Wednesday, January 1, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiDấu ấn nào mà "người TQ thô lỗ" để lại ở G20?

Dấu ấn nào mà “người TQ thô lỗ” để lại ở G20?

Hành xử lịch sự, ăn nói tôn trọng có vẻ là điều xa xỉ ngay cả với những nhà ngoại giao của Trung Quốc?

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Nữ hoàng Anh Elizabeth trong chuyến thăm 10/2015.

“Dấu ấn” tại G20

Hôm qua, 5/9, hội nghị G20 đã bế mạc tại Hàng Châu, Trung Quốc, với “sự đồng thuận lịch sử về vấn đề tăng trưởng toàn cầu”, theo đánh giá của Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc). Còn Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) thì có bài viết bàn về “những thắng lợi của Trung Quốc tại thượng đỉnh G20”.

Không rõ như vậy có thể xem là “thành công” như trong dự tính của Trung Quốc hay không nhưng Bắc Kinh chắc chắn đã để lại một “dấu ấn” đối với bạn bè năm châu, đặc biệt là người Mỹ.

Từ 3/9, khi Hàng Châu bắt đầu đón tiếp các quan chức cấp cao, cho tới 5/9, ngày bế mạc, câu chuyện về “sự thô lỗ của người Trung Quốc” vẫn đều đều xuất hiện trên mặt báo. 

Thậm chí, đoạn video ghi lại cảnh quan chức Trung Quốc“to tiếng” với nhân viên Nhà Trắng còn được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet.

Video được ghi lại sau khi chuyên cơ của Tổng thống Mỹ Barack Obama đáp xuống sân bay quốc tế Hàng Châu và các phóng viên quốc tế chuẩn bị tác nghiệp. 

Trong đoạn phim, quan chức này đã nói bằng tiếng Anh: “Đây là đất nước của chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi”. Được biết, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice cũng bị “quát nạt” và ngăn cản khi bà tiến về phía đoàn xe hộ tống. 

Chuyện không dừng lại ở đó. Tại nhà khách Tây Hồ, quan chức Mỹ và Trung Quốc lại tiếp tục đôi co. Thậm chí, một quan chức Trung Quốc còn có vẻ “sẵn sàng tung ra một cú đấm”.

Nữ hoàng Anh ngán ngẩm

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên người Trung Quốc bị nhận xét là “thô lỗ”. Hồi tháng 5, trong một đoạn video, Nữ hoàng Anh Elizabeth đã nói rằng: “Họ (Người Trung Quốc) rất thô lỗ với đại sứ”. 

Lời nhận xét này liên quan tới chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 10/2015. Trong chuyến công du ấy, hầu hết yêu cầu của phía Bắc Kinh đều được London đáp ứng.

Tờ Joongang Ilbo (Hàn Quốc) dẫn nguồn truyền thông Anh cho hay, Trung Quốc đã phàn nàn về nơi nghỉ mà phía Anh chuẩn bị cho phái đoàn của họ, rằng nội thất trong phòng cho đội ngũ tùy tùng không được sắp xếp hợp phong thủy.

Họ yêu cầu sơn đỏ tủ quần áo và thực đơn bữa ăn phải được duyệt trước. Hơn nữa, phía Trung Quốc còn cố gắng đổi cách sắp xếp chỗ ngồi trong dạ tiệc và không cho nhân viên phục vụ vào phòng. Quyết liệt nhất là yêu cầu phải có vệ sĩ đi cùng ông Tập trên xe ngựa với Nữ hoàng Anh.

Mặc dù đã cố gắng chu toàn lễ đón và đáp ứng nhiều yêu cầu như vậy nhưng có lẽ chuyến thăm vẫn khiến Nữ hoàng Elizabeth thất vọng. Để rồi, 7 tháng sau bà vẫn còn nhắc tới người Trung Quốc với một tính từ: “thô lỗ”.

Trước đó, năm 2009, tại Hội thảo Biến đổi Khí hậu Toàn cầu ở Copenhagen, Đan Mạch, đoàn Trung Quốc đã khiến các đại biểu Anh, Pháp cũng phải lên tiếng phàn nàn.

Theo Guardian, phiên họp kín hôm đó diễn ra lúc tối muộn gồm nguyên thủ của hàng chục quốc gia. Thủ tướng Đan Mạch chủ trì và ngồi bên phải ông là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon. Tổng thống Mỹ Barack Obama ngồi giữa Thủ tướng Anh lúc bấy giờ Gordon Brown và Thủ tướng Ethiopia Meles Zenawi.

Điều bất ngờ là Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo không xuất hiện mà thay vào đó lại cử một quan chức trong Bộ Ngoại giao tới ngồi đối diện với ông Obama. Và trong suốt phiên họp, các nguyên thủ nhiều lần buộc phải chờ quan chức này ra ngoài để “gọi điện cho cấp trên”.

Sự thô lỗ của chính người đứng đầu ngành ngoại giao

Ngay cả người chịu trách nhiệm “ngoại giao” cho Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị cũng có nhiều lần hành xử không mềm mỏng. 

Tháng 12/2013, ông Vương đã thẳng thừng chỉ trích Australia trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Australia Julie Bishop. Một quan chức ngoại giao Australia đã nói rằng: Đây là phát ngôn thô lỗ nhất ông ta từng thấy trong 30 năm làm chính khách.

Hay mới đây, hồi đầu tháng 6, ông Vương đã lớn tiếng trách móc nhà báo Canada Amanda Connolly trong 1 buổi họp báo, hành động khiến giới chức Canada không khỏi “xốn mắt”. 

“Cô biết gì về Trung Quốc? Cô từng đến Trung Quốc chưa? Có biết Trung Quốc hiện đang là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hay không?…” – Ngoại trưởng Trung Quốc gay gắt nói.

Trong cuốn hồi ký của mình, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, hiện đang là Ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã tiết lộ rằng, trong Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Hà Nội năm 2010, Ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó Dương Khiết Trì đã mất bình tĩnh và độc thoại một cách gay gắt suốt 30 phút sau khi các ngoại trưởng ASEAN chỉ trích động thái gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông.

Ông Dương còn tuyên bố: “Trung Quốc là nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ. Đó là điều hiển nhiên” – một luận điểm không hề liên quan tới cuộc thảo luận lúc đó.

“Trung Hoa là một nước lớn”

Lối ứng xử thô lỗ của Trung Quốc không thể coi là mới. Theo bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn trên Asia Sentinel, các tài liệu cho thấy: Từ thế kỷ 15, các hoàng đế Trung Hoa đã sử dụng những ngôn từ này để đe nẹt các nước láng giềng. Cách hành văn của họ ngắn gọn, trực tiếp và từ ngữ thì thiếu tôn trọng. 

“Trung Hoa là một nước lớn” là một trong những câu nói ưa thích của các hoàng đế Trung Hoa. Và câu nói này vẫn còn cho tới ngày nay. Ngôn ngữ và văn hóa vốn được lưu truyền, vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các quan chức Trung Quốc vẫn ưa sử dụng cụm từ này.

Trong một thế giới lý tưởng, có lẽ người ta sẽ muốn các nhà ngoại giao ăn nói một cách lịch sự và tôn trọng để khiến thế giới này tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, viễn cảnh đó có vẻ xa xỉ với người Trung Quốc.

Du khách Trung Quốc vốn đã “có tiếng” là hành xử thiếu văn minh khi đi du lịch nước ngoài. Hành động của họ rõ ràng đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của đất nước. 

Tương tự như vậy, những lời nói thô lỗ – dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào của giới chức Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế cũng khiến danh tiếng của Bắc Kinh bị tổn hại mà không hề làm luận điệu của họ thuyết phục hơn.

Hay như cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Jon Huntsman từng nói: Trung Quốc “đang đánh mất bạn bè quốc tế” với chính sách ngoại giao “hung hăng” của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới