Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Khắc Cường, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, dự Hội chợ Trung Quốc – ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc – ASEAN lần thứ 13 tại Nam Ninh, Trung Quốc từ ngày 10 – 15 tháng 9 năm 2016.
Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4 năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm lần này có Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa và nhiều lãnh đạo các bộ, ngành khác. Chuyến thăm nhằm định hướng phát triển mối quan hệ song phương, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác cũng như giải quyết một số vấn đề chung giữa hai bên, trong đó có các dự án giao thông giữa hai nước.
Hồi tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 11 tại Ulan Bator (Mông Cổ).
Tại cuộc gặp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và đi sâu hội nhập quốc tế; coi trọng phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Trung Quốc.
Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc” do hai Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10/2011; thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình; thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Cũng tại cuộc gặp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định lại lập trường của Việt Nam về vụ kiện trọng tài Biển Đông.
Về phần mình, tại cuộc gặp ở Ulan Bator, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Việt Nam; sẵn sàng cùng với Việt Nam tăng cường trao đổi chiến lược, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao về vấn đề trên biển, kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
Hội chợ CAEXPO và Hội nghị CABIS được Trung Quốc và 10 nước ASEAN đồng tổ chức định kỳ hàng năm tại TP Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây. Khoảng 130 DN Việt Nam với 250 gian hàng sẽ tham gia tại hội chợ trên diện tích khoảng 5.000 m2, quy mô chỉ sau nước chủ nhà Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ cùng chủ trì lễ khai mạc CAEXPO và CABIS.
Hiện, kim ngạch thương mại song phương Việt – Trung 7 tháng đầu năm 2016 đạt 38,18 tỷ USD, tăng 1,18% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm nay, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng với 127 dự án mới, số vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 537,6 triệu USD. Lũy kế đến hết tháng 7/2016, Trung Quốc (không kể Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao) có 1.500 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký là 10,86 tỷ USD, đứng thứ 9/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.