại.

Chính bởi vậy, khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung ở Hàng Châu, họ nên tới bệnh viện số 1 của Đại học Y khoa Chiết Giang, sau đó nên ngồi lại với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và đặt một câu hỏi đơn giản: “Khi nào chuyện này mới chấm dứt?”

RELATED ARTICLES

Tin mới