Một quốc gia muốn thống lĩnh vị trí bá chủ thế giới cần phải hội tụ đủ 3 yếu tố là sức mạnh vật chất, sức mạnh lời nói và sự ủng hộ của toàn cầu. Vậy Trung Quốc đã sẵn sàng giành lấy vị thế số 1 thế giới từ tay Mỹ?
Dù là một cường quốc song Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng lĩnh phần trách nhiệm trước toàn thế giới.
Chia sẻ trên tạp chí National Interest, phó giáo sư Liang Xiaojun tại Khoa Ngoại giao thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho rằng sức mạnh vật chất nghĩa là việc một cường quốc có thể tồn tại sau một thảm họa thiên nhiên hay nhân tạo nhờ ưu thế địa hình hoặc dân số đông.
Ví dụ như Nga, quốc gia từng làm tan cơn mộng xâm chiếm của vua Napoleon và sau đó đánh bại cả Đức quốc xã. Hay như Mỹ, quốc gia đóng vai trò chính trong công cuộc tái thiết thế giới sau Thế chiến thứ Hai.
Và gần đây là Trung Quốc, quốc gia đứng đầu châu Á, vực dậy sau cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực năm 1997 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Ngoài ra, giới lãnh đạo các cường quốc cũng cần gánh phần trách nhiệm lớn hơn trong việc điều phối thế giới.
Khái niệm trách nhiệm lại được bắt nguồn từ sự đồng lòng của một quốc gia. Tuy nhiên khi hướng tới trường quốc tế, sức mạnh của một quốc gia sẽ đối mặt với cả sự nâng lên và hạ xuống.
Ngày nay Trung Quốc đang là một cường quốc nhưng Bắc Kinh vẫn chưa sẵn sàng lĩnh phần trách nhiệm trước toàn thế giới. Trong khi đó, toàn thế giới lại hy vọng các nước lớn đóng vai trò là đầu tàu dẫn dắt và giúp duy trì trật tự quốc tế.
Ông Liang cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc liên tiếp tăng trong hơn 30 năm qua đã khiến cộng đồng quốc tế kỳ vọng nước này sẽ đảm nhận vai trò dẫn dắt. Khái niệm mới “G2” với 2 nước thành viên là Trung Quốc và Mỹ từng xuất hiện.
Trong những năm qua, nhiều nước mà cụ thể là Mỹ đang đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích Trung Quốc hoàn thành sứ mệnh của một cường quốc song Bắc Kinh vẫn chưa sẵn sàng bởi 4 lý do sau:
Thứ nhất, Trung Quốc không có được sự đồng lòng nội bộ khi mà giới lãnh đạo và người dân vẫn bất đồng quan điểm sâu sắc trong nhiều vấn đề từ vai trò của chính phủ trong đời sống kinh tế và xã hội, cho tới các chính sách đối ngoại như tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Vậy làm sao một Trung Quốc bất đồng nội bộ lại có thể dẫn dắt cả thế giới?
Thứ hai, Trung Quốc từ chối những giá trị của trật tự thế giới tự do như nền dân chủ, tự do và luật pháp.
Cụ thể trong những năm gần đây, nhiều giảng viên dạy học tại Trung Quốc đã được yêu cầu không đưa những giá trị trên ra thảo luận trong các lớp học. Điều này càng đặt ra câu hỏi cho khả năng dẫn dắt của Trung Quốc.
Khi từ chối những giá trị tự do chung, Trung Quốc cũng không thể đưa ra giải pháp thay thế. Do đó, nếu muốn được công nhận là nhà lãnh đạo thế giới, một là Trung Quốc phải chấp nhận những giá trị tự do phổ biến hai là đưa ra được một giải pháp thay thế đủ sức thuyết phục thế giới công nhận.
Thứ ba, Trung Quốc không đủ sức cung cấp hàng hóa chung cho cộng đồng quốc tế. Mỹ nổi lên là quốc gia số 1 thế giới bởi Washington cung cấp hàng loạt mặt hàng nằm dưới cái ô mang tên hệ thống tiền tệ Bretton Woods.
Mặc dù Trung Quốc là nước sáng lập ra Tổ chức hợp tác Thượng Hải và Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, nhưng hoạt động của 2 tổ chức này vẫn chỉ giới hạn trong khu vực châu Á chứ chưa mang tính toàn cầu.
Còn theo Phó giáo sư Liang, nhắc tới hàng hóa công cộng cần phải đề cập tới nguồn vật chất của một quốc gia và cả nguồn nhân lực.
Trong khi hiện nay vẫn còn tồn tại một khoảng cách lớn giữa yêu cầu ngày một cao của thị trường thế giới với nguồn cung từ nội địa Trung Quốc.
Cụ thể, kể từ tháng 11/2011, chỉ có 519 tình nguyện viên Trung Quốc tới làm việc tại 19 quốc gia trong khi Tập đoàn Hòa bình của Mỹ có tới hơn 220.000 tình nguyện viên hoạt động tại 140 nước kể từ năm 1961.
Cuối cùng, Trung Quốc còn thiếu khả năng truyền cảm hứng cho toàn thế giới. Người dân sinh sống tại các nước lớn quan tâm tới tình hình sức khỏe và sự thịnh vượng của không chỉ nước mình mà còn cả quốc tế.
Nói cách khác, các cường quốc được đánh giá là hạnh phúc thì cần cho đi nhiều hơn mà không mong nhận lại.
Về phần mình, Trung Quốc lại chưa sẵn sàng cho đi nhiều hơn. Điển hình, những khoản hỗ trợ song phương mà Trung Quốc đưa ra đều dựa trên những toan tính lợi nhuận thay vì tìm kiếm cơ hội thúc đẩy chủ nghĩa đa biên.
Ngoài ra chính sách hỗ trợ nước ngoài của Trung Quốc cũng ít nhiều vấp phải sự phản đối của người dân trong nước.
Quan trọng hơn chủ nghĩa dân tộc lâu nay đã thấm nhuần vào tư tưởng người dân và khiến Trung Quốc dần cô lập khỏi thế giới thay vì hội nhập sâu rộng hơn.