Trung Quốc vừa truy tố anh trai của Lệnh Kế Hoạch về tội tham nhũng.
Ông Lệnh Chính Sách – anh trai Lệnh Kế Hoạch và Lệnh Hoàn Thành.
Báo Tân Hoa xã thông tin, ông Lệnh Chính Sách- anh trai của ông Lệnh Kế Hoạch, cựu trở lý thân cận của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã chính thức bị khởi tố về tội nhận hối lộ.
Báo Trung Quốc cho hay, ông Lệnh Chính Sách (64 tuổi) khi bị bắt là cựu Phó Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân tỉnh Sơn Tây.
Hồ sơ của ông Lệnh Chính Sách đã được bàn giao cho các công tố viên ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc).
Ông này bị cáo buộc lạm dụng chức vụ để trục lợi cho bản thân và họ hàng, nhận quà bằng tiền. “Ông Lệnh Chính Sách phải chịu trách nhiệm hình sự theo đúng pháp luật” – Tân Hoa xã viết.
Ông Lệnh Chính Sách từ tháng 6/2014 bắt đầu bị mở cuộc điều tra, bị khai trừ đảng vào tháng 8/2015 và tước bỏ chức vụ trước khi chuyển vụ việc sang cơ quan tư pháp để truy tố.
Lệnh Kế Hoạch, 59 tuổi, em trai Lệnh Chính Sách, bị kết án tù chung thân hồi đầu năm vì nhận hối lộ hơn 77 triệu nhân dân tệ.
Lệnh Hoàn Thành, người con trai út trong gia đình họ Lệnh, đang bị Trung Quốc đòi Mỹ dẫn độ, vì cáo buộc để lộ bí mật của Trung Quốc cho Mỹ.
Trang tin tức Washington Free Beacon (Mỹ) ngày 3/2 dẫn lời một quan chức Quốc phòng Mỹ thừa nhận: các mật vụ Trung Quốc đang săn lùng để bắt hoặc thủ tiêu Lệnh Hoàn Thành.
Nếu Lệnh xin tỵ nạn chính trị, ông ta có thể trở thành kẻ vượt biên gây tổn thất nghiêm trọng trong lịch sử Trung Hoa.
Lệnh Hoàn Thành được cho là đang nắm giữ nhiều “bí mật cốt lõi” mà ông anh lén tích luỹ được trong 15 năm làm việc tại Văn phòng Trung ương Đảng. Lệnh Hoàn Thành đang trốn ở Mỹ và dùng các tài liệu mật để đòi Chính phủ Trung Quốc phải thả anh trai mình.
Tờ New York Times trước đó cho biết, Lệnh Hoàn Thành có thể trở thành “một trong những kẻ đào tẩu nguy hiểm nhất” trong lịch sử Trung Quốc nếu xin được tị nạn chính trị ở Mỹ.
Cách Trung Quốc bắt quan tham từ nước ngoài
Đầu năm 2015, Bắc Kinh đã bắt giữ 288 nghi phạm bị cáo buộc là tội phạm tài chính ở 56 quốc gia trong chiến dịch “Săn cáo”- theo Reuters. Bộ công an Trung Quốc cho biết, 126 người trong số này đã bị đưa về nước xét xử và đã nhận tội. Một số người bị bắt tại Mỹ, Australia và Canada.
Theo giới truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh đã cử nhiều cán bộ ra nước ngoài để “thuyết phục” các mục tiêu về nước. Có điều là không thể rõ ý đồ của họ.
Hiện Bắc Kinh và Mỹ không có hiệp ước dẫn độ.
Marc Raimondi, người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ nói: “Hoa Kỳ không phải là nơi ẩn náu an toàn cho những kẻ đào tẩu của bất kỳ nước nào”. Ông nói thêm: Nếu Mỹ giúp Trung Quốc truy bắt những đào tẩu, thì Bắc Kinh phải cung cấp chứng cứ cho Bộ Tư pháp Mỹ. Nhưng Trung Quốc thường không cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của Bộ này.
Còn ông Steve Tsang, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện chính sách Trung Quốc của Đại học Nottingham, nói: Từ lâu điệp viên chìm hoạt động bí mật ở nước ngoài là một chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) nhằm kiểm soát chặt chẽ tất cả người Hoa, dù họ có quốc tịch khác chăng nữa.
Washington Free Beacon dẫn nguồn tin từ các quan chức Mỹ giấu tên cho biết, việc cảnh sát chìm Trung Quốc hoạt động bí mật ở Mỹ là một phần chiến dịch “Săn cáo” nhằm truy bắt và đưa về nước những quan chức tham nhũng vượt biên ra nước ngoài định cư.
Bộ Công an Trung Quốc phụ trách thực hiện chiến dịch này- theo các quan chức Mỹ nói với tờ The Times. Các điệp viên đại lục đến Mỹ bằng hộ chiếu du lịch, áp dụng nhiều chiến thuật để bắt những kẻ đào tẩu, gồm cả việc dọa người thân còn sống của họ ở Trung Quốc.
Kể từ khi nắm quyền tới nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thẳng tay trừng trị một loạt quan chức trong chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” quy mô lớn.
Sơn Tây là tỉnh có nhiều quan chức “ngã ngựa” nhất từ chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với 7 cán bộ cấp tỉnh và hàng chục quan chức cấp thấp hơn bị giam giữ.