Tất cả các khoản chi trong việc tiếp khách đều cần có hạch toán cụ thể, tránh trường hợp lãnh đạo vung tay quá trán, lãng phí tiền của dân.
Xin thêm 300 triệu đồng trả tiền tiếp khách
Phải giải trình các khoản chi tiêu
Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hải Dương vừa có Tờ trình gửi Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương xin hỗ trợ bổ sung 310 triệu đồng để chi trả cho việc tiếp khách, do đột xuất tiếp nhiều tỉnh đến trao đổi học tập kinh nghiệm, không có nguồn trả nên nợ nhà hàng.
Trước sự việc trên, trao đổi với chúng tôi, ngày 10/9, Luật sư Nguyễn Quốc Thuận – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Đây là vấn đề giữa nguồn ngân sách chi – thu, nhưng các cơ quan này chỉ có chi, chứ không thu.
Câu chuyện này, tự nhiên làm tôi nhớ đến sự việc được một chuyên gia kinh tế kể gần đây, đó là trưởng cơ quan viện trợ của Nhật Bản cho Việt Nam có lần về địa phương, quan chức địa phương mời ông những chai rượu hàng nghìn đôla mà ở Nhật họ cũng không dám uống những chai rượu như thế.
Để thấy rằng, phong cách tiếp đãi khách, cũng như tiêu xài trong các buổi tiệc tùng của quan chức hiện nay là quá lãng phí.
Trong khi, Thủ tướng VN nhắc đi nhắc lại mọi chi tiêu là tiền thuế dân đóng, để có được phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nên tiêu 1 đồng cũng phải nhớ đến dân”.
Riêng về việc Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hải Dương, xin thêm hơn 300 triệu đồng, tiền chi cho việc tiếp khách, theo ông Thuận, đây không phải số tiền nhỏ với dân, nên cần phải rõ ràng, minh bạch.
“Ủy ban cần phải giải trình chi tiết, từ đầu năm đã tiếp những đoàn nào, bao nhiêu đoàn, mỗi đoàn bao nhiêu người, chi bao nhiêu, ăn ở nhà hàng nào, xem lại menu ăn uống những món gì, có đúng theo quy định hay không?. Khách mời có bao nhiêu người, cán bộ tiếp bao nhiêu người.
Tôi biết Bộ Tài chính đã có văn bản quy định cụ thể về chế độ tiếp khách tùy theo từng chức vụ, mỗi khẩu phần ăn là bao nhiêu tiền, rất rõ ràng”, ông Thuận chỉ rõ.
Đồng thời, theo ông, Ủy ban kiểm tra phải là cơ quan gương mẫu nhất, là đơn vị xem xét, kỷ luật, nên càng phải mẫu mực, thì mới đi răn đe, kỷ luật được người khác. Chúng ta đang vay nợ nước ngoài trả nợ nước ngoài, trả nợ trong nước, mà lại chi tiêu lãng phí, đó là có lỗi với dân.
Suy nghĩ tiêu “tiền chùa”
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri – Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia cho hay: “Tôi thấy rất lạ, bởi bình thường các cán bộ ở địa phương nếu đi công tác sẽ có công tác phí, theo hạn mức quy định.
Còn các tỉnh đón khách thì chỉ việc lo khoản phòng ở, còn nếu có tiếp đãi ăn uống thì cũng chỉ trong giới hạn quy định.
Ở đây, các các bộ đi học tập kinh nghiệm đã được chi tiền, nhưng đến Hải Dương, nơi đây lại chi thêm tiền chiêu đãi, vậy là hai lần chi tiền cho một đoàn cán bộ đi công tác, bảo sao không lãng phí, thậm chí còn chi tiêu không có hạn định, dẫn đến thâm hụt ngân sách.
Trước đây, dân hay có câu “khách một người, nhưng chủ nhà lại ba”, mà tâm lý lãnh đạo đi tiếp khách, không phải tiền nhà mình nên cứ tiêu cho thỏa thích”.
Bên cạnh đó, theo ông Tri, việc tiếp khách, giao lưu, hôm nay đi tỉnh này, mai đi tỉnh khác, rất không hợp lý. Bởi vì hiện nay đã có hệ thống thông tin giao lưu trực tuyến, tất cả vẫn có thể trao đổi nếu có Internet.
Phong trào này, cũng giống như trước đây, nước nào cũng thích đi nước ngoài hợp tác nghiên cứu, nhưng không hiệu quả. Nên nhà nước cần có các quy định, quy chế cụ thể về vấn đề này, tránh lãng phí tiền của dân.
“Bản thân chúng ta phải nhìn nhận dưới góc độ đã là nhà quản lý thì phải làm việc theo nguyên tắc, chứ không thể nào thích chi tiêu thế nào cũng được. Quy định gắn trách nhiệm thủ trưởng đi công tác phải rõ việc này, nếu vượt ngoài dự toán thì phải tự bỏ tiền túi.
Phải sử dụng đồng tiền của dân có nguyên tắc, không thể tùy hứng cá nhân, đã là tiền công thì phải rõ ràng, minh bạch, không được chi tiêu phung phí.
Vì thế, các nhà quản lý cần có phẩm chất để giải quyết vấn đề này, tất cả các quan chức, phải học kiến thức kinh tế, sử dụng đồng tiền hiệu quả và có nguyên tắc.
Luôn có 4 nguyên tắc cần nắm rõ: một là, được làm hay không được làm;hai là chức năng nhiệm vụ; ba là, đúng vị trí thực hiện; bốn là, tài chính đi theo chức vụ, cả 4 yếu tố kết hợp đồng bộ với nhau.
Chắc chắn, đã làm trong cơ quan nhà nước, tất cả đều có dự toán, số tiền dự toán phải xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, họ quyết mới được chi, vượt quá thì tự bỏ tiền túi”, ông Tri giải thích.