Bãi cạn Scarborough được đánh giá là “quân bài thay đổi cuộc chơi” đối với tham vọng kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc.
Các vòng tròn ở mỗi đỉnh tam giác chiến lược, gồm quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough, thể
hiện phạm vi hoạt động của chiến đấu cơ Trung Quốc, bao phủ gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Đồ họa: Quartz
Trong tất cả những điểm nóng tranh chấp ở Biển Đông, bãi cạn Scarborough, rộng hơn 150 km2, nằm cách bờ biển Philippines chưa đầy 240 km, hiện thu hút được sự quan tâm hơn cả, theo Quartz. Giới quan sát từ lâu nghi ngờ Trung Quốc muốn quân sự hóa thực thể này. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Philippines còn công bố các hình ảnh cho thấy tàu Trung Quốc hiện diện dày đặc quanh đây.
Tại nhiều khu vực khác, Trung Quôc vài năm qua cũng ráo riết bồi đắp, biến hàng loạt bãi đá thành đảo nhân tạo và xây dựng trên đó đường băng quân sự, cảng nước sâu, công trình phục vụ hoạt động tuần tra, giám sát… Tất cả đều hướng tới tham vọng tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.
Theo bình luận viên Steve Mollman, nếu thực sự Bắc Kinh nhắm tới mục tiêu độc chiếm Biển Đông, bãi cạn Scarborough có thể là mảnh ghép cuối cùng còn thiếu. Việc đầu tiên Bắc Kinh cần làm là biến Scarborough thành đảo nhân tạo.
Phân tích các bức ảnh do Philippines đưa ra tuần trước, một số nhà quan sát kết luận các tàu Trung Quốc xuất hiện gần bãi cạn Scarborough không mang theo thiết bị nạo vét, vậy nên Bắc Kinh dường như không có ý định cải tạo.
Nhưng những người khác lại đưa ra giả thuyết rằng Trung Quốc bấy lâu nay vẫn có kế hoạch xây dựng ở bãi cạn Scarborough song đã chùn bước sau khi các nhà ngoại giao Mỹ hồi đầu năm kín đáo phát đi tín hiệu rằng hành động ấy có thể khơi dậy tình thế đối đầu. Một kịch bản khác được đặt ra là Trung Quốc đang từng bước đặt nền móng để nhanh chóng tiến hành xây dựng ở Scarborough trong tương lai gần.
Tam giác chiến lược
Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines vào năm 2012. Từ đó đến nay, Bắc Kinh luôn tìm cách hạn chế các phương tiện tiếp cận khu vực, đặc biệt là tàu cá Philippines. Trung Quốc luôn khẳng định không xây dựng tại Scarborough nhưng giới chuyên gia lại không mấy tin tưởng bởi Bắc Kinh trước đây nhiều lần đưa ra những thông báo sai sự thật về hoạt động bồi đắp, cải tạo ở Biển Đông.
Điển hình, Bắc Kinh từng nói chỉ đơn thuần xây dựng lán trại cho ngư dân ở bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhưng nơi đây giờ biến thành một hòn đảo nhân tạo và sở hữu các nhà chứa máy bay, công trình cảng cùng một đường băng quân sự hiện đại.
Nếu thành công trong việc quân sự hóa bãi cạn Scarborough, kết hợp với những tiền đồn tạo lập trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc sẽ tạo ra được một “tam giác chiến lược” giúp họ kiểm soát chặt chẽ toàn bộ Biển Đông, cây bút Mollman từ Quartz nhận định.
Tại Mỹ, nhà lập pháp Dan Sullivan hồi tháng 4 đã cảnh báo về tam giác nguy hiểm này trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện. Trên bản đồ, ông vẽ ra một vòng tròn ở mỗi đỉnh tam giác để thể hiện phạm vi hoạt động của các chiến đấu cơ Trung Quốc. Những vòng tròn chồng lên nhau, bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông.
“Tam giác chiến lược” kể trên cũng tạo điều kiện để Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, Mollman đánh giá. “Rõ ràng Bắc Kinh đang đi đúng theo hướng đó”, ông nhấn mạnh.
Tháng trước, tòa án tối cao Trung Quốc thông báo sẽ áp dụng hình phạt giam giữ một năm đối với bất kỳ ngư dân nào bị bắt khi hoạt động trái phép trong cái gọi là “vùng biển” của nước này dựa theo “đường 9 đoạn”.
Động thái trên được thực hiện sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không nên cải tạo bãi cạn Scarborough hay thiết lập ADIZ ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cuối tháng trước cho biết Trung Quốc còn tìm cách dùng cát đen để bồi đắp ở bãi cạn Scarborough nhưng nỗ lực này đã bị “người Mỹ ngăn chặn”.
Theo Sean Liedman, nhà phân tích quân sự, cựu quan chức hải quân Mỹ, hoạt động quân sự hóa tại Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough có lợi ích to lớn đối với Trung Quốc, giúp Bắc Kinh mở rộng đáng kể phạm vi tác chiến, hệ thống giám sát, hỗ trợ hậu cần cũng như mạng lưới chỉ huy, kiểm soát ở Biển Đông.
Yoji Koda, cựu phó đô đốc thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, hồi tháng một trong bài viết đăng trên tạp chí Asia Policy cũng đánh giá “tam giác chiến lược” Hoàng Sa, Trường Sa, bãi cạn Scarborough “có thể là quân bài thay đổi cuộc chơi đối với cán cân quyền lực khu vực”.