Sunday, November 17, 2024
Trang chủĐiểm tinLiệu xảy ra chiến tranh Nga – Ukraina?

Liệu xảy ra chiến tranh Nga – Ukraina?

Các chuyên gia chỉ ra những lý do khiến Nga có thể và không cần hành động quân sự chống lại Ukraine.

Quân đội Nga tại bán đảo Crimea.

Tờ The National Interest ngày 15/9 đăng tải phân tích của một cựu biên tập viên, người hiện đang giữ chức Chủ tịch hội Địa Kinh tế và An ninh Quốc gia Jerome E. Levy thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân, tiến sĩ Nikolas Gvosdev, cho rằng Nga có khả năng đang chuẩn bị cho một hành động quân sự chống lại Ukraine.

Tuy nhiên, Simon Saradzhyan, giám đốc dự án Vấn đề Nga tại Trung tâm Belfer của Đại học Harvard lại đưa ra quan điểm ngược lại khi cho rằng rất khó có khả năng Moscow sẽ bắt tay vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới tại quốc gia láng giềng này.

Nga có thể đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh ở Ukraine?

Theo tiến sĩ Gvosdev, Nga có thể đã và đang chuẩn bị cho hành động quân sự tại Ukraine. Dự đoán này được đưa ra trên cơ sở các bằng chứng là Nga liên tục tiến hành các cuộc tập trận với quy mô ngày càng lớn hơn và phạm vi rộng hơn ở khu vực biên giới với Ukraine trong thời gian gần đây.

Các cuộc tập trận của Nga thường có sự tham gia của hơn 100.000 binh sĩ đến từ nhiều đơn vị khác nhau. Hơn nữa, một loạt các quan chức chính phủ Nga cũng tham gia vào các cuộc tập trận này.

Mặc dù Moscow khẳng định các cuộc tập trận này được lên kế hoạch từ trước và không liên kết với vấn đề Ukraine, nhưng quy mô của nó đã khiến các cường quốc bên ngoài dễ có cảm giác sai về mục đích.

“Mỗi một cuộc tập trận đem lại rất nhiều lợi ích. Nó làm cho việc phân biệt giữa một cuộc tập trận thực với mục tiêu khác, như hành động hoặc chuẩn bị cho một cuộc tấn công, trở nên khó khăn hơn”, ông Gvosdev nói.

Ngoài ra, các lực lượng thường xuyên của Nga cũng tiến hành nhiều hơn các cuộc diễn tập huy động lực lượng như vậy sẽ giúp Kremlin thành thạo hơn trong việc huy động lượng lớn binh sĩ trong thời gian ngắn.

Ông Gvosdev cũng cho rằng có nhiều bằng chứng cho thấy lực lượng Nga đã rời khỏi khu vực sau các cuộc tập trận, nhưng họ cũng có thể di chuyển tới vị trí đó nhanh hơn khi cần thiết nhằm giúp giảm thiểu các nguy cơ bị phát hiện khi tiến hành hoạt động thực tế.

Việc sử dụng các cuộc tập trận như vỏ bọc cho mục đích chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự thực tế không phải là chưa từng có. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cũng đã từng tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn để tăng cường khả năng chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào lực lượng NATO.

Cuộc tập trận Able Archer năm 1983 của NATO cũng được Liên Xô xem là một cuộc diễn tập nhằm chuẩn bị cho khả năng tiến hành tấn công phủ đầu và các hệ thống phóng tên lửa hạt nhân của Liên Xô đều đã được đưa vào tư thế sẵn sàng phóng để đáp trả một đòn tấn công hạt nhân từ NATO.

Ví dụ khác gồm sự kiện Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, trong đó lực lượng Ai Cập tổ chức một loạt các cuộc tập trận lớn để chuẩn bị cho hoạt động vượt qua kênh đào Suez.

“Tổ chức tập trận liên tiếp là cách làm cho các đối thủ tiềm năng mất cảnh giác”, ông Gvosdev nói.

Tại sao Nga muốn tấn công Ukraine?

Có rất nhiều lý do có thể khiến Nga khởi động một chiến dịch quân sự ở Ukraine hoặc các nước Baltic khác, ông Gvosdev nói và cảnh báo thêm rằng các hành động quân sự của Nga sẽ không có khả năng lặp lại sự kiện hàng trăm chiếc xe tăng Liên Xô tiến vào Tây Đức.

Thay vào đó, hành động quân sự của Nga trong môi trường hiện nay sẽ bị nhiều giới hạn về quy mô và biện pháp khác nhau. Một hành động quân sự của Nga có thể là chỉ nhằm cố gắng thay đổi cán cân quyền lực tại Ukraine hoặc tạm thời kiểm soát một vùng đất nhỏ hoặc một ranh giới nào đó trong vùng Baltic để kiểm tra quyết tâm của Mỹ/NATO.

Ngoài ra, Moscow có thể khởi động chiến dịch quân sự ở Ukraine khi Kremlin nhận thấy rằng Liên minh châu Âu sẽ không tiến hành bất kỳ áp lực quân sự nào đối với chính phủ Kiev để buộc họ tuân thủ thỏa thuận Minsk.

“Nga có thể hành động trong vài tháng tới nếu không có áp lực buộc chính phủ Ukraine phải làm điều đó”, ông Gvosdev nói.

Ngoài ra, một khả năng nữa là Nga có thể hành động nếu châu Âu không có bất kỳ động thái nào để nâng lệnh trừng phạt chống lại Nga về vấn đề Ukraine.

Ông Gvosdev cho rằng Nga phải đối mặt với một vấn đề lâu dài hơn các biện pháp trừng phạt hiện nay là ảnh hưởng của họ thế nào khi Ukraine trở nên mạnh mẽ hơn nếu Kiev chọn chiến lược giống Croatia sử dụng trong thời gian quật đổ Yugoslavia là tập trung tái thiết và sau đó dồn sức chiếm lại các vùng đất đã mất.

“Nga có thể muốn làm gì đó để thay đổi cân bằng những gì đang xảy ra ở Ukraine nếu họ cảm thấy không còn các biện pháp trừng phạt đến từ châu Âu vào cuối năm nay”, ông Gvosdev nói.

Ngoài ra, các cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ có thể là một lợi thế cho điện Kremlin. Cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 và tổng thống mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2017. Sự thay đổi nhân sự ở Nhà Trắng có thể dẫn tới sự thay đổi về chính sách cũng như tạo ra một khoảng thời gian “lộn xộn” mà Nga có thể tranh thủ để hành động.

“Nếu có kế hoạch, đó là thời điểm thích hợp để làm điều đó”, ông Gvosdev nói.

Đôi khi tập trận chỉ là… tập trận

Tuy nhiên chuyên gia Saradzhyan khẳng định rằng Nga không có ý định đi tham gia vào một cuộc chiến tranh ở tương lai gần. Quân đội Nga giống như tất cả các lực lượng quân sự khác trên khắp thế giới, đang chuẩn bị cho chiến tranh bởi vì đó là mục đích mà họ được tạo ra.

Quân đội Nga cần được chuẩn bị để bảo vệ lãnh thổ rộng lớn của Nga chống lại một loạt các mối đe dọa tiềm năng. Họ cần sẵn sàng ứng phó với những mối đe dọa từ cuộc nổi dậy trong trong biên giới ở Caucasus, ngăn chặn sự xuất hiện của các cường quốc bá quyền thù địch sát biên giới hay cũng phải chuẩn bị để tự bảo vệ mình chống lại một mối đe dọa thông thường.

“Các tướng lĩnh phải chuẩn bị cho tất cả các loại kịch bản, bao gồm cả kịch bản tồi tệ nhất, đó sẽ là một cuộc chiến tranh toàn diện”, Saradzhyan nói. “Điều đó không có nghĩa là họ muốn chiến đấu hoặc khởi động chiến tranh”.

Saradzhyan nói rằng mặc dù sự thật là có các cuộc tập trận từng được tổ chức như một khúc dạo đầu cho cuộc chiến tranh, nhưng không phải là luôn luôn như vậy. Bản thân Nga đã sử dụng một cuộc tập trận để che giấu động thái điều quân trước chiến sự ở Gruzia năm 2008, chiến dịch ở Crimea và sự tham gia ở Syria gần đây. Tuy nhiên, các tình huống này tương đối hiếm.

Nga thực sự không có bất kỳ lý do để sử dụng vũ lực ở Ukraine tại thời điểm này, Saradzhyan nói. Cuộc xung đột hiện nay ở trạng thái đóng băng sẽ có lợi hơn cho điện Kremlin. Mặc dù quân đội Ukraine có khả năng cải thiện, nhưng nếu Nga thực sự cảm thấy rằng lợi ích sống còn của nó bị đe doạ, điện Kremlin có thể đè bẹp lực lượng còn non trẻ của Kiev và đẩy họ tới biên giới Ba Lan một cách dễ dàng. Ukraine hiện chỉ có khoảng 60.000 binh sĩ trong khi lực lượng của Nga có thể tập hợp được khoảng một triệu binh sĩ tới biên giới.

Moscow chỉ hành động chống lại Kiev nếu Kremlin thực sự thấy lợi ích an ninh quốc gia bị đe doạ. Thậm chí dù không chiếm Ukraine, điện Kremlin cũng có thể phá hủy khả năng tiến hành chiến tranh của quân đội Kiev để họ không còn có thể gây ra bất cứ thách thức nào, Saradzhyan nói.

Chỉ khi Nga thực sự cảm thấy lợi ích an ninh quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng, quốc gia này mới có khả năng tiến hành chiến tranh. Một hành động của phương Tây có thể làm kích động một cuộc xung đột quân sự với Moscow là loại Nga ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

“Một tướng Nga từng tuyên bố rằng việc loại Moscow ra khỏi SWIFT sẽ là một tuyên bố chiến tranh với Nga,” Saradzhyan nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới