Phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy mong muốn của Bắc Kinh “hợp thức hóa mối quan hệ đã tồn tại và nghĩa vụ với nhau”.
Lính Trung Quốc tập trận đổ bộ chiếm đảo, ảnh minh họa: SCMP.
Đó là câu hỏi được Sputnik News đặt ra trong bài viết đăng ngày 9/9. Sputnik News cho hay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Nga tăng cường hợp tác song phương toàn diện, hỗ trợ lẫn nhau về chính trị trong cuộc họp với Tổng thống Putin bên lề hội nghị G-20.
Sputnik News dẫn lời nhà phân tích chính trị Rostislav Ishchenko, người đứng đầu Trung tâm Hệ thống phân tích – dự báo nói với RIA Novosti:
“Trên thực tế một liên minh chính trị và quân sự giữa Nga và Trung Quốc đã tồn tại trong một thời gian dài và nó không phải là một bí mật với bất kỳ ai.
Tin đồn đã nhiều lần nổi lên rằng, điều này có thể sẽ được chính thức hóa.
Tuy nhiên tại hội nghị thượng đỉnh G-20 gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc lần đầu tiên đề cập đến sự cần thiết phải “chính thức hóa quan hệ”, công khai như sự thừa nhận của truyền thông và chính trị Trung Quốc”.
Ishchenko tin rằng, phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy mong muốn của Bắc Kinh “hợp thức hóa mối quan hệ đã tồn tại và nghĩa vụ với nhau”.
Lời đề nghị của Trung Quốc muốn củng cố tình hữu nghị với Nga nên được xem xét trong bối cảnh địa chiến lược lớn hơn. Đó là vai trò và ảnh hưởng quốc tế của Mỹ.
Những xu hướng địa chiến lược có thể khiến quá trình “chính thức hóa mối quan hệ đồng minh” giữa Nga và Trung Quốc sẽ là một quá trình phức tạp, nhưng một điều ước cuối cùng cũng sẽ được kỳ kết.
Nga muốn tìm kiếm điều gì khi tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông?
Nga và Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung 8 ngày trên Biển Đông từ hôm nay 12/9.
The Interpreter ngày 12/9 bình luận, đây là một quyết định khó hiểu của Moscow khi đưa chiến hạm đến vùng biển “nóng nhất châu Á”, nhất là sau khi có phát biểu của Tổng thống Putin ủng hộ Trung Quốc chống lại Phán quyết Trọng tài.
Sự tham gia của một tàu đổ bộ Nga có lẽ là khía cạnh quân sự đáng chú ý nhất. Theo hải quân Trung Quốc, đổ bộ chiếm đảo là một trong những nội dung của cuộc tập trận chung diễn ra trong tuần này.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Nga khẳng định rằng, Moscow không đứng về phía nào trong các bên “tranh chấp lãnh thổ” ở Biển Đông, nhưng Russia Byond the Headlines ngày 8/8 dẫn lời một số chuyên gia Nga cho hay, thực tế chưa chắc đã phải như thế.
Chuyên gia quân sự Viktor Litovkin nói với tờ báo này:
“(Dù) tình nguyện hay miễn cưỡng, Nga đã ủng hộ tuyên bố của Trung Quốc đối với các quần đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc sẽ cung cấp cho Nga khả năng chống lại các tên lửa SM-3, Tomahawk từ các tàu hải quân Mỹ.”
Washington bảo vệ nguyên tắc tự do hàng hải là mâu thuẫn với (cái gọi là) lợi ích của Trung Quốc trong khu vực.
Các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) sẽ loại bỏ khả năng của các tàu chiến Mỹ trong việc điều hướng tại vùng biển này, Russia Byond the Headlines nhận định.
Alexey Maslove, một nhà nghiên cứu từ trường Higher School of Economics (National Research University), Moscow, Liên bang Nga nhận xét:
“Trong tương lai gần, khu vực này sẽ trở thành “sân nhà” cho cụm tàu sân bay Trung Quốc. Nga gần đây đã cố gắng tăng cường đáng kể hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự với Bắc Kinh.
Mục tiêu hiện tại của cuộc tập trận là để kiểm tra khả năng của các lực lượng hải quân hai nước trong việc hợp tác với nhau, giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị và quân sự trong tương lai.
Tuy nhiên một liên minh như vậy không có khả năng giống như mô hình NATO.”
Theo ông, Bắc Kinh và Moscow phát triển hợp tác trong lĩnh vực quân sự với tốc độ cao hơn nhiều so với hợp tác kinh tế.