Friday, January 24, 2025
Trang chủBiển nóngLiệu Nga có giúp TQ bảo vệ đảo nhân tạo ở Biển...

Liệu Nga có giúp TQ bảo vệ đảo nhân tạo ở Biển Đông?

Mục đích thực sự của hoạt động này là gửi thông điệp tới Mỹ: Biển Đông thuộc về Trung Quốc, và Nga sẽ giúp họ bảo vệ các đảo nhân tạo đang tranh chấp, nếu cần.

Hình minh họa bài bình luận của Đô đốc James A. Lyons trên The Washington Times.

Đô đốc James A. Lyons, cựu Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương – Hoa Kỳ và là đại diện quân sự cấp cao của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, ngày 18/9 viết bài bình luận trên The Washington Times: “Trung Quốc thách thức phương Tây như thế nào?”

Ông nhận định, Bắc Kinh đang tìm kiếm vai trò thống trị toàn cầu với sự bắt đầu từ thống trị Biển Đông. Đô đốc James A. Lyons viết:

“Các nhà lãnh đạo thế giới đến Hàng Châu, Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 trong 2 ngày 4/9 và 5/9 do Chủ tịch Tập Cận Bình tổ chức. Việc trải thảm đỏ đón các nhà lãnh đạo diễn ra bình thường, ngoại trừ Tổng thống Hoa Kỳ.

Không có cầu thang đón Tổng thống Obama khi ông xuống chuyên cơ. Đoàn tùy tùng của Nhà Trắng bao gồm cả các phóng viên báo chí quốc tế đã bị an ninh Trung Quốc “cố tình quấy rối”.

Gần như cả thế giới xem đó là điều xỉ nhục rõ ràng. Nó đã được hoạch định bởi người đứng đầu Trung Quốc – Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thông điệp mà Trung Quốc muốn chuyển tải qua những động thái này là, họ tin rằng không cần thiết phải phục tùng, thậm chí là tôn trọng đối với Hoa Kỳ.

Trung Quốc rõ ràng đã vượt trội hơn.

Cần phải nhớ rằng, mất thể diện ở Trung Quốc là chuyện quan trọng. 

Trong khi Tổng thống Barack Obama cố gắng xoa dịu chuyện này, ông nên nhớ rằng mình đang ở Trung Quốc và là đại diện của Hoa Kỳ, cũng như các nhà lãnh đạo khác của thế giới tự do.

Hành xử của Trung Quốc như vậy rõ ràng là điều không thể chấp nhận.

Khi Trung Quốc từ chối hành xử như một quốc gia có trách nhiệm, đáng lẽ Tổng thống nên ra lệnh cho chuyên cơ rời khỏi quốc gia này ngay lập tức.

Nếu ông làm như vậy, tôi tin rằng người Trung Quốc sẽ tìm thấy cầu thang phù hợp để đón ông xuống sân bay.

Trung Quốc được khuyến khích bởi sự thất bại của chúng ta trong vai trò một quyền lực lớn, họ đã bác bỏ hoàn toàn Phán quyết Trọng tài hủy bỏ đường 9 đoạn của họ ở Biển Đông.

Nước này tuyên bố, họ có kế hoạch tiếp tục quân sự hóa các rặng san hô, các đảo nhân tạo ở khu vực (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp trên Biển Đông.

Hơn nữa, Trung Quốc đang có hoạt động quân sự cùng với Nga ở Biển Đông. Mục đích thực sự của hoạt động này là gửi thông điệp tới Mỹ: Biển Đông thuộc về Trung Quốc, và Nga sẽ giúp họ bảo vệ các đảo nhân tạo đang tranh chấp, nếu cần.

Đó là thách thức rõ ràng đối với truyền thống tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế mà chúng ta đang theo đuổi.

Tôi tin rằng Trung Quốc đang cố gắng thiết lập một giai đoạn với sự cố giả tạo để khiêu khích dụ chúng ta vào một cuộc đối đầu.

Khu vực phù hợp nhất để họ tuyên bố yêu sách bất hợp pháp là bãi cạn Scarborough, nơi chỉ cách vịnh Subic 128 hải lý, rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines tuyên bố.

Để ngăn chặn sự thù địch leo thang, chúng tôi cùng các đồng minh của mình cần phải có cả những hành động công khai lẫn bí mật, để nâng cao mức độ răn đe đáng kể.

Thông thường chính phủ Mỹ sẽ có hành động và lực lượng để báo hiệu cho Trung Quốc khi bắt đầu một sự cố, rằng họ sẽ phải trả giá nặng nề.

“Bà đầm thép” Margaret Thatcher đã nói: Đây không phải lúc đi loạng choạng, ngài Tổng thống!”

Người viết cho rằng, bất luận nguyên nhân và động cơ vụ việc Tổng thống Obama không có cầu thang xuống máy bay và thảm đỏ từ nước chủ nhà khi sang dự hội nghị G-20 là gì, thì cách hành xử của ông Obama là văn minh, đúng mực.

Đúng sai thế nào, âm mưu ra sao dư luận thế giới sẽ tự có đánh giá. Nhưng chắc chắn không ai ca ngợi Trung Quốc vì những “sự cố ngoại giao” đại loại như thế.

Đô đốc James A. Lyons có lý với nhận xét, Trung Quốc muốn thống trị toàn cầu, thì thống trị Biển Đông sẽ là mục tiêu trước tiên.

Tuy nhiên, có phải những động thái leo thang của Trung Quốc ngoài Biển Đông và lập trường “3 không” của Bắc Kinh với Phán quyết Trọng tài bắt nguồn từ nhận thức của lãnh đạo nước này rằng, Mỹ đang thất thế, hay có một sự thỏa hiệp nào đó giữa Washington với Bắc Kinh, hiện còn những quan điểm khác nhau.

Về vai trò của Nga ở Biển Đông, người viết cho rằng Đô đốc James A. Lyons phải chăng đang lo xa quá, hoặc đánh giá Moscow quá cao khi nhận định, Nga sẽ giúp Trung Quốc bảo vệ các đảo nhân tạo đang tranh chấp, nếu cần?

Cá nhân người viết cho rằng, mục tiêu mà Nga hướng tới khi can thiệp vào Biển Đông có lẽ không ngoài 2 yếu tố: Bán vũ khí và tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc về kinh tế, chính trị trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây chưa được nới lỏng.

Nga và Trung Quốc đang đứng về một phe để thách thức vị thế của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như các vấn đề toàn cầu là một thực tế.

Tuy nhiên các siêu cường luôn tìm cách cạnh tranh, thỏa hiệp với nhau, đổi chác lợi ích địa chiến lược, địa chính trị, địa quân sự tại các điểm nóng toàn cầu để phục vụ các mục tiêu của họ cũng là một thực tế.

Do đó tình hình Biển Đông sẽ còn nóng âm ỷ, kéo dài và là nơi so đọ thực lực, đấu trường cạnh tranh của Trung Quốc – Hoa Kỳ trong thời gian tới. Sự tham dự của các cường quốc khác chỉ mang tính hỗ trợ.

RELATED ARTICLES

Tin mới