Friday, January 24, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiĐể TQ tiếp tục dự án Hinkley Point, Anh đã sai lầm...

Để TQ tiếp tục dự án Hinkley Point, Anh đã sai lầm lớn?

Anh đã tính toán thế nào khi quyết định “mạo hiểm” chấp thuận nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C?

Một bản vẽ tưởng tượng về lò phản ứng hạt nhân Hinkley C. Ảnh: EDF

The Telegraph: Kịch bản “mùa đông chết chóc”

Mùa đông năm 2027.

Căng thẳng ở Biển Đông đang sôi sục. Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Philippines – một đồng minh của Mỹ – leo thang. Ngư dân Philippines đã phong tỏa bến cảng thuộc một trong những tiền đồn quân sự mới nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á.

Bầu không khí chung trở nên giận dữ; và trong cơn thịnh nộ “nhân danh chủ nghĩa dân tộc”, một chỉ huy quân sự Trung Quốc bắn chìm một tàu cá, khiến nhiều ngư dân bị thương và một số tàu cá khác hư hỏng.

Vị tổng thống đương nhiệm đầy nhiệt huyết của Philippines (do đích thân ông Rodrigo Duterte lựa chọn) nỗ lực vận động hành lang để Washington triển khai lực lượng phô diễn sức mạnh.

Do bị ràng buộc bởi Hiệp ước quốc phòng và lợi ích chiến lược đối với một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, phía Mỹ tuân theo.

Chỉ trong vài ngày, hai lực lượng hải quân lớn nhất thế giới tiệm cận xung đột vũ trang.

Trong lúc chính phủ Anh cân nhắc một số lựa chọn cho dự án điện hạt nhân Hinkley Point với Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc lặng lẽ cảnh báo Thủ tướng Anh chớ nên can thiệp.

Như thể được ra hiệu, nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point gặp trục trặc kỹ thuật, dẫn đến nguy cơ phải ngừng hoạt động. Mục đích của Bắc Kinh đã rõ.

Nếu Anh nỗ lực bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ, hoặc thậm chí đưa ra một tuyên bố đoàn kết với đồng minh lâu năm của mình là Mỹ, Trung Quốc sẽ đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point. Lần đầu tiên trong trí nhớ, người Anh sẽ phải chứng kiến đèn tắt – ngay giữa mùa đông chết chóc…

Nghe qua thì giống chuyện tưởng tượng. Có thể là tưởng tượng thật. Nhưng đây lại là tình huống xấu nhất mà một số chuyên gia an ninh dự đoán có thể xảy ra khi chính phủ Anh chấp thuận nhà thầu Trung Quốc tiến hành xây dựng các lò phản ứng hạt nhân Hinkley Point C.

Dĩ nhiên, kịch bản này không nhất thiết liên quan đến Biển Đông, mà có thể là bất cứ nơi nào mà quân đội Trung Quốc có khả năng hành động, và phía Anh cảm thấy cần thiết phải đáp trả. Điều đáng lo ngại là không có ai nắm thông tin về thứ công nghệ “đi cửa sau” có thể bị cài lén trong quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Anh bất chấp rủi ro an ninh quốc gia?

Trả lời Telegraph, cựu Bộ trưởng Năng lượng Anh, chính trị gia đảng Dân chủ Tự do Ed Davey nói:

“Những quan ngại về sự tham gia của Trung Quốc không đủ để tiến hành giám sát, nhưng nếu Bộ Tài chính thông qua đề xuất về mức cổ phần đặc biệt của tôi, chúng ta đã có thể đưa thêm vào một số biện pháp đề phòng. Nhưng cựu Bộ trưởng George Osborne đã từ chối mà không đi kèm lời giải thích nào.”

Theo ông, bất kỳ ai tin rằng đối tác Trung Quốc cho dự án Hinkley Point làm ăn nghiêm chỉnh thì sẽ có cơ hội nghĩ lại, khi chính phủ Anh biết rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải đối mặt với cáo buộc dính líu hoạt động gián điệp hạt nhân tại Mỹ.

Đây không phải lần đầu tiên các mối lo ngại về sự tham gia của Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Anh tăng cao.

Vào năm 2013, Ủy ban An ninh và Tình báo Anh đưa ra một báo cáo quan trọng về quyết định cho phép Huawei – nhà sản xuất sản phẩm viễn thông khổng lồ có quan hệ với quân đội Trung Quốc – cung cấp gói thiết bị nâng cấp hệ thống viễn thông quốc gia trị giá 10 tỷ bảng trong năm 2005.

Cùng với việc Trung Quốc nổi tiếng về tin tặc và tình báo mạng khắp thế giới, Ủy ban này đã “sốc” khi biết không hề có nỗ lực nào nhằm phân tích nguy cơ của hệ thống “cửa hậu” do Huawei cung cấp.

Trên thực tế, điều này có nghĩa Huawei đã có thể cài những hệ thống gián điệp vào cơ sở hạ tầng quốc gia, cho phép Bắc Kinh theo dõi chính phủ và người dân Anh bất cứ lúc nào.

Tại thời điểm bản báo cáo được tung ra, cựu Bộ trưởng Tài chính George Osbourne trấn an Trung Quốc rằng “nước Anh mở cửa cho đầu tư từ Trung Quốc”.

Ông Osbourne không nhắc đến việc Trung Quốc cấm công ty nước ngoài – bao gồm cả những công ty của Anh – đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm như viễn thông.

Nước Anh cũng không phải là bên duy nhất tỏ ra lo ngại, khi chính phủ Australia mới đây cũng can thiệp để ngăn chăn nhà đầu tư từ Trung Quốc nắm giữ quyền kiểm soát mạng lưới điện lớn nhất nước này là Ausgrid, với lý do an ninh quốc gia.

London phải làm thế nào với “người khổng lồ” Trung Quốc?

Bằng nhiều cách, di sản của George Osbourne vẫn ở lại. Chính sách thương mại bằng-mọi-giá, kết hợp với thắt lưng buộc bụng của ông đã giúp đưa nước Anh thoát khỏi nợ nần, nhưng có thể sẽ phải trả giá đắt.

Vài thành viên chính phủ và Mật vụ Anh coi chính sách về Trung Quốc của ông là ngây thơ. Người Mỹ tỏ ra quan ngại khi Bộ Tài chính Anh tìm cách đón lấy khoản đầu tư từ Bắc Kinh. London cũng cố gắng trở thành một trung tâm giao dịch của đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, theo kết luận của Thủ tướng Theresa May trong thời gian bà còn làm việc tại Bộ Nội vụ, Anh không thể giao thương với Trung Quốc như với các quốc gia khác, do Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt.

Bà cho rằng Bắc Kinh cất công đầu tư nhiều vào an ninh và hệ thống giám sát trong nước hơn cả quốc phòng.

Theo Telegraph, chưa có bằng chứng gì cho thấy Trung Quốc sẽ lợi dụng các hợp đồng với công ty Anh và xâm nhập vào hệ thống máy chủ của công ty viễn thông BT hoặc lò phản ứng hạt nhân.

Phía Bắc Kinh thừa hiểu rằng, lần đầu việc Huawei vướng cáo buộc làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc bị phanh phui cũng sẽ là lần cuối Huawei hay bất kỳ công ty Trung Quốc nào giành được một hợp đồng nhạy cảm với phương Tây.

Người Trung Quốc sẽ thua thiệt về kinh tế nhiều hơn những gì họ mong đạt được trên chính trường.

Telegraph bình luận, không ai cho rằng Anh không nên giao thương với Trung Quốc, và cũng không phải là Anh không nên kiếm tìm những thỏa thuận tốt nhất với “gã khổng lồ kinh tế”, nhưng cần biết vị trí thực tế của mình ở đâu, cũng như đặt lợi ích an ninh quốc gia lên hàng đầu.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc đe dọa bà Theresa May rằng “kỷ nguyên vàng” của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước sẽ chấm dứt nếu thỏa thuận không được thông qua. Bộ trưởng Tài chính Jim O’Neill cũng đe dọa sẽ thôi việc nếu bà trì hoãn.

Trước những lời dọa nạt trên, bà May thể hiện sự thận trọng và quyết tâm sắt đá trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của Anh, gợi nhớ cho chúng ta về “bà đầm thép” Margaret Thatcher.

Với Trung Quốc, cho dù quyết định là gì đi chăng nữa, Bắc Kinh thèm muốn sự nhạy bén về tài chính của Anh cũng như Anh muốn nhận được gói đầu tư. “Cuộc sống vẫn tiếp diễn,” tờ báo Anh mô tả.

RELATED ARTICLES

Tin mới