Saturday, November 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiKhi nguyên thủ cả giận gặp chính khách lão làng

Khi nguyên thủ cả giận gặp chính khách lão làng

Người ta càng cố dùng lời lẽ chợ búa và thủ đoạn để hạ bệ Barack Obama, dường như uy tín và ảnh hưởng của ông lại càng lên cao.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: CBS News.

Hãng thông tấn AP ngày 6/9 đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy bỏ một cuộc họp dự kiến với người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte bên lề các hội nghị thượng đỉnh do ASEAN tổ chức tại Lào, khai mạc ngày hôm nay 6/9.

Cuộc họp song phương giữa ông Obama với Tổng thống Philippines dự kiến diễn ra vào cuối ngày hôm nay được chuyển sang Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Ned Price.

Quyết định được đưa ra sau khi ông Rodrigo Duterte đã dùng những lời lẽ thô tục chỉ trích Tổng thống Mỹ, vì những ý kiến của ông Obama xung quanh chiến dịch tiêu diệt tất cả những ai bị tình nghi là buôn bán ma túy ở Philippines.

Nguyên thủ “chuyên” phát ngôn gây sốc

“Putang Ina! Tôi sẽ nguyền rủa ông ta ở diễn đàn đó. Ông ta là ai chứ? Tôi là Tổng thống của một nước có chủ quyền, chúng tôi từ lâu đã không còn là thuộc địa. Tôi chỉ phải trả lời người dân Philippines, họ mới là những người bầu tôi làm Tổng thống”, Duterte chỉ trích Obama.

Putang Ina là một cụm từ có ý nghĩa tục tĩu trong tiếng Philippines.

Tháng trước ông Rodrigo Duterte đã sử dụng cụm từ này để chỉ trích Đại sứ Mỹ tại Philippines và gọi ông này là người đồng tính. Duterte gọi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry là “kẻ điên”.

Thậm chí ngay cả Giáo hoàng Francis cũng trở thành nạn nhân của Rodrigo Duterte, mặc dù Philippines là đất nước có nhiều tín đồ Công giáo. Sau đó ông đã phải lên tiếng xin lỗi. 

Giáo sư Mark R. Thompson từ Đại học Thành phố Hồng Kông cho biết trong bài bình luận trên Nikkei Asian Review ngày 29/8, ông Rodrigo Duterte cũng sử dụng những lời lẽ tương tự với cả các chính khách Philippines.

Khi Thượng nghị sĩ Leila de Lima kêu gọi một cuộc điều tra của Thượng viện về những vụ giết người vô tội vạ trong chiến dịch chống ma túy của ông Rodrigo Duterte và cảnh báo, Tổng thống có thể phải đối mặt với một phiên tòa hình sự quốc tế, ông Duterte đáp trả bằng một loạt công kích cá nhân.

Tổng thống Philippines cáo buộc bà Leila de Lima “phiêu lưu tình dục” với lái xe của mình, người có liên quan đến hoạt động tội phạm buôn bán ma túy.

Theo BBC News ngày 6/9, kể từ khi nhậm chức hôm 30/6, chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông Rodrigo Duterte đã giết chết 2.400 người không qua xét xử. Duterte nói rằng, chiến dịch này sẽ tiếp tục cho đến kẻ buôn ma túy cuối cùng bị giết.

Nguy cơ trở thành một “Thaksin Shinawatra” của Philippines

Liên Hợp Quốc đã nhiều lần lên án chính sách của ông Rodrigo Duterte là vi phạm nhân quyền. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định, sẽ nêu thẳng vấn đề này ra nếu có một cuộc họp với ông Rodrigo Duterte.

Giáo sư Mark R. Thompson cho biết, theo danh sách trên Inquirer Daily cập nhật những người bị giết ngoài vòng pháp luật mà chiến dịch chống ma túy của ông Rodrigo Duterte gây ra, đại đa số người bị giết đến từ các khu phố nghèo, trong khi cảnh sát tiếp tay cho ma túy thì không bị trừng phạt.

Mặc dù Duterte đưa ra một danh sách công khai các nhân vật có máu mặt trong giới chính trị, tư pháp mà ông cho là có dính lứu đến ma túy, cam kết sẽ trừng trị, nhưng danh sách này được chứng minh là thiếu căn cứ thuyết phục.

Mark R. Thompson đưa ra ví dụ cảnh báo ông Rodrigo Duterte.

Chiến dịch truy quét tội phạm ma túy năm 2003 do Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra phát động đã được chứng minh là, gần một nửa trong số 3000 người bị giết hại một cách phi pháp không liên quan đến buôn bán ma túy.

Những nạn nhân này vô tình trở thành mục tiêu, hoặc là đối tượng thù hằn cá nhân của một bộ phận đội ngũ cảnh sát tham nhũng và tư thù. 

Mặc dù chiến dịch chống ma túy mang lại ảnh hưởng cho ông Thaksin Shinawatra trong ngắn hạn, nhưng chính giới tính hoa đã quay ra chống lại ông, lật đổ chính phủ của ông năm 2006 và em gái ông năm 2014.

Cá nhân người viết không nghi ngờ động cơ của ông Rodrigo Duterte trong chiến dịch chống tội phạm ma túy, một vấn nạn gần như vô phương cứu chữa ở Philippines.

Tuy nhiên cách làm của ông có thể dẫn đến hệ lụy khôn lường về mặt xã hội, như cảnh báo của Giáo sư Mark R. Thompson, bởi lẽ quyền lực, vũ lực không có công cụ kiểm soát, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của lực lượng thực thi pháp luật vốn đã có vấn đề.

Đúng như ông Rodrigo Duterte nói, đó là câu chuyện riêng của Philippines và chỉ có người dân nước này mới có quyền quyết định. Tuy nhiên với một chính khách, những cảnh báo và bài học nhãn tiền từ cộng đồng quốc tế cũng không nên xem thường.

Bởi lẽ tuy bài học ấy có thể lặp lại với chính ông và Duterte cũng nói, sẵn sàng vào tù thay bất kỳ nhân viên cảnh sát nào phạm tội do thực thi mệnh lệnh của ông, nhưng người phải trả giá không chỉ là người ra quyết định, mà có thể là cả một quốc gia, dân tộc.

Bình tĩnh lắng nghe và đối thoại, tìm kiếm giải pháp hiệu quả, thiết thực, lâu dài cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong công cuộc chống lại tội phạm ma túy thiết nghĩ là lựa chọn phù hợp hơn.

Đừng tự biến mình thành con cờ của Trung Quốc

Khi nhậm chức Tổng thống Philippines hôm 30/6, ông Rodrigo Duterte cam kết thực hiện một chính sách đối ngoại không phụ thuộc vào Hoa Kỳ.

Không những thế, ông còn nhanh chóng đánh tiếng sẽ đàm phán song phương với Trung Quốc, cải thiện quan hệ với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.

Điều đó không có gì sai nếu không vi phạm luật pháp quốc tế hay xâm hại lợi ích hợp pháp của một bên thứ ba. Vấn đề còn lại theo người viết chỉ là tính khả thi của những ý tưởng này rất thấp.

Bởi lẽ cho đến hiện tại, ông Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ chỉ đàm phán với Trung Quốc trên cơ sở Phán quyết Trọng tài 12/7. Bắc Kinh thì ngược lại, chỉ đàm phán những gì ngoài Phán quyết Trọng tài 12/7.

Triệu Giám Hoa, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines là người đầu tiên ông Rodrigo Duterte tiếp kiến sau khi biết tin trúng cử Tổng thống. Dường như ông Đại sứ Trung Quốc cũng là quan chức nước ngoài gặp gỡ ông chủ Điện Malacanang nhiều nhất cho đến nay.

Một điều đáng lưu ý là, Trung Quốc gần như không bao giờ lên tiếng về những vấn đề quyền con người như cách tiếp cận của Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc với chiến dịch chống tội phạm ma túy mà ông Rodrigo Duterte phát động.

Ngược lại, Bắc Kinh còn ca ngợi hết lời chính sách đối ngoại của Rodrigo Duterte, như xã luận của Thời báo Hoàn Cầu ngày 23/8.

Chính bằng cách tiếp cận này kết hợp với củ cà rốt kinh tế, Trung Quốc đã dần “thu phục” được chính quyền quân sự Myanmar trước kia, thay thế vai trò của Mỹ tại Thái Lan khi chính quyền quân sự đảo chính, hay kết thành đồng minh phi chính thức nhưng rất chặt chẽ với Campuchia.

Tuy nhiên, người xưa vẫn nói, thuốc đắng dã tật, còn mật ngọt chết ruồi.

Người viết cho rằng, nếu không thận trọng ông Rodrigo Duterte có thể đánh mất tính độc lập trong quyết sách của mình, cả vấn đề đối nội lẫn đối ngoại.

Bởi lẽ trong vấn đề Biển Đông, quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ và Nhật Bản là chỗ dựa để Philippines có thể đàm phán với Trung Quốc, phần nào có thể cân bằng sự chênh lệch tương quan lực lượng.

Nay tuyên bố không cần Mỹ, không cần ASEAN thì người viết không hiểu ông Rodrigo sẽ xử trí vấn đề Biển Đông và quan hệ Trung Quốc – Philippines như thế nào, nếu không trở thành con cờ của Trung Quốc?

Bản lĩnh chính trị Obama

Theo cảm nhận của riêng người viết, Tổng thống Mỹ Barack Obama là một người lịch duyệt, một chính khách quốc tế lão luyện.

Thứ nhất, trước những chỉ trích thô thiển của người đồng cấp Philippines, ông Obama đã thể hiện tầm cao văn hóa chính trị của mình bằng phát biểu:

“Tôi muốn nhấn mạnh chắc chắn rằng, nếu chúng tôi có một cuộc họp, thì nó phải thực sự hiệu quả và chúng tôi đang chuẩn bị cho điều đó.”

Sau phát biểu gây sốc của Rodrigo Duterte, ông Obama nói với các trợ lý làm việc với các quan chức Philippines về thời điểm thích hợp để có thể có cuộc họp mang tính chất xây dựng.

Thứ hai, trước đó dư luận quan tâm và bàn tán nhiều xung quanh một số sự cố về việc đón tiếp Tổng thống Obama tại sân bay của nước chủ nhà G-20 Trung Quốc.

Nhưng người đứng đầu Nhà Trắng đã lên tiếng giải thích với dư luận, không nên quan trọng hóa vấn đề này, còn tiêu chuẩn Mỹ thì đến đâu cũng phải được đảm bảo.

Khi chuyên cơ của ông Obama hạ cánh xuống sân bay ở Hàng Châu, người ta không thấy nước chủ nhà đưa cầu thang trải thảm đỏ đón ông như với các nguyên thủ khác. Tranh cãi nổ ra giữa nhân viên an ninh Trung Quốc với Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ về quyền tác nghiệp của báo chí quốc tế tại sân bay…

Bằng cách không làm to chuyện, Barack Obama đã thể hiện đẳng cấp của một nhà chính khách quốc tế lão luyện. Còn những bất cập trong công tác đón tiếp của chủ nhà dù vô tình hay cố ý, dư luận sẽ tự có đánh giá.

Bởi thế, cái thiệt ở đây thuộc về hình ảnh của Trung Quốc, chứ không phải ông Obama hay nước Mỹ.

Đối với tính khí thất thường của Tổng thống Rodrigo Duterte, bất kỳ sự đứt gãy nào trong quan hệ Mỹ – Philippines có thể khiến ông Obama gặp khó khăn nhất định trong việc thúc đẩy chiến lược xoay trục sang châu Á.

Nhưng người viết tin rằng, hợp tác ở đây là hai bên cùng có lợi, và phần lợi nghiêng về Philippines nhiều hơn. Một khi Manila không biết trân trọng, thì họ tự đánh mất cơ hội.

Mọi sự thay đổi thái độ của Điện Malacanang không làm thay đổi vai trò, vị thế của Mỹ ở Biển Đông và khu vực, bởi lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ vẫn hiện hữu tại đây. Người viết tin rằng, Washington luôn có phương án thay thế.

Quan sát những hoạt động của ông Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 có thể thấy, đối thoại và thiện chí luôn là điều ông Obama hướng tới, bất chấp sự khác biệt. 

Các cuộc trao đổi thẳng thắn với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan là một minh chứng rõ rệt, Obama là một chính khách đẳng cấp, thân thiện và thực tế.

Người ta càng cố dùng lời lẽ chợ búa và thủ đoạn để hạ bệ Barack Obama, dường như uy tín và ảnh hưởng của ông lại càng lên cao.

RELATED ARTICLES

Tin mới