Tình hình Biển Đông ngày 16/9: Giới phân tích nhận định tuyên bố của Tổng thống Rodrigo Duterte về việc Philippines muốn mua vũ khí của Trung Quốc thực chất chỉ là chiêu “xui nguyên, giục bị” Bắc Kinh và Washington.
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin trong bài phát biểu trên truyền hình trước các quan chức quân sự Philippines tại Manila hôm 13/9, ông Duterte tuyên bố các lực lượng quân sự nước này sẽ ngừng tham gia tuần tra chung trên Biển Đông với quân đội Mỹ đồng thời Manila đang cân nhắc mua sắm các thiết bị quân sự của Nga và Trung Quốc.
Trước đó, Tổng thống Philippines đã có quyết định gây sốc khi muốn toàn bộ lực lượng đặc nhiệm Mỹ, vốn chịu trách nhiệm cố vấn cho các binh sĩ địa phương chiến đấu chống lại các tay súng hồi giáo cực đoan, rút quân khỏi khu vực miền nam nước này. Tuy nhiên phía Mỹ khẳng định chưa nhận được yêu cầu chính thức từ chính phủ Philippines.
Những tuyên bố chua chát gần đây của Tổng thống Duterte cho thấy Philippines đang dần tách khỏi Mỹ, quốc gia đồng minh lâu đời của Manila, để xích lại gần Trung Quốc. Mặc dù hồi tháng Bảy, Tòa trọng tài quốc tế đã ra phán quyết phủ nhận chủ quyền phi lý đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Phán quyết của Tòa án đã mang lại chiến thắng cho Philippines, quốc gia đệ đơn kiện Trung Quốc hồi năm 2013.
Về phần mình Bắc Kinh cũng bày tỏ hy vọng nối lại các mối quan hệ với Manila. Trong tuyên bố cuối ngày 13/9 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Thứ trưởng Liu Zhenmin nhấn mạnh chuyến thăm của phái đoàn Philippines là “bước chuyển biến mới” cho mối quan hệ song phương giữa hai nước và hy vọng Philippines “có cách giải quyết tranh chấp phù hợp đồng thời thúc đẩy quan hệ hai nước bằng con đường đối thoại, tham vấn và hợp tác hữu nghị”.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu cấp cao Oh Ei-sun tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, tuyên bố mua vũ khí của Trung Quốc từ Tổng thống Duterte vẫn chưa được làm sáng tỏ trong bối cảnh tranh cãi xung quanh phán quyết của Tòa quốc tế vẫn tiếp diễn.
“Việc ông Duterte đang làm là kích động cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc với hy vọng giành lại nhiều lợi ích nhất cho Philippines”, ông Oh nói.
“Ngoài ra, ông Duterte sẽ còn có những lời lẽ ‘cay độc và màu mè’ hơn nữa đả kích Mỹ, quốc gia vốn coi Philippines là một trụ cột quan trọng trong chính sách tái cân bằng. So với Trung Quốc, Mỹ sẽ phải kiềm chế hơn khi đưa ra phản ứng trước những tuyên bố bột phát của ông Duterte. Tôi cho rằng cái mà ông Duterte muốn là việc Mỹ cung cấp cho Philippines những loại vũ khí tối tân hơn”, chuyên gia Oh nói thêm.
Trong khi đó, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc, ông Wu Shicun, cho rằng Tổng thống Duterte đang muốn thử lòng Mỹ và hy vọng Washington sẽ hỗ trợ Manila nhiều hơn nhất là thiết bị quân sự.
“Hiệp ước quốc phòng song phương giữa Mỹ và Philippines là văn bản pháp lý do Tòa án tối cao Philippines phê chuẩn do đó một vài tuyên bố của ông Duterte không thể đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ quân sự gắn bó giữa hai nước”, ông Wu nhận định.
“Vì chưa tin tưởng lẫn nhau, có thể Trung Quốc sẽ không cung cấp vũ khí cho Philippines như mong muốn của ông Duterte. Và thật nực cười nếu như trong trường hợp Philippines sử dụng tàu chiến của Trung Quốc để chống lại quân đội Trung Quốc”, ông Wu nói thêm.
Nhà quan sát quân sự Zhou Chenming thì cho rằng Philippines không đủ dũng cảm và sức mạnh để rời bỏ Mỹ. Do đó, đề xuất mua vũ khí Trung Quốc của ông Duterte chỉ là cách làm xoa dịu Bắc Kinh sau khi Trung Quốc tức giận chỉ trích phán quyết của Tòa quốc tế, chứ không phải là kế hoạch thực tế của Manila. Cũng theo ông Zhou, quân đội Philippines đã quá quen thuộc với vũ khí do Mỹ thiết kế nên khi mua vũ khí Trung Quốc, họ sẽ bị lạ lẫm.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines trở nên căng thẳng sau khi Manila đệ đơn kiện Bắc Kinh lên Tòa án quốc tế. Thậm chí, ngư dân Philippines còn bị các tàu chính phủ Trung Quốc ngăn chặn và cản trở tới đánh bắt gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Oh nhấn mạnh đề xuất bằng miệng mua vũ khí Trung Quốc của Tổng thống Duterte chưa thể xem là dấu hiệu cho thấy các tranh chấp trên Biển Đông đã được xóa bỏ bởi “ngay cả khi Philippines xí xóa thì các quốc gia Đông Nam Á vẫn sẽ thực thi theo phán quyết của Tòa án quốc tế. Tương tự, tình hình Biển Đông hiện tạm thời yên lặng nhưng sẽ nhanh chóng nóng trở lại khi một trong các bên tranh chấp có hành động khiêu khích”.
Còn theo ông Wu, Philippines sẽ không dễ dàng phớt lờ phán quyết của Tòa quốc tế bởi Mỹ và Nhật Bản sẽ không để điều này xảy ra. Lý do là Washington và Tokyo đều mong muốn kiềm chế các hành động ngang nhiên của Trung Quốc trên Biển Đông, tuyến đường biển quan trọng mang lại giá trị thương mại hơn 5 ngàn tỷ USD/năm.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Philippines Duterte đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế với những tuyên bố gây sốc. Cụ thể, hồi tuần trước, ông này đã có những lời lẽ xúc phạm nghiêm trọng Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Duterte cũng từng cảnh báo Trung Quốc rằng: “Tôi dám chắc với họ (Trung Quốc), nếu họ tiến vào vùng tranh chấp, sẽ có đổ máu. Chúng tôi sẽ không dễ dàng trao cho họ. Đó sẽ là xương máu của binh sĩ Philippines và cả tôi”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), tờ báo tiếng Anh đầu tiên của Hong Kong. Ấn bản đầu tiên của tờ báo này được phát hành vào ngày 6/11/1903.