Khả năng Hàn Quốc phát triển công nghệ hạt nhân và yêu cầu mỹ đưa vũ khí hạt nhân chiến lược trở lại nước này đang khiến căng thẳng bán đảo leo thang rõ rệt.
Các xe tăng Hàn Quốc di chuyển gần Khu phi quân sự giữa 2 miền bán đảo. (Ảnh: AAP)
Trong bài phân tích đăng trên Thời báo Hoàn Cầu sáng 20/9, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt gọi việc Seoul kiên quyết triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc là hành động “xé rách vết thương” của bán đảo Triều Tiên.
Theo ông này, nếu Hàn Quốc tiến xa hơn trong chương trình nghiên cứu phát triển tàu ngầm hạt nhân thì đó sẽ là động thái “xát muối vết thương”.
Lý Kiệt phân tích, chính phủ của bà Park Geun Hye tin rằng mối đe dọa từ miền Bắc đang leo thang từng ngày và diễn biến theo xu hướng “thực chiến hóa”, với sức mạnh tấn công bao phủ toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc.
Đánh giá này được cho là cơ sở để quân đội Hàn Quốc hôm 11/9 chính thức công bố bản “Kế hoạch tác chiến trừng phạt trả đũa quy mô lớn” nhằm vào Triều Tiên, làm tăng khả năng bùng phát chiến tranh trên bán đảo.
Nhưng theo ông Lý, điều khiến Trung Quốc thực sự lo ngại chính là phản ứng dây chuyền mà hành động của Hàn Quốc có thể tạo ra, cụ thể là một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực với sự tham gia của Nhật Bản.
Học giả này nhận định việc Seoul theo đuổi chương trình phát triển tàu ngầm hạt nhân sẽ mở đường cho Tokyo tiến hành một kế hoạch hạt nhân của riêng mình.
Lý Kiệt quan ngại “những cơn sóng ngầm” sẽ nổi lên ở vùng biển Đông Á và Tây Thái Bình Dương. Nguy cơ xung đột dưới mặt nước và chiến tranh quy mô nhỏ đã gia tăng rõ rệt.
Hồi tháng 3/2016, Cục trưởng Cục pháp chế thuộc Nội các Nhật Bản Yokohata Yusuke tuyên bố trước Thượng viện nước này rằng “Nhật Bản sử dụng vũ khí hạt nhân không vi phạm hiến pháp”.
Ông Yusuke nói: “[Việc sử dụng vũ lực] cần thiết để bảo vệ quốc gia đã bị hạt chế tới mức độ thấp nhất, nhưng tôi không cho rằng có bất kỳ hình thức sử dụng vũ khí hạt nhân nào bị cấm trong Hiến pháp Nhật Bản.”
Thiếu tướng về hưu Từ Quang Dụ, cố vấn cấp cao Hiệp hội Kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị Trung Quốc trả lời phỏng vấn tờ Nhân dân Nhật báo đánh giá, phát ngôn của ông Yusuke tuy ít gặp nhưng đại diện cho một luồng quan điểm tồn tại đã lâu tại Nhật.
“Kể từ sau Thế chiến II, Tokyo vẫn không từ bỏ giấc mơ hạt nhân,” ông này nói.
Tướng Từ Quang Dụ cáo buộc: “Hiện nay Nhật Bản đang chờ đợi cơ hội khi vấn đề hạt nhân Triều Tiên tiếp tục căng thẳng.”
Cuối tháng 6 vừa qua, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ trên Public Broadcasting Service (Dịch vụ truyền thông công cộng), cho biết đã đề cập với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng việc Mỹ-Trung không đưa ra được giải pháp hiệu quả trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ kích động Tokyo phát triển vũ khí hạt nhân.
“Chuyện gì xảy ra nếu Nhật sở hữu vũ khí hạt nhân vào ngày mai? Họ đủ khả năng thực hiện điều đó gần như chỉ trong một đêm”, ông Biden nói với ông Tập.