Friday, January 3, 2025
Trang chủĐiểm tinChính sách ngoại giao 'hai mang' Trung-Mỹ của ông Duterte

Chính sách ngoại giao ‘hai mang’ Trung-Mỹ của ông Duterte

Phát ngôn của Duterte là một mê cung rối loạn. Cho đến lúc này không ai biết được Philippines sẽ từ bỏ Mỹ thực sự hay chỉ ‘đòn gió’ nhằm lấy được lòng tin từ Bắc Kinh.

Có quá nhiều minh chứng cho thấy Philippines đang gần gũi hơn với Trung Quốc.

“Tôi sẽ phác họa một Philippines theo hướng đi của riêng mình và sẽ không phụ thuộc vào Mỹ” – đó là lời tuyên bố của ông Rodrigo Duterte khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Philippines cách đây gần 3 tháng. Dưới sự lãnh đạo của một người đứng đầu nhà nước mới, Manila đang nhanh chóng chuyển hướng chính sách đối ngoại, theo Asia Times.

Nhanh chóng củng cố quyền lực trong bộ máy nhà nước và nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhóm xã hội dân sự khác nhau, Duterte đang chuyển hướng chính sách đối ngoại của Philippines theo một cách được cho là không giống với bất kỳ người tiền nhiệm nào.

“Tôi thực sự là một người thô lỗ. Tôi đang tận hưởng thời gian cuối cùng để được sống là chính mình”, ông Duterte nói và từng hứa rằng “khi tôi trở thành tổng thống, khi bước vào văn phòng làm việc của một người đứng đầu đất nước… mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn”.

Nhiều người dân tự nhủ rằng những phát biểu quá khích hay các phát ngôn làm mích lòng Mỹ không phải là bản chất con người của Duterte. Có khi đây chỉ là chiêu bài tự làm nổi bật bản thân trong thời gian ông tham gia tranh cử tổng thống mà thôi. Và câu chuyện quay lưng với Mỹ như vị tổng thống này nói vốn chỉ là câu chuyện quá xa vời.

Vì vậy, khi bước ra sân khấu ngoại giao toàn cầu, như tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vài ngày trước, nhiều người đã chờ đợi một Duterte nhẹ nhàng hơn và đúng phong thái của một chính khách.

Thế nhưng mọi chuyện không như tưởng tượng ban đầu, thế giới đã được chứng kiến một hành vi ngoại giao đầy mâu thuẫn.

Tất nhiên ông Duterte – người ngồi ghế chủ tịch (xoay vòng) của tổ chức khu vực đã thể hiện một cách lịch sự khi có những cái ôm thân tình với các nhà lãnh đạo châu Á – những người đánh giá cao sự cứng rắn của ông về các tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc.

Nhưng về phía ngược lại, Duterte bất ngờ buông những lời tục tĩu nhắm vào Tổng thống Mỹ Obama – đồng minh của Philippines, cũng như là nước ủng hộ nhiều nhất cho họ ở Biển Đông.

Tiếp diễn sau đó là một loạt những tình tiết đầy khó hiểu.

Sau lời thóa mạ thô lỗ, cuộc họp song phương đầy hứa hẹn giữa hai quốc gia đã bị hủy bỏ.

Đứng trước bờ vực của một cuộc khủng hoảng ngoại giao tiềm năng, Manila phát hành một lời xin lỗi với tuyên bố ông Duterte “lấy làm tiếc” và “không cố tình xúc phạm” đến người đứng đầu Nhà Trắng.

Phía bên kia ông Obama tỏ ra không phải là một người để bụng khi đưa ra những lời bênh vực nhà lãnh đạo Manila và không quên nhắc lại quan hệ Mỹ-Philippines vẫn “bền vững”.

Tưởng chừng nỗ lực kiểm soát đã đưa mọi thứ trở nên ổn thỏa thì Duterte lại một lần nữa tiếp tục công kích về phía Mỹ.

Trong tuyên bố gần đây nhất, nhà lãnh đạo Philippines kêu gọi các lực lượng đặc biệt của Mỹ nên khu rời khỏi đảo Mindanao.

Ông cũng làm cho mọi thứ trở nên xáo trộn khi tuyên bố mua vũ khí của Nga và Trung Quốc, xem xét việc dừng tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông.

Được biết, các phát ngôn này được đưa ra chỉ vài tuần trước khi Duterte dự kiến sẽ có chuyến thăm chính thức Trung Quốc trên cương vị mới.

Chỉ trong khoảng thời gian vài tháng, quan hệ Philippines-Mỹ đã đi từ đặc biệt và bất khả xâm phạm đến tình trạng có khả năng tan vỡ bất kỳ lúc nào.

Vượt qua lằn ranh đỏ

Theo Richard Javad Heydarian, nhà nghiên cứu về chính trị tại đại học La Salle De, cựu cố vấn chính sách Viện Dân biểu Philippines, ông Duterte từng mô tả mình là một người theo “xã hội chủ nghĩa” với nhiều thập kỷ liên hệ với phong trào cánh tả ở Philippines. Đây cũng là một phần lý do khiến ông thỉnh thoảng có những phát ngôn sâu ​​cay chống Mỹ.

Cách đây một tháng, ông từng lên tiếng yêu cầu đại sứ Mỹ, Philip Goldberg phải “ngậm miệng lại” sau khi ông này có lời chỉ trích đối với chính sách của mình. Không dừng lại ở đó Duterte tiếp tục gây bão khi gọi đại sứ Mỹ là “gã đồng tính”. Ông thậm chí còn đe dọa cắt đứt liên hệ với các nước phương Tây nếu như còn can thiệp vào công việc nội bộ của Philippines.

Đáp lại, Washington không phán xét về những phát ngôn ​​thiếu tính ngoại giao nói trên, nhưng cũng bắt đầu chỉ trích chiến dịch gây “sốc và sợ hãi” của Duterte trong cuộc đàn áp tội phạm ma túy.

Vì vậy, vài ngày trước khi ông Obama được phóng viên hỏi về cuộc họp sắp tới với người đồng cấp Philippines, vấn đề nhân quyền đã liên tục được ông nhấn mạnh.

Điều này được cho là gây bực dọc đối với Duterte, người đã kiên nhẫn lặng im trước quá nhiều lời chỉ trích về chính sách của ông trong cuộc chiến chống ma túy.

Đáp trả lại, trong Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á với sự tham dự của ông Obama, Duterte đã không ngần ngại nói về tội ác của thực dân Mỹ chống lại người dân Philippines trong quá khứ. Ông thậm chí còn cầm theo một hình ảnh thảm sát để chứng minh cho lời nói của mình. Cuối cùng, đã có không có cái bắt tay giữa hai nhà lãnh đạo đồng minh.

Thông điệp đã rất rõ ràng: Tổng thống mới của Philippines không để tâm trước những lời chỉ trích của Mỹ và sẵn sàng đứng lên chống lại họ. Đó là một biểu hiện không thể nhầm lẫn trong việc Manila muốn tách rời khỏi Washington, chuyên gia Richard Javad Heydarian nhận định.

Vươn tới Trung Quốc

Mặc dù các tranh chấp lãnh thổ gay gắt ở Biển Đông và chiến thắng pháp lý mang tính bước ngoặt mới đây của Philippines đã thể hiện rõ sự đối lập với Bắc Kinh, Duterte vẫn liên tục nhấn mạnh nhu cầu đối thoại, kiến tạo hòa bình và đàm phán song phương với Trung Quốc.

Lập trường cứng rắn của Manila dường như đã biến mất. Thay vào đó quốc gia này đã bắt đầu thể hiện cách cư xử và chính sách giống với một số quốc gia ASEAN, những nước luôn hạn chế mọi va chạm nhạy cảm với Bắc Kinh trong các vấn đề chủ quyền.

Khi nói về việc lực lượng đặc biệt của Mỹ ở đảo Mindanao, Duterte cho rằng: “Nếu chúng tôi còn ở lại với người Mỹ, chúng tôi sẽ không bao giờ có hòa bình [ở Mindanao]”.

Với một số nhà quan sát, Tổng thống Philippines đã phần nào đổ lỗi cho Mỹ trong cuộc xung đột tại nơi đây; nó cũng cho thấy một sự hạ cấp độ trong quan hệ quân sự song phương.

Mặc dù một phát ngôn của Duterte chưa phải là một tuyên bố chính sách có hiệu lực, nhưng các chỉ trích liên hồi nhằm vào Mỹ đã khiến cho Nhà Trắng dường như không tránh khỏi sự thấp thỏm, lo ngại.

Sau tất cả, Mỹ vẫn là quốc gia thân thiết nhất của Philippines khi phần lớn lực lượng an ninh, phương tiện truyền thông và cơ sở xây dựng, trí tuệ đều gắn chặt với Mỹ.

Nhưng, để nhấn mạnh cho một chính sách ngoại giao Philippines đa dạng hơn, Duterte đã đề nghị hợp tác quân sự nhiều hơn với Trung Quốc và Nga.

Tổng thống Philippines luôn nhấn mạnh dù không thể thân ái nhưng cần thiết phải ổn định hơn trong quan hệ với Trung Quốc.

Ông thậm chí đã xác nhận rằng ông đã cố tình không quan tâm đến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN. Còn chuyến thăm tới Bắc Kinh lần này là để tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời cho vấn đề Biển Đông và mong muốn mời lại đầu tư quy mô lớn của Trung Quốc vào Philippines.

Chuyên gia Richard Javad Heydarian cho rằng, trong thời điểm hiện tại, chưa thể nói trước được điều gì về hướng đi tiếp theo của Manila. Ông nhấn mạnh, có thể những hành vi của Duterte thời gian qua chỉ đơn giản là phát đi những tín hiệu cho thấy họ đã độc lập về chính sách đối ngoại nhằm lấy được lòng tin của Bắc Kinh. Còn việc từ bỏ Washington không phải là điều trong một sớm một chiều.

Thế nhưng nếu Manila tiếp tục gây mất lòng tin như hiện tại, ít ai có thể phủ nhận rằng không sớm thì muộn, quan hệ song phương Mỹ-Philippines sẽ bước vào một giai đoạn mới.

RELATED ARTICLES

Tin mới