Tuesday, November 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiNhìn lại G-20: Tập Cận Bình "giành" được quá nhiều từ Obama

Nhìn lại G-20: Tập Cận Bình “giành” được quá nhiều từ Obama

Trong khi dư luận quốc tế hoàn toàn bị thu hút bởi scandal Obama bị “ghẻ lạnh” ở Hàng Châu, Trung Quốc đã “cười thầm” với thắng lợi lớn tại G-20 trên sân nhà.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận B tại G-20 Hàng Châu 2016. Ảnh : Reuters

Hội nghị thượng đỉnh G-20 năm 2016 diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc đã kết thúc với tuyên bố “Hàng Châu đồng thuận”.

Tuyên bố của G-20 Hàng Châu 2016 với nội dung xoay quanh năm chủ đề chính là : Chính sách phối hợp, tăng trưởng kinh tế sáng tạo, quản trị kinh tế – tài chính, đầu tư – thương mại và phát triển.

Giới phân tích cho rằng Tuyên bố Hàng Châu 2016 thiếu các hành động cụ thể và tín hiệu đó cho thấy rõ ràng rằng các nhà lãnh đạo G-20 không có nhiều tương đồng trong quan điểm tại Hội nghị thượng đỉnh lần này.

Mặc dù vậy, G-20 Hàng Châu 2016 lại được xem là thành công ngoài mong đợi của chủ nhà Trung Quốc.

Theo The Guardian, qua G-20 Hàng Châu 2016, Trung Quốc báo hiệu một giai đoạn mới khi kinh tế nước này sẽ đóng vai trò dẫn dắt kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đã cung cấp nền tảng cho việc thúc đẩy các mô hình kinh tế của Bắc Kinh, trong đó có chiến lược “Một vành đai, một con đường” và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

The Guardian bình luận, tận dụng tối đa tình trạng của một quốc gia đang phát triển, Trung Quốc đưa các chủ đề kép của sự phát triển và tính toàn diện vững chắc hơn vào tiêu điểm.

Bằng cách mở rộng tham vấn chính thức vượt khỏi thành viên G20 và mời một số lượng kỷ lục khách mời, Trung Quốc bảo đảm hầu hết yêu sách của mình đều được đồng thuận.

Việc thông qua Tuyên bố Hàng Châu đồng thuận, kêu gọi phát triển tăng trưởng kinh tế toàn diện hơn thông qua chính sách kinh tế vĩ mô phối hợp, thương mại mở và đổi mới, cho thấy những cốt lõi trong chính sách kinh tế của Tập Cận Bình đã được toàn cầu hóa qua G-20.

Từ đây, các kế sách của Trung Nam Hải có thể nhanh chóng đưa kinh tế Trung Quốc trở thành bá chủ thế giới.

Tập Cận Bình đã hoàn thành một số hướng đi dài hạn cho những tham vọng của nhà lãnh đạo này. Hiệu ứng tích cực từ G-20 có thể đưa ông Tập vào “ngôi nhà của những lãnh đạo xuất sắc nhất thế giới”, và củng cố quyền lực trong nước.

Tập Cận Bình làm “Roosevelt Trung Quốc”?

Với tham vọng bá chủ của Bắc Kinh thì việc vượt qua Mỹ – nhất là về kinh tế – là mục đích và cái ngưỡng quan trọng nhất mà Trung Quốc phải đạt được. Song sức mạnh Mỹ luôn là một cái gì đó quá tầm với của Bắc Kinh. Việc vượt qua Mỹ là cực kỳ khó khăn, không muốn nói là viễn tưởng, nếu không tìm ra công thức.

Khi “song đấu” với Mỹ là không thể và thời gian không là chờ đợi, Bắc Kinh phải tìm cách vượt lên trên nền kinh tế số một thế giới này.

Năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã chọn cải cách cùng với “4 hiện đại”, song sức mạnh Mỹ vẫn quá xa vời, ngay cả sau khi Đặng qua đời.

Khi Tập Cận Bình tiếp quản đất nước thì Trung Quốc đang nằm trong tình trạng nguy hiểm bởi hậu quả của phát triển nóng do cải cách thời Đặng Tiểu Bình để lại. Nền kinh tế bong bóng với tăng trưởng chủ yếu nhờ nợ vay khiến kinh tế Trung Quốc “lớn nhưng không mạnh”. Nguy cơ bong bóng xì hơi và xảy ra khủng hoảng là rất lớn.

Giới phân tích kinh tế và tài chính đã ví kinh tế Trung Quốc như sự hỗn hợp giữa kinh tế Mỹ thời khủng hoảng thập niên 1930 khi Franklin D.Roosevelt tiếp quản ghế Tổng thống và kinh tế Nhật Bản thời bong bóng xì hơi trong những năm 1990 của thế kỷ 20.

Bloomberg đã cho rằng, để cứu kinh tế Trung Quốc lúc này cần phải có một “Roosevelt của thế kỷ 21”.

Ở khía cạnh nào đó, Tập Cận Bình đã cố gắng chứng minh mình là một “Roosevelt Trung Quốc”.

Ngay khi nắm quyền lực năm 2012, ông Tập cho thực hiện ngay hai chiến dịch – chiến lược. Thứ nhất là chiến dịch chống tham nhũng “Đả hổ diệt ruồi” nhằm thanh lọc bộ máy quản lý, bên cạnh mục tiêu củng cố hệ thống của mình; Hai là tái cơ cấu nền kinh tế với kỳ vọng kinh tế Trung Quốc phát triển thực chất – mạnh chứ không phải lớn.

Trong khi đang “căng phồng” bởi phát triển nóng mà kinh tế Trung Quốc vẫn còn một trời một vực với Mỹ, nay tái cơ cấu khiến tốc độ tăng trưởng giảm, quy mô nền kinh tế có thể co lại. Điều đó làm cho khoảng cách giữa Mỹ-Trung trở nên xa hơn.

Vấn đề nan giải của Trung Hoa đại lục khiến cho tầm nhìn của F.D.Roosevelt là chưa đủ mà cần phải có mưu kế của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ quá cố, George Marshall.

“Kế hoạch Marshall” đã làm hồi sinh cả Châu Âu thời hậu Thế chiến II khiến sức mạnh Mỹ tăng lên gấp bội. Kế hoạch đã chứng minh 1 USD rời khỏi xứ cờ hoa sẽ tăng giá trị theo cấp số nhân tại lục địa già qua sự phát triển của EC, rồi EU.

Tập Cận Bình đã chọn theo cách mà G.Marshall đã làm với Châu Âu bằng việc thành lập hay phát huy hết chức năng của các định chế tài chính – thương mại quốc tế mà Trung Quốc tham gia.

Khi G-7, rồi G-8 “gọi gió kêu mưa” với kinh tế toàn cầu, thì Tập Cận Bình phát huy tối đa vai trò của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS nhằm làm nổi bật hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Khi bị gạt khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bắc Kinh cho thành lập AIIB, nhằm hưởng lợi tối đa từ TPP.

AIIB – được xem là “siêu ngân hàng thế giới” của Trung Quốc, là một bước đi quan trọng trong quá trình hiện thực hóa giấc mộng bá chủ thế giới của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, BRICS bị hạn chế về tầm ảnh hưởng và 4 thành viên còn lại không có nền kinh tế hùng mạnh, còn AIIB dù có lớn đến mấy thì cũng chỉ là định chế tài chính đơn thuần.

Đặc biệt, cả BRICS và AIIB đều không có Mỹ tham gia nên Trung Quốc chưa thể khẳng định và không thể thẩm định khả năng và vai trò của mình trước cường quốc số một thế giới này.

Trong hàng loạt vũ đài kinh tế, ông Tập chọn G-20 trên sân nhà để thể hiện sức mạnh.

Khi hội nghị G-7 2016 tại Ise Shima thể hiện sự rệu rã của định chế này, nhất là khi Brexit diễn ra, Trung Quốc nhận thấy cơ hội cho Bắc Kinh khẳng định vai trò trên trường quốc tế đã tới. Có thể thấy rằng G-20 Hàng Châu 2016 là một sự chuẩn bị rất công phu của Trung Nam Hải.

Tất cả mưu cao kế sâu lẫn tiểu xảo của Tập Cận Bình đã được thể hiện tại Hàng Châu. Và ông ta đã thành công ngoài mong đợi.

BRICS đứng trước nguy cơ tan rã bởi Đại hội dân tộc Phi (ANC) đang suy giảm uy tín tại Nam Phi, chính phủ mới thân Mỹ tại Brazil sau khi cựu Tổng thống Dilma Rousseff bị phế truất có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của Bắc Kinh, còn Thủ tướng Nanrendra Modi có khả năng đưa Ấn Độ theo một quỹ đạo khác.

Tuy nhiên, lúc này G-7 rệu rã hay BRICS tan rã không còn quá quan trọng với Bắc Kinh, bởi cả G-7 và BRICS đã nằm trọn trong G-20 và qua G-20 Hàng Châu 2016, Bắc Kinh đã thành công trong việc thể hiện vai trò bang chủ của G-20, chứ không chỉ là chủ nhà của Hội nghị G-20 2016. Theo The New York Times, nước Mỹ đã thua đậm qua G-20 Hàng Châu 2016.[3]

Bắc Kinh dùng G-20 tranh giành ảnh hưởng với Washington

Trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama, nước Mỹ đã thiệt hại rất lớn bởi những ngón đòn của Trung Quốc.

Hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đã khiến thặng dư mậu dịch của Trung Quốc trong quan hệ thương mại với Mỹ lên đến hơn 2.000 tỷ USD trong hai nhiệm kỳ của Obama, cùng với đó sự tác oai tác quái, làm lũng đoạn kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, số thâm hụt mậu dịch của Mỹ dù làm tăng thêm gần 30% quy mô GDP của Trung Quốc không nguy hiểm bằng việc Mỹ đánh mất vai trò của mình trong những định chế quốc tế, hoặc không giữ được vai trò của những định chế quốc tế mà Mỹ đóng vai trò đầu tàu.

Bởi lẽ, hậu quả của những sự việc ấy sẽ khiến cho lợi ích Mỹ bị mất đi, sức mạnh Mỹ bị suy giảm.

Hiện nay sức mạnh Mỹ chủ yếu thể hiện trong NATO, nhưng cũng không vững chắc nếu không bỏ tiền nuôi các thành viên khác, như ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump chỉ trích.

Trong khi đó AIIB, song hành cùng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB).

Còn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 16 thành viên do Bắc Kinh đóng vai trò chủ đạo có thể làm lu mờ TPP, vốn đang vấp phải sự phản đối từ cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ.

Trung Quốc: Người đứng đầu định chế?

Qua G-20, Bắc Kinh đã thúc đẩy xây dựng vị thế “người đứng đầu định chế” của nước này, vốn là một khiếm khuyết cố hữu của các định chế quốc tế. Bao gồm cả G-7.

Khi Trung Quốc tìm ra cơ chế mới điều tiết G-20 cùng với việc G-7 nằm trọn trong G-20, điều đó khiến cho sự rệu rã dẫn đến lúc kết thúc sự tồn tại của G-7.

Khi Trung Nam Hải dùng G-20 vô hiệu hóa G-7 thì cũng là lúc vai trò của Washington trên trường quốc tế trở nên lu mờ bởi hình ảnh của Bắc Kinh.

Trước thực tế đó, The New York Times đã nhận định rằng, chuyên công du Châu Á cuối cùng cùng của ông Obama trên cương vị Tổng thống Mỹ đã thất bại toàn diện, trong đó việc để Bắc Kinh làm bẽ mặt Washington trong G-20 là một thảm bại.

Bởi lẽ, khi để Trung Quốc nắm quyền điều tiết trong G-20 thì quyền lợi và sức mạnh Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng.

Tham dự G-20 Hàng Châu 2016 gồm : 19 thành viên là Argentina, Australia, Brazil, Anh, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Canada, Trung Quốc, Mexico, Hàn Quốc, Nga, Ả Rập Saudi, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Nam Phi, Nhật Bản và EU.

Khách mời có Tây Ban Nha, Singapore, Ai Cập, Kazakhstan, Thái Lan, Lào, Chad, cùng Liên Hợp Quốc, WB, WTO, IMF.

Với thành phần như vậy, khi nắm vai trò điều tiết G-20 thì Bắc Kinh đã có thể tỏa tầm ảnh hưởng tới tất cả các khu vực mà nước Mỹ có lợi ích chiến lược.

Cả khu vực Đại Tây Dương và Địa Trung Hải – địa bàn mà Washington đặt trọng tâm chiến lược đối ngoại gần một thế kỷ qua, giờ đã có thể dần lọt vào tầm với của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Những thành viên quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nơi mà Washington đặt trục chiến lược đối ngoại trong thế kỷ 21, đều nằm trong G-20.

Có tới 6/12 thành viên TPP nằm trong vòng ảnh hưởng của G-20, đặc biệt cả hai “sân sau chiến lược” của TPP là Trung Quốc và Ấn Độ đều thuộc G-20.

Điều đó cho thấy cả lợi ích về kinh tế lẫn chính trị của nước Mỹ đều có thể bị tác động bởi yếu tố Trung Quốc qua cơ chế “người đứng đầu định chế” của G-20.

Lợi ích mà Bắc Kinh khai thác được từ quan hệ đan xen giữa các đối tác trong G-20, giữa các đối tác với G-20 có thể giúp cho nước này leo lên vai trò “thống soái” thế giới, dù tiềm lực còn kém Mỹ.

Xét từ góc độ này, những gì Trung Quốc đạt được sau G-20 giúp nhận diện mệnh đề thực hiện ý đồ kiểm soát thế giới mà ông Tập theo đuổi:

(G-20 + AIIB) —>(Tái cơ cấu) —> (Một vành đai, Một con đường) —> (Mộng Trung Hoa)

Chắc chắn Trung Nam Hải sẽ có kế sách để nhanh chóng hiện thực hóa “mệnh đề thống trị” ấy.

G-20 2016 là cột mốc quan trọng trong việc thể hiện vai trò và quyền lực của Tập Cận Bình. Sự kiện này cũng được xem là một phần trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội đảng lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc vào mùa thu 2017, trong đó có những chuẩn bị quan trọng về nhân sự cho thế hệ lãnh đạo thứ 6 ở nước này.

Khi định chế cố vấn kiểu “bát đại nguyên lão” không còn tồn tại và vai trò của các cựu lãnh đạo “phía sau cánh gà” cũng bị Tập Cận Bình xóa bỏ, vấn đề hình ảnh người lãnh đạo đương nhiệm là cực kỳ quan trọng trong việc đặt nền móng cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Theo The Guardian, đối với Trung Quốc và cá nhân Tập Cận Bình, G-20 là một thành công lớn.

RELATED ARTICLES

Tin mới