Thursday, December 26, 2024
Trang chủĐàm luậnBiển đông và những vấn đề nóng bỏng (Kỳ III)

Biển đông và những vấn đề nóng bỏng (Kỳ III)

Một nguồn tin ASEAN cho biết hôm 3/9, lãnh đạo 10 nước ASEAN, tuyên bố của Chủ tịch ASEAN sẽ được đưa ra sau Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo các nước Đông Nam Á tại Lào sẽ tránh đề cập đến phán quyết mang tính lịch sử của Toà Trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông, tờ Bangkok Post ngày 4/9 dẫntin từ Hãng tin Kyodo News.

Đội tàu Trung Quốc ở Biển Đông

Thay vào đó, các nhà lãnh đạo sẽ tái khảng định những lo ngại về diễn biến đang xảy ra trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông mà không đề cập đích danh Trung Quốc. Nguồn tin cũng cho biết ASEAN và Trung Quốc dự định sẽ thể hiện những nỗ lực hợp tác của mình bằng cách cung cấp những hướng dẫn chính thức để liên lạc thông qua đường dây nóng giữa các quan chức cấp cao của Trung Quốc và ASEAN mới được thành lập ngày 2/9 nhằm tránh va chạm giữa hải quân các nước trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và “giảm thiểu sự leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Dự đoán này không nằm ngoài sự kiện hồi tháng 7, cuộc họp giữa Ngoại trưởng các nước ASEAN tại Viên Chăn cũng không thể đưa ra một đánh giá thống nhất về Phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế do bị ngăn cản bởi một số nước thành viên có quan hệ gần gũi với Trung Quốc, chủ yếu là Cam-pu-chia. Trước đó, ngày 26/8, Cam-pu-chia cũng đã yêu cầu các nước ASEAN giữ im lặng đối với vấn đề Biển Đông do nước này muốn giữ ASEAN không bị dính líu vào tranh chấp giữa Trung Quốc và chỉ một số nước thành viên ASEAN, chứ không phải với cả khối, bất chấp lời cảnh báo của Ou Virak, người sáng lập trung tâm nghiên cứu Future Forum rằng Cam-pu-chia sẽ tiếp tục nhận những cáo buộc và có thể phải chịu những tác động lâu dài do những ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tuần vừa qua được đánh giá là thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đốivới sự phát triển quan hệ giữa hai nước Mỹ và Ấn Độ. Trang RT ngày 29/8 cho biết Mỹ và Ấn Độ vừa ký một thoả thuận quân sự quan trọng có tên Biên bản ghi nhớ về việc trao đổi các dịch vụ Hậu cần (LEMOA) nhằm thúc đẩy việc sử dụng các căn cứ hải quân của hai nước, cho phép Mỹ gia tăng hiện diện quân sự tại khu vực “thềm cửa” của Trung Quốc; tuy nhiên thoả thuận này không cho phép triển khai quân sự trong căn cứ. Trong một cuộc họp báo chung sau khi ký kết thoả thuận này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hoan nghênh đối với thoả thuận này, nói rằng thoả thuận này sẽ hỗ trợ “hoàn toàn an ninh biển” và đóng góp vào “quyền tự do hàng hải” trên khắp thế giới.

LEMOA được đánh giá là sẽ tạo điều kiện cho Washington tăng cường khả năng tác chiến ở Biển Đông do trước đây, hải quân Mỹ và Ấn Độ cần phải xin phép đi vào căn cứ quân sự của nhau và được sự đồng ý của “phía chủ nhà” trong từng trường hợp cụ thể. Thêm vào đó, Ấn Độ và Mỹ ngày 31/8 đã cùng kêu gọi “tuân thủ tuyệt đối” luật pháp quốc tế, khẳng định cần đảm bảo “thương mại hợp pháp thông suốt” trên khắp khu vực tranh chấp. Hai nước cũng đã tái khẳng định việc các quốc gia cần phải giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hoà bình, thực hiện kiềm chế không thực hiện các hành động làm phức tạp hay leo thang tranh chấp.Thực tế, Mỹ coi Ấn Độ là “một đồng minh tự nhiên” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương để đối trọng với động thái của Trung Quốc ở khu vực này. Mỹ và Ấn Độ cũng đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự thường xuyên.

Năm ngoái hai nước cũng đã ký bản Tầm nhìn chiến lược chung, một động thái hướng đến hợp tác nhiều hơn nữa trên các lĩnh vực biển và an ninh. Mỹ cũng tái khẳng định sự ủng hộ của nước này đối với tư cách thành viên sớm của Ấn Độ trong các quy chế kiểm soát xuất khẩu, bao gồm nhóm Úc và Thoả thuận Wassenaar, trong khi Trung Quốc vừa phản đối Ấn Độ ứng cử vào Nhóm các nước cung cấp hạt nhân hồi tháng 7 (NSG). Thậm chí,Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong buổi nói chuyện với các sinh viên tại Viện Công nghệ tại New Delhi đã một lần nữa kêu gọi Bắc Kinh công nhận Phán quyết củq Toà Trọng tài thường trực tại The Hague vụ kiện Biển Đông, hối thúc nước này “học tập” Ấn Độ trong việc công nhận Phán quyết của các Toà Trọng tài quốc tế, trong đó điển hình là vụ kiện tranh chấp biển Ấn Độ – Bangladesh.

Trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh G20, ngày 1/9, Trợ lý Tham mưu trưởng Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương Tom Hanson đã một lần nữa nhắc nhở Úc cần đưa ra quyết định chọn liên minh lâu dài với Mỹ hay duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc, “đưa ra một tuyên bố và một vài hành động cụ thể” để chứng tỏ nước này có lập trường mạnh mẽ hơn đối với sự bành trướng quân sự ở Biển Đông, thể hiện sự quan tâm và cam kết giữ gìn một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc. Lời nhắc nhở này có thể liên quan đến vụ việc rùm beng của Nghị sĩ Đảng Lao động Sam Dastyari, người “được Trung Quốc hậu thuẫn” để ủng hộ nước này trong tranh chấp Biển Đông tại cuộc họp báo do đã được một nhà tài trợ của Đảng Cộng sản Trung Quốc liên kết với chính phủ trả phí du lịch trị giá 1.670 đô la Mỹ, theo tờ Daily Mail.

Trong cuộc họp báo, ông này đã lên tiếng ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và khuyên Úc rút lại sự phản đối với việc Trung Quốc thiết lập vùng phòng thủ hàng không ở khu vực. Truyền thông Trung Quốc mỉa mai rằng quan điểm của ông Dastyari đã “trực tiếp mâu thuẫn với lập trường chính thức của Đảng ông này về việc phản đối các hành động hung hăng hiếu chiến của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Các chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc đang sử dụng “sức mạnh mềm” nhằm giành được sự ủng hộ của Úc đối với lập trường đầy tranh cãi của nước này trong vấn đề Biển Đông. Đại sứ Mỹ tại Úc John Berry tỏ ra rất lo ngại về những tác động của động thái này và cho rằng Úc cần tỉnh táo hơn khi gặp vấn đề minh bạch xoay quanh các khoản hỗ trợ chính trị.

Các thành viên Đảng Lao động đã tái khẳng định lập trường phản đối của nước này đối với vấn đề Biển Đông, và rằng lập trường của nước này là rất rõ ràng, “tất cả các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, hối thúc kiềm chế, đó là lập trường và câu trả lời nên có”. Lập trường của Đảng Lao động của Úc về vấn đề Biển Đông có phần mạnh mẽ và cứng rắn hơn so với Đảng Tự do. Sau khi Trung Quốc bác bỏ Phán quyết của Toà Trọng tài The Hague, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng trước đây, thuộc Đảng Lao Động Stephen Conroy đã cáo buộc hành động chèn ép hiếu chiến của Trung Quốc và hối thúc Ngoại trưởng Julie Bishop trao quyền cho Hải quân tham gia cùng Mỹ đi qua các vùng biển Trung Quốc đang yêu sách.

Trên trang Sydney Morning Herald ngày 2/9 có bài “Máy bay ném bom của Trung Quốc từ Biển Đông và các tên lửa trong tương lai có thể đe doạ đến nước Úc” chia sẻ những lo ngại về việc các máy bay ném bom H-6K của Trung Quốc có thể tấn công Úc từ các đảo nhân tạo mới xây trên Biển Đông như một phần của quá trình hiện đại hoá quân sự, đặc biệt là sau khi Chỉ huy không lực Trung Quốc Mã Hiểu Thiên huênh hoang tuyên bố Trung Quốc đang phát triển một loại máy bay ném bom tầm xa mới, có khả năng tấn công trong phạm vi rất xa, dù rằng nước này vẫn thường có thói quen phóng đại thực lực quân sự của mình. Tiến sĩ Fruehling, cố vấn cấp cao của tờ Defense cảnh báo, Trung Quốc đang “gửi đi tín hiệu rằng nếu Úc can thiệp gián tiếp hay trực tiếp vào nhiệm vụ tuần tra Biển Đông thì đừng nghĩ rằng ở xa khu vực tranh chấp thì có thể được an toàn”.

Trong tuần qua, một bài viết đáng chú ý “Một trong những ngư trường lớn nhất của thế giới đang trên bờ suy thoái” mới xuất hiện trên trang National Graphic đưa ra những đánh giá đáng ngại về môi trường biển, cũng như nguồn thức ăn của hàng triệu sinh vật trên thế giới đang bị đe doạ do các tranh chấp trên Biển Đông. Theo nội dung bài viết cho biết, bắt đầu từ khoảng năm 2012, Trung Quốc đã bắt đầu trở nên quyết đoán hơn trong các tranh chấp lãnh thổ lâu dài trên biển như xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo tranh chấp và tăng cường sử dụng lực lượng cảnh sát biển để tấn công ngư dân của các nước khác. Nhưng một nguy cơ ít được công khai khác, đó là nạn đánh cá vượt mức cho phép. Sự cạnh tranh về cá khiến tranh chấp trở nên xấu đi, nguồn cá ngày càng bị suy giảm.

Thậm chí nhiều loại cá có giá trị cao như cá ngừ và cá mú đang dần trở nên khan hiếm. Bài báo chỉ trích rất gay gắt việc Trung Quốc tiến hành xây dựng đảo và săn trộm trai khổng lồ gây ra tình trạng huỷ hoại nghiêm trọng các rặng san hô trên Biển Đông, đặc biệt quá trình nạo vét đã gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Bài báo còn đề cập đến những hành động Trung Quốc gây mất ổn định và trật tự trên biển như tìm cách thúc đẩy các yêu sách của mình bằng việc hỗ trợ ngư dân, củng cố các lực lượng cảnh sát biển, quân sự hoá các tàu đánh cá, trợ cấp cho ngư dân thêm nhiên liệu và nhiều tàu thuyền to hơn, ngăn chặn các nước khác tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên biển với lý do “thực thi chủ quyền”. Các chuyên gia cho rằng sẽ mất nhiều thời gian quản lý và hợp tác trong khu vực, đồng thời cắt giảm lượng tàu cá và đặt ra các quy định về đánh bắt cá để duy trì ngư trường bền vững ở Biển Đông. Tuy nhiên theo Greg Poling, thuộc Chương trình Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), “điều cần làm là phải đặt các tranh chấp sang một bên” song sẽ khó có thể đi đến thoả thuận với sự bất nhất của Trung Quốc về đường 9 đoạn trong khi các nước đều đặt các yêu sách của họ trong luật pháp quốc tế.

Đáng chú ý, theo thông tin được đưa trên tờ Quartz, Trung Quốc hôm 1/9 vừa chào đón 29 em học sinh tới học tại Trường tiểu học và mầm non Phú Lâm thành phố Tam Sa. Theo tờ Quartz, mặc dù Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông hôm 12/7 đã nêu rất rõ ràng rằng “đảo Phú Lâm không thuộc về Trung Quốc” song hãng tin Nhà nước của nước này (CCTV) lại đề cập đến “trường học nằm ở phía cực Nam của Trung Quốc”. Bài báo cho biết Trung Quốc vừa mở trường này trên “một đảo đang tranh chấp ở Biển Đông”, và tiết học đầu tiên là về vấn đề chủ quyền, mà thực chất là tập trung vào khẳng định sự sở hữu của Trung Quốc trên biển cả. Thậm chí, giáo viên trường này còn tìm cách “nhồi nhét” các em học sinh về thứ gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa và các vùng nước lân cận”. Trang này nhận định, việc đưa trẻ em lên một trường học trên đảo, nơi được quản lý như một phần của tỉnh Hải Nam, được xem là một động thái khác của chính quyền Trung Quốc nhằm thách thức Phán quyết của Toà Trọng tài mà Trung Quốc xem là “phi pháp, không có giá trị và vô hiệu”./.

RELATED ARTICLES

9 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới