Saturday, January 18, 2025
Trang chủĐiểm tinTQ muốn áp đặt luật chơi mới với Mỹ

TQ muốn áp đặt luật chơi mới với Mỹ

Dù Trung Quốc tìm cách gây khó dễ như tín hiệu ngoại giao nhưng Mỹ vẫn giữ vững quan điểm về luật chơi của mình.

Ông Obama phải đi xuống từ bụng chiếc Air Force One, theo quy trình an ninh cao. Ảnh: New York Times

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức đến Hàng Châu (Trung Quốc) để tham dự hội nghị G-20.

Tuy nhiên Bắc Kinh dường như đang cố tình có những tín hiệu ngoại giao gửi tới ông Obama cũng như đoàn tháp tùng trong lần gặp gỡ này.

Cụ thể, ngày 3/9, chiếc Air Force One chở Tổng thống Obama đã có màn hạ cánh không êm ái xuống Hàng Châu khi ông tới thăm chính thức Trung Quốc.

Chưa dừng lại ở đó, các nhà báo tham dự hội nghị G-20 cùng ông Obama xuống máy bay và đi từ phía dưới cánh lên đầu để ghi lại chuyến thăm đã bị an ninh dùng băng xanh chặn lại.

Phóng viên tờ New York Times đã than phiền rằng trong 6 năm đưa tin về Nhà Trắng, ông chưa từng thấy một quốc gia chủ nhà mời Mỹ tới thăm lại ngăn báo chí theo dõi màn rời khỏi máy bay của ông Obama.

Thậm chí khi một thành viên của Nhà Trắng phản đối điều trên với quan chức an ninh Trung Quốc, rằng chuyện diễn ra không đúng quy trình thông thường, vị này liền hét tướng lên: “Đây là đất nước của chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi”.

Trong một sự kiện khác, Trung Quốc cũng cố tình làm ngơ trước việc phải đưa xe chở thảm đỏ tới đón để ông Obama đi xuống trước các camera ghi hình của báo giới đã chờ sẵn.

Thay vì thế, ông xuất hiện từ một cánh cửa nằm ở bụng chiếc máy bay, điều chỉ diễn ra trong các chuyến đi an ninh cao, như tới Afghanistan.

Chứng kiến cảnh đó, Cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice trông đầy kinh ngạc và có vẻ không hài lòng. Cùng viên phó Benjamin J. Rhodes, bà đã phải chui xuống dưới dải băng xanh an ninh để tới gần ông Obama.

Nhưng cả hai người lập tức bị chặn lại bởi cùng quan chức an ninh Trung Quốc kể trên.

Bà Rice trần tình rằng, do không thể nghe thấy tiếng của các phóng viên đứng ngay phía dưới cánh chuyên cơ Không Lực Một nên bà bước sang phía họ để nghe rõ hơn.

Tuy nhiên, không rõ vị quan chức nước chủ nhà Trung Quốc của hội nghị G20 năm nay có biết bà Susan Rice là một cố vấn an ninh cấp cao Mỹ hay không.

Chưa dừng lại tại đây, trong cuộc gặp của ông Obama với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại tòa nhà của chính quyền ở Tây Hồ, Hàng Châu, các trợ lý của Nhà Trắng, quan chức phụ trách nghi thức ngoại giao và Mật vụ đã có một loạt cuộc cãi nhau to tiếng với phía Trung Quốc về việc có bao nhiêu người Mỹ được vào tòa nhà, trước khi ông Obama tới.

Thậm chí người ta đã lo sợ cuộc tranh cãi có thể trở thành ẩu đả.

Mỹ vẫn cương quyết luật chơi quốc tế

Trong khi có những điều không dễ chịu gửi tới ông Obama và đoàn tháp tùng trong lần tới Hàng Châu để tham dự hội nghị G-20 nhưng người đứng đầu Nhà Trắng vẫn tỏ thái độ cương quyết, mạnh mẽ theo lập trường Mỹ về nhiều vấn đề, trong đó có biển Đông.

Trong cuộc gặp kéo dài hơn 4 tiếng hôm 3/9 với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Obama nhấn mạnh với Trung Quốc tầm quan trọng của việc tuân thủ nghĩa vụ đối với hiệp ước hàng hải quốc tế trong tình hình tranh chấp ở Biển Đông cũng như những cam kết không thay đổi của Mỹ trong việc bảo vệ an ninh cho các đồng minh.

Thông cáo từ Nhà Trắng cho hay ông Obama nhấn mạnh với Chủ tịch Tập rằng Trung Quốc nên tuân theo phán quyết của Tòa trọng tài bác bỏ “đường lưỡi bò”, thỏa thuận song phương về vấn đề an ninh mạng và ủng hộ nhân quyền.

“Tổng thống tái khẳng định Mỹ sẽ hợp tác với tất cả các quốc gia trong khu vực để tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do đi lại trên biển và trên không”, thông báo của Nhà Trắng cho biết.

Ngoài ra, ông Obama nhấn mạnh Mỹ ủng hộ sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc nhưng Bắc Kinh phải nhận ra rằng “sức mạnh càng tăng thì trách nhiệm cũng tăng theo”.

“Dù anh có lớn hơn Philippines hay Việt Nam hay nước nào khác thì cũng không phải là lý do anh đi phô diễn cơ bắp khắp nơi. Anh phải tuân theo luật pháp quốc tế”, Tổng thống Obama khẳng định.

Ông chủ Nhà Trắng cũng cho biết thêm Mỹ cũng đã cảnh báo “sẽ có hậu quả” về những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Những khẳng định trên cho thấy sự đồng nhất trong quan điểm cứng rắn của Nhà Trắng với Trung Quốc về các vấn đề, trong đó có tranh chấp biển Đông.

Còn nhớ, trước khi lên đường sang Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh G-20 và gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 2/9, Tổng thống Obama cho biết trước quan điểm như khi phát biểu chính thức.

“Nếu bạn ký kết một hiệp ước kêu gọi sử dụng biện pháp trọng tài quốc tế giải quyết các vấn đề trên biển, thì thực tế là dù bạn có lớn hơn Philippines hay Việt Nam hoặc các nước khác, đó không phải là lý do để bạn đi khắp nơi phô trương sức mạnh”, Obama nói. “Bạn phải tuân theo luật pháp quốc tế”, ông Obama nhấn mạnh.

Người đứng đầu nước Mỹ cho biết ông đã thúc giục Trung Quốc tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.

“Ở những nơi Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế như tại Biển Đông hay với một số hành vi của họ về chính sách kinh tế, chúng tôi luôn rất cứng rắn. Chúng ta phải cho họ thấy các hành động đó sẽ phải hứng chịu hậu quả”, ông Obama nói.

Trước đó, hôm 30/8, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ phụ trách thông tin chiến lược Ben Rhodes cho biết, tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước láng giềng sẽ là một trong những chủ đề chính trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bên lề hội nghị G20.

Tiến sĩ Sam Bateman, Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore cũng dự báo, tại G20 lần này, các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ nhắm vào thảo luận phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS) đưa ra giữa tháng trước, theo đó bác bỏ “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các nước sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc các nước liên quan đến tranh chấp làm rõ yêu sách của mình dựa trên luật quốc tế, đồng thời nêu quan ngại về diễn biến hiện nay trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới