Trực thăng quân đội Hoàng gia Campuchia quần thảo phía trên trụ sở đảng CNRP, tàu trang bị súng đậu cặp sông Bassac phía sau trụ sở này. Bất chấp, phe đối lập ở Campuchia vẫn tỏ ý không nhượng bộ.
Những người ủng hộ đảng CNRP đứng giữa đường bảo vệ trụ sở đảng hôm 9-9 – Ảnh: AFP
Theo báo The Cambodia Daily, hôm qua (14-9), tại trụ sở Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập, nghị sĩ Son Chhay nói chuyện với khoảng 100 người ủng hộ và khẳng định sẽ tiếp tục tiến hành kế hoạch biểu tình ôn hòa ở Phnom Penh.
Ông Chhay tuyên bố nhắm vào chính quyền: “Chúng tao không sợ kiểu đe dọa của chúng mày. Tao muốn nói rằng cách chúng mày sử dụng vũ khí để dọa nạt chúng tao là bất hợp pháp”.
Theo báo The Cambodia Daily, từ ngày 31-8, phía quân đội Hoàng gia Campuchia đã triển khai trực thăng quần thảo phía trên trụ sở đảng CNRP ở quận Meanchey và cho tàu trang bị súng đậu cặp sông Bassac phía sau lưng trụ sở này.
“Chính phủ không thể sử dụng vũ khí để dọa nạt nhân dân. Nhiệm vụ của quân đội là bảo vệ an ninh và lãnh thổ. Tụi mày sử dụng quân đội quốc gia để đe dọa nhân dân của chúng mày. Đó là hành vi bất hợp pháp”, nghị sĩ Chhay lớn tiếng tố cáo.
Ông Chhay cũng cho biết đảng CNRP sẽ tổ chức sự kiện đánh dấu 25 ngày kỷ niệm ký Thỏa thuận Hòa bình Paris vào ngày 23-10 nhưng cũng nói rằng sự kiện đó là tách biệt với kế hoạch biểu tình ôn hòa đã kêu gọi mấy ngày qua.
Vị nghị sĩ thuộc đảng CNRP không đề cập đến ngày tiến hành biểu tình ôn hòa (dù những ngày trước có kêu gọi vào ngày 16-9) nhưng cho biết những người ủng hộ đảng đã gửi đến đồ tiếp tế như gạo, nước và nước mắm.
Cho đến nay, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khẳng định chính quyền sẽ thực thi biện pháp dùng vũ lực để đập tan mọi cuộc biểu tình bất hợp pháp.
Các lực lượng cảnh vệ, quân đội và cảnh sát cũng đều lên tiếng ủng hộ quyết định của chính quyền, sẵn sàng huy động lực lượng ngăn chặn mọi cuộc tụ tập gây rối cho an ninh, trật tự của đất nước.
Trong khi đó, theo báo Khmer Times, trong một thông cáo chung đưa ra ngày 14-9, 38 quốc gia đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình chính trị tại Campuchia hiện nay và yêu cầu chính quyền Phnom Penh đảm bảo môi trường hoạt động an toàn cho các nhóm bảo vệ nhân quyền và xã hội dân sự.
Bản thông cáo chung trên do đại sứ Mỹ tại Cao ủy Nhân quyền LHQ (UNHCR) là Keith Harper đề xuất và được các nước như Úc, Canada, Nhật, Thụy Sĩ, Liên minh Châu Âu (EU)… ủng hộ.
Trong thời gian qua, đại diện của Mỹ, Pháp và LHQ tại Campuchia cũng thường lên tiếng cho rằng việc chính quyền Phnom Penh xử phạt lãnh đạo đối lập Kem Sokha của đảng CNRP là mang động cơ chính trị.
Phía chính quyền Phnom Penh vẫn cương quyết phản bác điều này vì cho rằng Campuchia không hề cấm tự do hoạt động chính trị và chỉ xử phạt “những kẻ vi phạm pháp luật”.
Ông Sokha bị tòa tuyên phạt 5 tháng tù và 200 USD tiền phạt hôm 9-9 vì tội bất tuân lệnh tòa. Ông bị triệu ra tòa vì tội mua dâm với một cô gái hành nghề gội đầu.