Dư luận trong những ngày qua bàn luận nhiều đến hai quốc gia “cường quốc” hàng đầu thế giới – Mỹ và Trung Quốc. Một là, hàng đầu thế giới trong phát thải khí nhà kính; hay nói thô thiển là nước làm ô nhiễm môi trường không khí nhiều nhất. Hai là, hàng đầu trong việc ký kết Hiệp định Biến đổi khí hậu Paris COP21.
Lãnh đạo thế giới hoan nghênh việc thông qua thỏa thuận tại COP21. Ảnh Reuters.
Hẳn nhiều người trên thế giới còn nhớ lại niềm vui dấy lên ở Paris những ngày cuối tháng 12 năm 2015 vừa qua. Đó là thời điểm đông đảo các nhà lãnh đạo từ hầu hết các quốc gia trên thế giới hội tụ về thủ đô nước Pháp cùng bày tỏ hoan nghênh bản Thỏa thuận Hiệp định quan trọng của Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP21.
Điểm nổi bật và chủ yếu trong bản Thỏa thuận Hiệp định có ý nghĩa to lớn với đời sống nhân loại là: Quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5 – 2 độ C so với mức thời kì tiền công nghiệp. Hay giới hạn nhiệt độ Trái Đất tăng dưới mức 2 độ C.
Ngoài ra, Thỏa thuận Hiệp định còn đặt mục tiêu quan trọng khác là: từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch; chẳng hạn giảm thiểu nhiệt điện than, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau khi văn bản về thỏa thuận khí hậu với những mục tiêu quan trọng nói trên vừa được thông qua cuối năm 2015 tại Pháp, nhiều nhà lãnh đạo thế giới ngay lập tức bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận này. Đặc biệt, nước chủ nhà hay chính phủ Pháp khẳng định đây là một thỏa thuận công bằng, bền vững và có tính ràng buộc về pháp lý.
Tuy nhiên, việc thông qua (bằng biểu quyết) bản Thỏa thuận Hiệp định chỉ mới là giai đoạn đầu tiên và chưa có hiệu lực ràng buộc thực hiện. Công đoạn tiếp theo cần thiết và có tính quyết định; đó là khi các nước trên thế giới tiến hành ký kết chính thức vào văn bản đã thỏa thuận nói trên. Chỉ sau khi được ký kết, Bản Thỏa thuận Hiệp định này mới trở thành có giá trị pháp lý để buộc các quốc gia phải có các biện pháp cụ thể nhằm hạn chế lượng khí thải gây ra biến đổi khí hậu trên trái đất.
Và điểm quan trọng là bản Thỏa thuận Hiệp định sẽ chỉ có hiệu lực khi có ít nhất 55 quốc gia và lượng khí thải chiếm ít nhất 55% toàn cầu phê chuẩn. Lấy ví dụ, ở một thời điểm nào đó trong quá trình lấy chữ ký, nhưng chỉ mới có dưới 23 quốc gia phê chuẩn hoặc có số quốc gia nhiều hơn phê chuẩn nhưng họ chỉ mới chiếm 1,08% lượng khí phát thải toàn cầu, kết quả là bản Hiệp định bấy giờ vẫn chưa có hiệu lực chính thức.
Rồi thời điểm chờ đợi cũng đã đến. Chỉ đến thời điểm này, đúng ngày 3/9/2016, khi 3 phần 4 của năm 2016 chờ đợi đã đi qua, tại Hàng Châu hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ; đều là hai cường quốc cả về kinh tế và cả về phát thải khí nhà kính (hay “khí bẩn”) mới xuất hiện.
Sự có mặt hai nước này và chữ ký của họ bắt đầu làm lệch hẳn cán cân so sánh. Ai cũng biết, hai nước lớn này có lượng phát khí thải thuộc loại “vô địch” thế giới, và với sự bổ sung của hai nước, tổng số các quốc gia phê chuẩn cũng “vượt” con số 55.
Vậy là, hai vị cầm đầu hai nước Trung Quốc và Mỹ, trong cùng một ngày 3/9/2016, đã chính thức tham gia phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu – văn kiện quốc tế quan trọng có tính ràng buộc pháp lý trong việc kiểm soát khí thải sau năm 2020.
Sự kiện này tiến hành cùng thời gian diễn ra Hội nghị về kinh tế ở Hàng Châu, Trung Quốc. Nhân dịp đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng nhau trao cho Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon các văn kiện chứng thực Mỹ và Trung Quốc đã phê chuẩn Hiệp định Paris và tiến hành các bước cần thiết để tham gia Hiệp định.
Và sau những thời điểm quý hiếm và mang tính quyết định đó, Tổng thống Obama phát biểu: Chống biến đổi khí hậu không phải là một cuộc chiến mà một quốc gia dù mạnh đến đâu cũng có thể một mình chiến đấu. Theo ông, hiệp định Paris là cơ hội duy nhất và tốt nhất để bảo vệ hành tinh.
Tiếp theo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp lời: Việc đối phó với biến đối khí hậu liên quan đến tương lai của người dân mỗi nước cũng như của loài người. Hy vọng quyết định của hai nước sẽ thúc giục thêm nhiều quốc gia cùng hành động.
Rõ ràng, trong quá trình hình thành Thỏa thuận Hiệp định quan trọng của Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP21 và đặc biệt trong quá trình thu thập chữ ký từ các nguyên thủ quốc gia, các nguyên thủ của hai quốc gia “cường quốc” Mỹ và Trung Quốc đóng vai trò nổi bật hàng đầu.
Hàng đầu trong các quốc gia “phát thải” khí nhà kính! Và cũng hàng đầu trong vai trò đưa bản Thỏa thuận Hiệp định COP21 đi vào hiệu lực!