Chúng ta dừng lại ở việc phân tích đúng, sai theo luật pháp quốc tế, theo UNCLOS 1982 là đủ. Bạn cũng sẽ có sự đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề.
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về những phát biểu gây chú ý của Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề Biển Đông.
Để rộng đường dư luận và cung cấp thêm cho quý bạn đọc một góc nhìn pháp lý quốc tế xung quanh phát biểu đó, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết này.
Văn phong và nội dung bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.
Mấy ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm đến những phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói về Biển Đông trong cuộc họp báo bên lề hội nghị G-20 tại Hàng Châu, Trung Quốc.
Nói về Phán quyết của Tòa Trong tài theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 trong vụ kiện Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc, Tổng thống Putin cho biết:
“Đây không phải là một vấn đề chính trị, mà là thuần túy pháp lý. Nó có liên quan đến một thực tế rằng bất kỳ một thủ tục tố tụng trọng tài nào đều phải được khởi xướng bởi các bên tranh chấp, trong khi Tòa Trọng tài cần nghe những lập luận và quan điểm của các bên tranh chấp.
Như bạn đã biết, Trung Quốc đã không chấp nhận giải quyết qua cơ chế trọng tài ở Lahay và không ai nghe thấy lập trường của họ ở đó. Làm thế nào bạn có thể nhận thấy những phán quyết này là công bằng?”
Phát biểu này gây chú ý rộng rãi vì nó xuất phát từ nguyên thủ một quốc gia được mến mộ, kính trọng bởi đại đa số nhân dân Nga và cộng đồng quốc tế; trong đó không thể không kể đến người dân Việt Nam.
Nhất là với những người đã từng có thời gian sống, học tập, làm việc, chiến đấu bên cạnh những người Nga thông minh, dũng cảm và đôn hậu…, thì những phát biểu này gây ra không ít băn khoăn, thắc mắc.
Để cung cấp thêm cho quý bạn đọc một góc nhìn pháp lý về sự kiện này, tôi xin mạn phép có đôi lời bình luận sau đây:
Đầu tiên tôi rất đồng tình và thán phục với ý kiến của Tổng thống Nga Vladimir Puttin rằng: “Đây (Phán quyết Tòa Trọng tài) không phải là một vấn đề chính tri, mà là thuần túy pháp lý”.
Nếu chỉ dừng lại ở câu nhận xét đầu tiên này thì quả thật đây đúng là ý kiến quá chuẩn, xứng tầm của một chính trị gia có đẳng cấp, có bản lĩnh, khác xa với một số phát biểu phụ họa chiến lược tuyên truyền của Trung Quốc từ một số chính khách khác.
Trước đây chúng ta đã từng được nghe họ nhận xét rằng, nội dung thụ lý của Hội đồng Trọng tài chỉ là một vấn đề mang động cơ chính trị nhằm bôi nhọ Trung Quốc, chia rẽ hợp tác giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc.
Đã là vấn đề thuần túy pháp lý thì chỉ có đúng hoặc sai, căn cứ theo các quy định và thực tiễn của luật pháp quốc tế đương đại. Cụ thể trong trường hợp này là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Chính vì điều đó, điều đáng tiếc mà tôi buộc phải nói rằng câu tiếp theo của Tổng thống Putin lại sai, nhầm lẫn so với quy định của UNCLOS 1982.
Trước khi bàn đến nguyên nhân tại sao vị Tổng thống đáng kính này lại có nhận xét tiếp theo như vậy, tôi xin được nêu rõ luận điểm thứ 2 của ngài Putin sai ở chỗ nào.
Vấn đề pháp lý trong phát biểu của Tổng thống Putin
Căn cứ vào các quy định của UNCLOS 1982 có liên quan đến nội dung và thủ tục Trọng tài được nêu tại Phụ lục VII, VIII thì không phải “bất kỳ một thủ tục tố tụng trọng tài nào đều phải được khởi xướng bởi các bên tranh chấp.”
Bởi vì chúng tôi xin một lần nữa nhấn mạnh, nội dung đơn khởi kiện của Philippines là kiện về việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982.
Philippines không kiện về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, cũng không kiện Trung Quốc về việc phân định ranh giới vùng biển và thềm lục địa chồng lấn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi họp báo tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: Sputnik News. |
Cụ thể là UNCLOS 1982 quy định, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình, trước hết là cùng nhau đàm phán thương lượng để giải quyết tranh chấp, theo Điều 279, Điều 283, Điều 284.
Nếu nỗ lực đàm phán thương lượng không thành thì các bên được quyền lựa chọn một hoặc các phương thức giải quyết tranh chấp thông qua các Cơ quan tài phán sau:
1) Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) theo Phụ lục VI của UNCLOS 1982.
2) Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
3) Hội đồng Trọng tài, thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982.
4) Hội đồng Trọng tài Đặc biệt, thành lập theo Phụ lục VIII của UNCLOS 1982 (Điều 287).
Tuy nhiên, thẩm quyền thụ lý đơn kiện cũng phải căn cứ vào nội dung đơn kiện, không phải bất kỳ nội dung kiện tụng nào cũng đều thuộc thẩm quyền của các Cơ quan tài phán quốc tế này.
Trước khi đệ đơn kiện lên Tòa Trọng tài, Philippines đã nỗ lực đàm phán, thương lượng với Trung Quốc để giải quyết một số tranh chấp liên quan giữa 2 bên, nhất là tranh chấp liên quan đến khu vực bãi cạn Scarborough, nhưng không có kết quả.
Theo thủ tục pháp lý quy định tại Phụ lục VII, UNCLOS 1982, Philippines có quyền đơn phương đệ đơn kiện Trung Quốc với nội dụng có liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982.
Đó là nội dung thuộc thẩm quyền thụ lý, xét xử của Hội đồng Trọng tài theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982, được thành lập bởi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) mà Philippines lựa chọn nộp đơn.
Trong vụ kiện của Philippines, mặc dù bị đơn Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS 1982, nhưng họ tuyên bố viện dẫn các ngoại lệ để loại bỏ thẩm quyền thụ lý vụ án của các Cơ quan tài phán nói trên đối với các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các Điều 15, Điều 74 và Điều 83.
Đó là các điều khoản quy định về phân định ranh giới biển, liên quan đến vịnh, các hoạt động quân sự và các hoạt động khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (theo Điều 298 UNCLOS).
Trong bối cảnh này, nguyên đơn là Philippines buộc phải chứng minh được rằng, nội dung đơn kiện của họ là nhằm vào việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982 để biện minh cho yêu sách của họ trong Biển Đông.
Vì vậy nội dung đơn kiện của Philippines hoàn toàn thuộc thẩm quyền giải quyết của các Cơ quan tài phán quốc tế. Các viện dẫn của Trung Quốc không phải là ngoại lệ loại trừ thẩm quyền tài phán của các Cơ quan này.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục hành xử bất chấp luật pháp quốc tế và vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích chính đáng của Philippines trong Biển Đông.
Họ vẫn tiếp tục luận điểm “tránh quốc tế hóa vụ việc” mà ưu tiên giải quyết các tranh chấp này thông qua đàm phán song phương, tìm cách bác bỏ thẩm quyền tài phán của Hội đồng Trọng tài theo Phụ lục VII hay bất kỳ Cơ quan tài phán nào theo cơ chế UNCLOS 1982.
Đồng thời, Trung Quốc đã viện dẫn Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để lập luận rằng, đơn kiện của Philippines đã vi phạm các nguyên tắc trong DOC được nêu tại Điều 5:
Các nước thành viên được yêu cầu giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, không được đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán giữa các quốc gia có liên quan.
Đây có lẽ là cách Trung Quốc lẩn tránh ràng buộc pháp lý đối với phán quyết của Hội đồng Trọng tài có thể gây bất lợi cho mình.
Nhưng, động thái đơn phương khởi kiện của Philippines là giải pháp tối ưu hóa và hợp pháp hóa theo chuẩn mực quốc tế, sau khi nỗ lực thương lượng hòa bình không thành công.
Vì vây, quy trình tố tụng trọng tài quốc tế đã tiếp tục khi Philippines đệ trình đầy đủ hồ sơ vụ kiện lên Hội đồng Trọng tài mà không bị tác động bởi việc Trung Quốc có tham gia tố tụng, hoặc có đệ trình phản tố hay không, theo quy định tại Điều 9, Phụ lục VII, UNCLOS 1982.
Cụ thể Điều 9 quy định, sự vắng mặt hay không thực hiện quyền phản tố của một bên không ảnh hưởng đến thủ tục tố tụng và phán quyết của Hội đồng Trọng tài.
Theo thời hạn ấn định của Hội đồng Trọng tài, vào ngày 30/3/2014 nguyên đơn Philippines đã nộp bổ sung luận cứ đầy đủ 4.000 trang cho toàn bộ vụ kiện của mình.
Tài liệu này bao gồm các nội dung yêu cầu Hội đồng Trọng tài tuyên bố khẳng định thẩm quyền tài phán của Trọng tài và các yêu cầu bồi thường khác.
Những nội dung mà tôi đề cập, phân tích trên đây hy vọng có thể giúp bạn đọc đánh giá một cách khách quan về nhầm lẫn pháp lý trong phát biểu của Tổng thông Nga Puttin.
Tuy nhiên, dư luận đang thắc mắc và cần tìm câu trả lời rằng, phải chăng đây là sai lầm do thiếu thông tin hay vì một lý do nào khác?
Vấn đề chính trị trong phát biểu của Tổng thống Putin
Như mọi người đều biết, tranh chấp trong Biển Đông hiện nay đang tồn tại nhiều loại phức tạp, trong đó có những tranh chấp xuất phát từ việc giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982, và những hành động phiêu lưu quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc đang theo đuổi.
Tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ là một loại tranh chấp nổi bật, nhưng không phải là tất cả các tranh chấp đang tồn tại trong Biển Đông.
Việc phân loại các tranh chấp này với diễn biến và đánh giá khác nhau sẽ có liên quan đến chủ trương và cách ứng xử của các bên liên quan, trong quan hệ với Trung Quốc, cũng như với các quốc gia khác trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là với các “siêu cường”.
Các tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ trên biển, tranh chấp về việc giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982…thường đan xen chồng chéo, khiến dư luận quan tâm và có nhiều quan niệm lệch lạc, do vô tình hay cố ý.
Nhất là nhận thức về bản chất các tranh chấp này đánh đồng chúng thành một loại – “tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ”, trong đó có những tuyên bố gây tranh cãi từ Liên bang Nga gần đây.
Vì vậy, thường gây nên tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” khi PCA và dư luận quốc tế đang đấu tranh bảo vệ UNCLOS 1982, bảo vệ hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không qua Biển Đông.
Đây cũng chính là bảo vệ các quyền và lợi ích chung của khu vực và quốc tế.
Trong khi đó, để lẩn tránh nghĩa vụ của mình, Trung Quốc tìm mọi cách ngụy biện rằng đó là “tranh chấp chủ quyền” để lấy đó làm cớ “không tham gia, không chấp nhận, không thừa nhận” phán quyết của Hội đồng Trọng tài theo Phụ lục VII, UNCLOS1982.
Đúng lúc đó phía Nga lại liên tục lên tiếng về “tranh chấp chủ quyền” ở Biển Đông, đặc biệt là việc chống quốc tế hóa, chống bên thứ ba can thiệp, kêu gọi phủ nhận Phán quyết Trọng tài, công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
Mặc dù Tổng thống Vladimir Putin khẳng định rằng, đây chỉ là vấn đề pháp lý, nhưng cách ứng xử nói trên của Nga với vấn đề Biển Đông thì lại cho thấy yếu tố ngược lại.
Phải chăng vì những lý do về địa- chiến lược, địa- chính trị, địa-kinh tế …mà khu vực Biển Đông không còn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nga, khiến Moscow không nắm rõ bản chất các tranh chấp?
Và phải chăng những thông tin Biển Đông mà phía Nga tiếp nhận gần đây không phản ánh đúng bản chất vấn đề, bị thiên lệch, chủ yếu là do phía Trung Quốc cố ý cung cấp một cách thiếu khách quan?
Như mọi người đã biết, Trung Quốc không ngừng rêu rao rằng: Vấn đề tranh chấp trên Biển Đông hiện nay thực chất là “tranh chấp chủ quyền / lãnh thổ”, nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế.
Không riêng Nga, ngay cả một số quốc gia ASEAN trực tiếp hay gián tiếp liên quan, cũng vẫn còn có những nhận thức lệch lạc về bản chất của các tranh chấp trong Biển Đông.
Những quốc gia này vẫn còn mơ hồ về các loại tranh chấp trong khi quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình bị xâm hại trực tiếp hay gián tiếp bởi những hoạt động của Trung Quốc đang diễn ra ngày càng trắng trợn ở bên trong đường “lưỡi bò”.
Có lẽ đây cũng chính là hiện tượng mà chúng ta không thể không suy ngẫm, nếu không muốn nói là đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay.
Tất nhiên không loại trừ khả năng Nga có những tính toán của riêng mình trong bối cảnh quốc tế hiện nay, khi đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi về Biển Đông.
Đặc biệt là cạnh tranh Nga- Mỹ ngày càng gay gắt, Nga chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc khủng hoảng Ukraine, Syria và cần có tiếng nói, sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc.
Vì vậy, “luật pháp quốc tế” theo cách hiểu của Nga cũng như Trung Quốc hiện nay, đã bị chi phối bởi sự tranh giành khốc liệt về lợi ích địa- chiến lược, địa- chính trị, địa- kinh tế trên phạm vi toàn cầu mà Nga đang ở trong hoàn cảnh rất khó khăn.
Do đó thiết nghĩ khi tiếp nhận những tuyên bố từ Nga hay Tổng thống Putin về Biển Đông, người Việt Nam chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh của bạn, hết sức thông cảm và chia sẻ với bạn bè truyền thống “ân sâu nghĩa nặng”.
Chỉ có điều, không vì thế mà chúng làm ngơ không phân tích đúng, sai theo những chuẩn mực của luật pháp quốc tế hiện đại, bởi nó chứa đựng những nguy cơ làm tổn hại đến các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam, của các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới.
Và chúng ta dừng lại ở việc phân tích đúng, sai theo luật pháp quốc tế, theo UNCLOS 1982 là đủ. Bạn cũng sẽ có sự đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề. Đó chính là trách nhiệm cung cấp thông tin của chúng ta, một bên liên quan trực tiếp.
Cái gì dư luận quốc tế hiểu chưa đúng, chúng ta phải giải thích và cung cấp tài liệu, bằng chứng, lập luận thuyết phục, chứ không thể đòi hỏi người khác phải hành xử như chúng ta muốn và coi đó là trách nhiệm mặc nhiên của họ, còn chúng ta vô can.