Trong 18 doanh nghiệp hiện đang cung cấp linh kiện, phụ tùng cho Toyota Việt Nam chỉ có 2 công ty Việt chen chân được vào.
Tin vui từ nhiều năm trước
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực ô tô Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 7/9. Trong số đó, Công ty TNHH Tâm Hợp kiếm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhờ cung ứng linh kiện, phụ tùng cho hãng ô tô Toyota.
GS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên bộ môn Ô tô và xe chuyên dụng, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, đây là một tin vui dù doanh nghiệp Việt mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng ô tô đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp liên quan đến nhựa, gương, kính…
“Thực ra đây đã là tín hiệu vui của những năm trước kia. Còn bây giờ Nhật Bản đã đưa sang một hệ thống công nghiệp phụ trợ, tất nhiên là không hoàn thiện”, ông cho biết.
Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Hợp tại hội thảo trên cũng cho thấy, công ty ông đã ký được đơn hàng đầu tiên với Toyota từ năm 1998. Từ đó đến nay, công ty sống khỏe nhờ cung cấp linh kiện cho hãng ô tô này.
“Nhiều lúc chúng tôi muốn bỏ cuộc vì phải đầu tư lớn. Yêu cầu họ đưa ra lại khắt khe, sản phẩm phải sản xuất bằng công nghệ có độ chính xác cao, đảm bảo 100 sản phẩm như một, rồi phải đúng tiến độ giao hàng. Thế nhưng khi chúng tôi quyết tâm làm thì các chuyên gia Nhật hướng dẫn tận tình”, ông Hoàng nói.
Trong khi đó, lý giải việc từ “những năm trước kia” đến bây giờ một số doanh nghiệp Việt vẫn chỉ dừng ở việc sản xuất những linh kiện, phụ tùng đơn giản phụ trợ cho ô tô, GS Trai cho rằng, từ năm 2008 đến nay, khủng hoảng kinh tế thế giới khiến các doanh nghiệp Việt khó vươn lên, do đó họ phải mất một giai đoạn khoảng 10-15 năm để khôi phục và đến bây giờ vẫn chưa khôi phục lại nổi vì Việt Nam đang chuyển sang một nền kinh tế đặc biệt hơn giai đoạn trước kia với một tư duy khác. Chính vì thế các doanh nghiệp phải làm quen dù Việt Nam đã kích thích công nghiệp phụ trợ rất nhiều.
Hơn nữa, doanh nghiệp tư nhân bỏ đồng vốn ra làm thì phải xem đồng vốn ấy mất đi hay nhân lên. Nếu nhân lên thì họ làm và nếu mất đi thì họ làm cái khác”.
Việt Nam chưa đủ lực
Từ trước đến nay, nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển ngành công nghiệp ô tô trước tiên phải tập trung sản xuất các linh kiện, phụ tùng phụ trợ cho ô tô trước. Tuy nhiên, nhiều năm qua Việt Nam lại làm ngược khi chỉ quan tâm và tập trung vào lắp ráp ô tô, trong khi đây là khâu cuối cùng của quá trình sản xuất, thậm chí nó được coi là quá trình của việc buôn ô tô là chính.
Dù vậy, GS.TS Nguyễn Khắc Trai bày tỏ điều này không hoàn toàn đúng, mà chủ yếu do Việt Nam chưa đủ lực để làm.
“Đủ lực ở đây không phải là Nhà nước, Nhà nước chỉ điều hành bằng chính sách, còn bản thân các nhà đầu tư Việt Nam hay doanh nghiệp Việt Nam có giàu thì mới dám bỏ tiền cho ô tô vì đây là khu vực hoàn vốn rất lâu. Trang thiết bị bây giờ rất hiện đại, doanh nghiệp không mua về thì không làm nổi và không thể làm phụ trợ được. Chính vì thế, bài toán ở đây vẫn quẩn quanh ở chuyện doanh nghiệp Việt chưa đủ lớn, chính sách của Nhà nước chưa đủ mạnh để khuyến khích được họ. Đó là hai nguyên nhân cơ bản, còn nhu cầu trong nước lúc nào cũng cần”, vị chuyên gia về công nghiệp ô tô chỉ rõ.
Nói thêm về việc Việt Nam chưa đủ lực để làm công nghiệp ô tô, GS Trai cho biết, công nghiệp ô tô chia thành 3 mảng lớn: công nghệ cơ khí truyền thống chính xác cao; các linh, phụ kiện đơn giản như gương, kính, điện… phụ trợ cho ô tô về mặt hình thức và động cơ là phần “xương xẩu” nhất.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có hệ thống cơ khí truyền thống chính xác cao, chưa có công nghiệp động cơ. Doanh nghiệp Việt mới chỉ “lăn” vào làm công nghiệp phụ trợ giá rẻ và mang tính phụ trợ cho ô tô.
“Muốn đi vào công nghiệp sản xuất động cơ, sản xuất hệ thống truyền lực đòi hỏi Việt Nam phải có ngành công nghiệp luyện kim rất mạnh, từ đó mới có khai khoáng. Hiện khai khoáng của Việt Nam chẳng qua mới chỉ là bán sản phẩm thô cho nước ngoài mà không có gì cả.
Công nghiệp ô tô muốn hình thành phải đi theo đường đi nước bước dần dần, thị trường phải có trước rồi mới nói đến công nghiệp. Nhưng Việt Nam chưa có gì nên chưa thể có được công nghiệp ô tô”, GS.TS Nguyễn Khắc Trai kết luận.