Sunday, November 17, 2024
Trang chủĐiểm tinKim Jong-un không chịu các nước lớn

Kim Jong-un không chịu các nước lớn

Ý tưởng của ông Kim Jong-un có thành hay không còn phải xem ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng sau 4 tháng nữa. Nếu là Donald Trump, khả năng ấy sẽ cao hơn.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, ảnh: SCMP.

Nikkei Asian Reviews ngày 9/9 đưa tin, CHDCND Triều Tiên nói rằng, họ thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của mình hôm 9/9 là một trong những nỗ lực tốn kém để duy trì sự tồn tại của mình trước nguy cơ tiếp tục bị cô lập từ cộng đồng quốc tế.

Vụ thử hạt nhân lần này được xem như phản ứng của Bình Nhưỡng chống lại quyết định Mỹ sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, được đưa ra trong tháng Bảy vừa qua.

Lần thử hạt nhân gần nhất diễn ra vào tháng Giêng năm nay. Và lần này cũng là lần đầu tiên Triều Tiên thử hạt nhân 2 lần trong một năm.

Tuy nhiên theo người viết, vụ thử hạt nhân lần này của Bình Nhưỡng không chỉ đơn thuần chống lại quyết định bố trí THAAD của Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, mà là một chiến lược nhằm tìm cách thoát khỏi vòng kiềm tỏa của các siêu cường, tìm cách vươn ra hội nhập với thế giới.

Phát triển hạt nhân để tạo sức ép buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán

Theo hãng thông tấn Mỹ AP, tháng Năm vừa qua, tại Đại hội 7 đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đọc Báo cáo Chính trị tuyên bố rằng, CHDCND Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm, sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, từ khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa.

Ông nói Bình Nhưỡng sẵn sàng phát triển quan hệ hữu nghị “ngay cả với các nước từng là thù địch trong quá khứ”, một ám chỉ nhắm đến Hoa Kỳ.

Tuy nhiên ông Kim Jong-un cũng nói rằng, CHDCND Triều Tiên sẽ không đơn phương từ bỏ chương trình hạt nhân trước áp lực quốc tế nhằm làm suy yếu hoặc lật đổ chế độ hiện nay.

Kim Jong-un khẳng định: “Triều Tiên sẽ chân thành thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và nỗ lực hướng tới mục tiêu loại trừ vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn thế giới”.

Về vấn đề thống nhất hai miền bán đảo, ông Kim Jong-un nhấn mạnh sự cần thiết của các cuộc đàm phán để giảm bớt hận thù xuyên biên giới, thống nhất đất nước thành một hệ thống liên bang.

Đại hội 7 đảng Lao động Triều Tiên cũng xác định mục tiêu phấn đấu “hướng tới” một nền kinh tế thịnh vượng và hiện đại hơn.

Theo AP, mặc dù CHDCND Triều Tiên được cho là đã đạt tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực họ gọi là răn đe hạt nhân, nền kinh tế quốc gia này vẫn đang trong quá trình hồi phục sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu những năm 1990.

Hiện tại kinh tế của Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều vào các hoạt động thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên ông Kim Jong-un không công bố bất kỳ kết hoạch nào cho thấy sự cải cách, mở cửa thị trường.

Có thể thấy rằng, CHDCND Triều Tiên là quốc gia biệt lập nhất thế giới hiện nay, hầu hết thông tin về quốc gia này đều được cung cấp ra thế giới bên ngoài từ 2 nguồn duy nhất, là hãng thông tấn trung ương KCNA và tình báo, truyền thông Hàn Quốc.

Theo Wikipedia, trước những năm 1990, CHDCND Triều Tiên được xem là có nền kinh tế phát triển và nổi bật hơn Hàn Quốc, với bạn hàng chính là Liên Xô và khối Xã hội chủ nghĩa. Sau khi Liên Xô tan rã, kinh tế Triều Tiên bắt đầu rơi vào khó khăn, tăng trưởng chững lại cho đến nay.

Vì vậy người viết cho rằng, đổi mới mở cửa hội nhập với phần còn lại của thế giới gần như đang là nhiệm vụ sống còn đang đặt ra đối với các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. 

Tuy nhiên đổi mới thế nào, hội nhập ra sao khi các nước lớn luôn coi Bình Nhưỡng là quân cờ chiến lược và họ luôn tìm cách kiềm tỏa, thao túng?

Hội nhập ra sao với một thế giới thiếu lòng tin vì những hành động và phát ngôn gây sốc từ CHDCND Triều Tiên, thiếu hụt thông tin hoặc thông tin không chính xác? 

Còn bản thân các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên thì luôn lo lắng nguy cơ bị “các thế lực thù địch” lật đổ. Trong bối cảnh đó, phát triển vũ khí hạt nhân để gây sức ép buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán đã trở thành lựa chọn của ông Kim Jong-un.

Bởi lẽ cho đến nay hai miền bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ cuộc chiến 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định đình chiến.

Đàm phán với Mỹ có lẽ là mục tiêu cao nhất của Bình Nhưỡng lúc này, mà không phải là với Seoul hay Bắc Kinh.

CHDCND Triều Tiên trong tính toán, trên bàn cờ của các siêu cường

Đối với Hoa Kỳ, ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên năm 2009, Tổng thống Obama đã đặt kỳ vọng đàm phán trực tiếp với Triều Tiên trong diễn văn nhậm chức. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đáp lại đề nghị này bằng một vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân trong tháng Tư, tháng Năm 2009.

Nikkei Asian Review ngày 9/9 nhận định, Bình Nhưỡng muốn thông qua chương trình hạt nhân của mình để tìm kiếm một sự bảo đảm từ Mỹ. Tuy nhiên, Washington đã miễn cưỡng tham gia vào các cuộc đàm phán trực tiếp với CHDCND Triều Tiên.

Người viết cho rằng, trong 2 nhiệm kỳ của mình Tổng thống Barack Obama đã rất thành công trong chính sách đối ngoại, với việc xử lý hậu quả cuộc chiến Afghanistan, Iraq do người tiền nhiệm để lại, bình thường hóa quan hệ với Cuba, đạt được thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân với Iran.

Tuy nhiên ông Obama vẫn chưa có ý định làm điều tương tự với CHDCND Triều Tiên. Lý do sâu xa của việc này, theo người viết không nằm ở bản thân chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, mà là Trung Quốc.

Chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương mà ông Obama theo đuổi cho thấy, Trung Quốc đang nổi lên như một đối thủ đe dọa vị thế toàn cầu của Hoa Kỳ. 

2 đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ ở Đông Á giúp Mỹ canh chừng các động thái của Trung Nam Hải là Hàn Quốc, Nhật Bản đều chỉ cần chiếc ô an ninh của Mỹ khi nào “mối đe dọa” từ CHDCND Triều Tiên còn tồn tại.

Bắt tay với Bình Nhưỡng lúc này, đồng nghĩa với việc chặt đứt sợi dây cố kết quan hệ đồng minh với Hàn, Nhật.

Obama có lẽ đã rất bực khi bà Park Geun-hye xuất hiện trên lễ đài Thiên An Môn ngày 3/9 năm ngoái, cùng Putin, Tập Cận Bình dự lễ duyệt binh.

Chính CHDCND Triều Tiên đã giúp Obama kéo nhà lãnh đạo Hàn Quốc quay trở lại bằng  vụ thử hạt nhân thứ 4 hồi tháng Giêng, dẫn đến quyết định triển khai THAAD tại Hàn Quốc.

Còn chính quyền Hàn Quốc hiện này dường như không mặn mà gì với việc thống nhất hai miền bán đảo.

Đối với Trung Quốc, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Hàn Quốc, có lẽ Bình Nhưỡng đã ý thức được rằng thời cuộc đã đổi thay, lợi ích là nhân tố duy nhất chi phối quan hệ Trung – Triều.

Khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền tại Trung Quốc và nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền ở Triều Tiên, quan hệ Trung – Triều ngày càng xấu đi.

Cho dù về kinh tế, Triều Tiên cơ bản phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng các chính sách đối nội và đối ngoại, ông Kim Jong-un luôn duy trì sự độc lập gần như tuyệt đối.

Đó là lý do tại sao hoạt động đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên do Bắc Kinh khởi xướng đã bị Bình Nhưỡng ném vào sọt rác.

Đó cũng là lý do tại sao Bình Nhưỡng phóng 3 quả tên lửa đạn đạo sáng thứ Hai 5/9, khi ông Tập Cận Bình và bà Park Geun-hye vừa có cuộc hội đàm bên lề G-20 tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Có lẽ 3 quả tên lửa đạn đạo phóng hôm 5/9 và vụ thử hạt nhân hôm 9/9 dường như là thông điệp ông Kim Jong-un gửi đến cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ: Đừng nghĩ CHDCND Triều Tiên là con tốt để ai đó thích “gí đâu thì gí”!

Bắc Kinh có lẽ chẳng ưa gì ông Kim Jong-un, nhưng cũng không thể làm gì hơn ngoài việc duy trì hiện trạng mập mờ, bởi đó là lựa chọn lợi nhất cho Trung Quốc.

Triều Tiên mà bắt tay với Mỹ, chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh mất con bài trọng lượng để mặc cả với Mỹ, Nhật, Hàn.

Nếu quả thực như vậy, ý tưởng của ông Kim Jong-un có thành hay không còn phải xem ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng sau 4 tháng nữa. Nếu là Donald Trump, khả năng ấy sẽ cao hơn là bà Hillary Clinton.

RELATED ARTICLES

Tin mới