Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Aung San Suu Kyi có chuyến thăm Mỹ đầu tiên kể từ khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) chiến thắng cuộc bầu cử tháng 11/2015.
Báo Washington Post ngày 14/9 cho hay, nước Mỹ đang trải thảm đỏ cho chuyến công du của bà Suu Kyi.
Nhà lãnh đạo đảng NLD ăn sáng với Phó Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo Quốc hội Mỹ trước khi thăm phòng Bầu dục. Bà Suu Kyi thăm Capitol Hill trước khi tới trụ sở Liên Hợp Quốc.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama với bà Aung San Suu Kyi, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc gia lâu dài đối với Myanmar và giảm nhẹ trừng phạt thương mại trong nỗ lực mới nhất nhằm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Các quan chức Mỹ cho biết họ hy vọng động thái này sẽ thúc đẩy đầu tư của Mỹ vào Myanmar – một quốc gia với hơn 53 triệu dân và giàu tài nguyên thiên nhiên.
Tuy nhiên, tình hình thực tế sẽ không lạc quan như vậy.
Tổng thống Obama tiếp đón bà Aung San Suu Kyi tại Nhà Trắng. (Ảnh : Reuters)
Mỹ nhận diện võ đoán về tình hình Myanmar?
Có thể thấy rằng, với Washington thì nền chuyên chế và chế độ quân phiệt tại Myanmar được xem là rào cản đối với sự phát triển của đất nước Chùa Vàng. Do vậy, thay đổi chính quyền quân sự, xóa bỏ nền chuyên chế được xem là mục đích của cuộc đổi thay tại Myanmar.
Washington đã tìm mọi cách tác động vào Naypyidaw để nuôi dưỡng nền dân chủ. Cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2015 mang lại chiến thắng cho NLD của Aung San Suu Kyi được xem là thành công của Mỹ và phương Tây trong việc “khai sáng” cho Myanmar.
Chuyến công du của bà Suu Kyi cũng được coi là sự ghi nhận đối với đóng góp của chính quyền Tổng thống Obama.
Tuy nhiên, việc nguyên tắc dân chủ được tôn trọng tại Myanmar khi NLD được bàn giao quyền lực một cách êm thấm, không đủ đảm bảo cho đất nước Myanmar phát triển. Điều đó cho thấy giá trị của cuộc đổi thay trong đời sống chính trị tại Myanmar chưa thể được khẳng định.
Một đất nước đa sắc tộc như Myanmar thì chủ quyền và lợi ích dân tộc luôn bị thách thức bởi cộng đồng dân tộc – yếu tố thứ 3 trong cấu thành nên sức mạnh quốc gia. Washington đã không nhận diện đầy đủ nên không có hành động kịp thời trong hỗ trợ giải quyết vấn đề này.
Không những vậy, Mỹ và đồng minh còn đang tạo ra rào cản mới cho Myanmar khi chỉ trích mạnh mẽ Naypyidaw không giải quyết được việc dùng bạo lực sắc tộc chống lại người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi tại đất nước này.
Việc bà Aung San Suu Kyi công du Bắc Kinh để nhận “món quà đặc biệt” về hòa giải dân tộc, có thể xem là sự thất vọng của NLD đối với Washington.
Hơn 4 tháng nắm quyền mà chính phủ mới tại Naypyidaw không nhận được tín hiệu tích cực nào từ nước Mỹ cho vấn đề mâu thuẫn sắc tộc tại Myanmar.
Hội nghị Hòa bình Panglong diễn ra từ ngày 31/8 đến ngày 3/9 cho thấy bà Suu Kyi đã chọn củng cố cộng đồng dân tộc làm xuất phát điểm cho phát triển Myanmar, chứ không phải là chọn hoàn thiện thể chế chính trị như Mỹ mong đợi.
Với lựa chọn của Naypyidaw cho thấy Mỹ đã chậm hơn Trung Quốc trong việc khai thác lợi ích chiến lược từ sự đổi thay chính trị tại Myanmar, dù Washington góp phần không nhỏ thúc đẩy sự đổi thay này.
Mỹ thiếu linh hoạt trong kết nối với chính quyền mới
Mỹ càng sốt sắng trong việc thúc đẩy tiến trình dân chủ cho Myanmar bao nhiêu thì ngược lại càng chậm trễ và thiếu linh hoạt trong việc tạo nền tảng để khẳng định giá trị cho nền dân chủ tại Myanmar bấy nhiêu.
Một quốc gia hơn nửa thế kỷ nằm dưới sự quản lý của chính quyền quân sự và chịu ảnh hưởng của chia rẽ sắc tộc thì không thể áp dụng ngay chuẩn mực phương Tây trong các hoạt động kinh tế – chính trị – xã hội và quan hệ đối ngoại cho quốc gia này.
Tuy nhiên, Washington đã không đủ linh hoạt để nhanh chóng kết nối với chính quyền mới của đảng NLD.
Ngoài vấn đề nhân quyền liên quan tới người thiểu số Rohingya, Washington vẫn giữ nguyên quan điểm hạn chế kết nối với các thực thể kinh tế do quân đội Myanmar nắm giữ.
Mấy thập kỷ qua NLD đã tập trung cho cuộc đấu tranh chính trị, dẫn đến sự thiếu kinh nghiệm trong quản lý và điều hành đất nước. Hiến pháp Myanmar hiện thời được xem là một hành lang pháp lý hợp lý cho lộ trình thể hiện quyền lực của NLD.
Vì vậy, việc Mỹ tạo ra hàng rào cho chính quyền mới vô hình trung tạo ra một khoảng cách cho quan hệ song phương. Khoảng cách đó không dễ rút ngắn trong thời gian “một sớm một chiều”.
Khi Washington thiếu linh hoạt với những nguyên tắc của mình thì Bắc Kinh âm thầm tạo hiệu ứng để hưởng lợi.
Với lợi thế là láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” với Myanmar, Trung Quốc có ảnh hưởng quyết định tới cả 4 yếu tố nền tảng đối với sự phát triển của Myanmar, gồm thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia, cộng đồng dân tộc và văn hóa dân tộc.
Cho dù Bắc Kinh không hào hứng với tiến trình dân chủ tại Myanmar, song Trung Nam Hải rất hân hoan với sự đổi thay chính quyền ở nước này.
Dự án “2 trong 1” với đường dẫn khí – dầu từ Trung Hoa đại lục đi ngang qua đất nước Myanmar đến vịnh Bengal, giúp Bắc Kinh khai thác hiệu quả nhất lợi ích từ Trung Đông, đã được chính quyền Myanmar chấp thuận.
Sau chuyến công du của bà Aung San Suu Kyi tới Bắc Kinh và sau Hội nghị Hòa bình Panglong, quan hệ Myanmar – Trung Quốc chắc chắn sẽ được nâng tầm vì lợi ích của hai bên sẽ gia tăng theo tính chất của mối quan hệ.
Sự năng nổ của Obama không sánh được với sự thâm sâu của Tập Cận Bình
Việc “đi trước về sau” so với Bắc Kinh trong quan hệ với Myanmar là một thất bại của Washington. Từ võ đoán trong nhận định tình hình Myanmar đến thiếu linh hoạt trong kết nối với chính quyền mới tại Naypyidaw đã khiến cho Washington phải trả giá.
Trong bối cảnh Tổng thống Obama thúc đẩy chính sách “xoay trục châu Á-Thái Bình Dương” thì Myanmar đóng vai trò cực kỳ quan trọng cả về địa chính trị và địa chiến lược.
Đặc biệt, khi Obama cho khởi động Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì Myanmar còn quan trọng hơn nữa. Bởi lẽ, quốc gia này nằm giữa hai “sân sau chiến lược” đảm bảo cho TPP vận hành hiệu quả là Ấn Độ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, di sản của Obama sẽ mất nhiều giá trị khi Dự án “4 trong 1” (phát triển từ Dự án 2 trong 1, qua việc xây dựng thêm tuyến đường bộ và đường sắt song song với đường dẫn khí – dầu) của Bắc Kinh được Naypyidaw phê duyệt.
Hình ảnh cho thấy Dự án “4 trong 1” của Trung Quốc trong tương lai sẽ kìm tỏa TPP cũng như trục chiến lược mới trong quan hệ đối ngoại của Washington. (Ảnh : Reuters)
Dự án “4 trong 1” được xem công cụ hữu hiệu phục vụ chính sách “đi tắt đón đầu” trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường” của Tập Cận Bình, khi nhánh đường bộ quá tốn kém và mất thời gian, còn nhánh đường thủy đang “tắc” tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ngày 12/7.
Biểu đồ minh họa cho thấy Dự án “4 trong 1” có thể giúp Bắc Kinh gây ảnh hưởng tới cả khu vực cũ lẫn khu vực mới trong chiến lược đối ngoại của Washington. Không những vậy, từ con đường tắt này, Trung Quốc có thể kìm tỏa toàn bộ địa bàn vận hành của TPP.
Giành được những ưu thế trước, nhưng Washington đã khinh suất để Bắc Kinh đưa vào thế đã rồi. Do vậy, việc Mỹ trải thảm đón bà Aung San Suu Kyi cũng như xóa cấm vận đối với Myanmar chưa đủ để lấy lại những gì đã mất cho lợi ích và giá trị Mỹ tại Myanmar.
Những động thái của Mỹ đến nay mới chỉ dừng ở mức độ “theo đuôi” Trung Quốc trong việc kết nối quan hệ với Naypyidaw.
Ở một mức độ nào đó, Obama đã thua Trung Quốc trong một thế trận không thể đảo ngược: Sự năng nổ của Obama không sánh được với sự thâm sâu của Tập Cận Bình.