Sunday, November 17, 2024
Trang chủBiển nóngDuy trì nguyên trạng Biển Đông bằng cách nào?

Duy trì nguyên trạng Biển Đông bằng cách nào?

Philippines chưa đàm phán song phương với Trung Quốc” là tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đưa ra tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) hôm 15/9.

Ông Rodrigo Duterte thăm căn cứ quân sự Scout Rangers hôm 15/9.

Bởi theo ông Perfecto Yasay, Bắc Kinh và Manila vẫn còn bất đồng về điều kiện đàm phán. Trong khi Manila muốn đàm phán dựa trên phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế tại La Haye (Hà Lan), thì Bắc Kinh chỉ muốn đàm phán ngoài khuôn khổ này.

Cảnh giác với kiểu tuyên truyền của Trung Quốc

Tờ Thời báo Hoàn Cầu vừa cảnh báo, với tính khí của Tổng thống Rodrigo Duterte, dù chỉ trích ai đi nữa, cũng sẽ không dễ để bên thứ ba lợi dụng. Và về lâu dài, Trung Quốc khó có thể ứng phó với ông này. Nên nhớ, ông Rodrigo Duterte từng tuyên bố: Nếu Trung Quốc đặt chân vào vùng biển tranh chấp, sẽ có một cuộc chiến đẫm máu xảy ra. Tổng thống Rodrigo Duterte vừa khẳng định, muốn mua vũ khí của Trung Quốc, nhưng trang CNBC lại dẫn nhận định của một số chuyên gia cho rằng, tuyên bố này có thể là chiêu trò nhằm kích Washington chống lại Bắc Kinh.

Nhiều người cho rằng, Trung Quốc đang lợi dụng những tuyên bố gây sốc của Tổng thống Rodrigo Duterte để chia rẽ mối quan hệ giữa Manila với Washington. Kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền đến nay (từ 30/6), Bắc Kinh luôn tận dụng mọi cơ hội để cải thiện mối quan hệ với Manila. Ngày 15/9, tờ The Diplomat dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết, Philippines sẽ tiếp tục theo đuổi đối thoại chính thức với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, cho dù 2 nước vẫn tồn tại bất đồng về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông Perfecto Yasay còn nhấn mạnh, tranh chấp Biển Đông chỉ là “một phần nhỏ” trong quan hệ toàn diện của Philippines với Trung Quốc và Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tìm mọi cơ hội để cải thiện mối bang giao này. Ngoại trưởng Philippines cũng hy vọng, các cuộc đối thoại sẽ mở cánh cửa cho 2 nước giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Không cầm dao đằng lưỡi

Tờ The Wall Street Journal vừa dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết, chính quyền của Tổng thống Barack Obama “sửng sốt” trước những động thái của Philippines và đang theo dõi tình hình. Washington cũng phát tín hiệu cảnh báo khi một quan chức cấp cao cho hay, Tổng thống Rodrigo Duterte đang “tự cô lập với giới chính trị tinh hoa và quân đội Philippines” vì cả hai đều muốn có quan hệ vững chắc với Mỹ nhằm ứng phó với Trung Quốc. Bởi trước đó, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố, muốn đuổi tất cả lính đặc nhiệm Mỹ ra khỏi Mindanao, cho dù họ đang huấn luyện binh sĩ nước này chống lại nhóm Hồi giáo cực đoan Abu Sayyaf. Tiến sĩ Ian Storey, thành viên cấp cao của Viện Iseas-Yusof Ishak, Singapore khẳng định, những sĩ quan chỉ huy từng có thời gian cộng tác với quân đội Mỹ chiến đấu chống khủng bố đã vô cùng kinh ngạc trước những phát biểu của Tổng thống Rodrigo Duterte gần đây.

Ngày 16/9, tờ The Wall Street Journal nhận định, việc Tổng thống Rodrigo Duterte tìm cách lật ngược quan hệ đồng minh mấy chục năm qua với Mỹ đang thúc đẩy mối quan tâm bên trong quân đội, lực lượng ông phải tìm kiếm sự ủng hộ. Và ông Rodrigo Duterte có thể bị lật đổ, nếu cố tìm cách lật ngược quan hệ đồng minh với Mỹ. Sau khi nhậm chức, ông Rodrigo Duterte đã dành nhiều thời gian đến thăm các căn cứ quân sự, để tìm kiếm sự ủng hộ của các tướng và các đơn vị chủ lực. Và đi đến đâu, ông Rodrigo Duterte cũng tái nhấn mạnh cam kết: Sẽ tăng gấp đôi lương cho quân nhân.

Thậm chí khi thăm căn cứ Scout Rangers hôm 15/9, Tổng thống Rodrigo Duterte hứa cung cấp cho mỗi quân nhân của đơn vị này một khẩu súng lục Glock mới trong vòng 1 tháng… Nhưng nhiều tướng lĩnh không đồng tình với chính sách của Tổng thống Rodrigo Duterte và điển hình là Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana. Bởi khi phát biểu trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ ở Washington hôm 14/9, ông Delfin Lorenzana tuyên bố: Tổng thống Rodrigo Duterte đã sai lầm khi muốn cố vấn quân sự Mỹ phải rời khỏi Mindanao. “Chúng tôi vẫn cần họ, vì họ có khả năng giám sát mà lực lượng vũ trang Philippines không có”, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana nhấn mạnh.

Trước đó (13/9), Hãng Reuters dẫn tuyên bố của người phát ngôn quân đội Philippines, Chuẩn tướng Restituto Padilla khẳng định, các mối quan hệ quốc phòng của Manila với Washington vẫn “vững như bàn thạch”.

Trong khi quân đội Philippines lệ thuộc vào viện trợ quân sự của Mỹ thì Washington cần sử dụng các căn cứ ở Philippines bởi các căn cứ ở Nhật Bản và đảo Guam quá xa Đông Nam Á – “chổi ngắn không quét được mạng nhện xa”. Bà Clarita Carlos, cựu Giám đốc Đại học Quốc phòng quốc gia Philippines cho rằng, ông Rodrigo Duterte lẽ ra cần được thông báo kỹ hơn về tầm quan trọng của liên minh với Mỹ. Và khi đó, Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ không có những phát ngôn gây sốc như vừa qua.

Giới phân tích chỉ rõ, mặc dù Washington cố tỏ ra “không chấp” và một số quan chức Philippines đã tìm cách “nói lại cho rõ” về những phát ngôn của ông Rodrigo Duterte, nhưng dấu hiệu Manila muốn giữ khoảng cách với Mỹ đang hiện hữu. Tờ Manila Times từng cảnh báo, nếu trở nên quá gần gũi với Mỹ, Philippines sẽ gặp rủi ro bị kéo vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc và điều này tiềm ẩn những nguy hiểm nghiêm trọng đối với lợi ích quốc gia và người dân Philippines.

Còn theo Ngoại trưởng Perfecto Yasay, một số phát biểu của Tổng thống Rodrigo Duterte đã bị hiểu sai. Thứ nhất, việc ông Rodrigo Duterte kêu gọi lực lượng đặc nhiệm Mỹ rút khỏi miền Nam Philippines là để giữ cho họ không bị tổn thương khi các lực lượng của Manila mở chiến dịch tấn công phiến quân Abu Sayyaf. Thứ hai, việc ông Rodrigo Duterte phản đối các cuộc tuần tra chung với Mỹ chỉ liên quan đến “Vùng đặc quyền kinh tế” (EEZ) của Philippines, chứ không phải những cuộc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh lãnh thổ nước này. Trước đó, ông Rodrigo Duterte từng tuyên bố, tham gia tuần tra chung với Mỹ hoặc Trung Quốc có thể khiến Philippines mắc kẹt giữa xung đột.

Tam giác chiến lược Scarborough Hoàng Nham

Ngày 15/9, tờ Straits Times đăng bài “Duterte và cán cân quyền lực Mỹ – Trung ở Đông Nam Á” của chuyên gia Daljit Singh đến từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á – Yusof Ishak. Theo đó, quan hệ Mỹ – Philippines hiện đang trở lại thời kỳ khó khăn sau tuyên bố hôm 10/9 của Tổng thống Rodrigo Duterte – tôi không phải là người hâm mộ Mỹ và Manila sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập.

Theo nhận định của chuyên gia Daljit Singh, có thể ông Rodrigo Duterte cần tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng từ Trung Quốc để vực dậy nền kinh tế Philippines, nên muốn “hòa giải” với Bắc Kinh. Nhưng đây là việc không dễ làm, nếu như không muốn nói “không thể”. Bởi Bắc Kinh không công nhận phán quyết của Tòa Trọng tài, sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Và chẳng có gì bảo đảm Trung Quốc sẽ không quân sự hóa bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Giới quân sự cho rằng, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham tuy chỉ rộng hơn 150km2 và nằm cách bờ biển Philippines chưa đầy 240km, nhưng hiện là mảnh ghép cuối của tam giác Trung Quốc muốn dựng ở Biển Đông. Và bãi cạn Scarborough/Hoàng được đánh giá là “quân bài thay đổi cuộc chơi” đối với tham vọng kiểm soát Biển Đông của Bắc Kinh. Ông Yoji Koda, cựu Phó đô đốc thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản từng có bài viết trên Tạp chí Asia Policy cảnh báo, “tam giác chiến lược” Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham có thể là “quân bài thay đổi cuộc chơi” đối với cán cân quyền lực tại khu vực này. Theo bình luận viên Steve Mollman, nếu Bắc Kinh muốn độc chiếm Biển Đông, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham có thể là mảnh ghép cuối cùng còn thiếu. Do đó, việc đầu tiên Bắc Kinh cần làm là biến bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thành đảo nhân tạo.

Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ khó lùi bước nếu Trung Quốc cải tạo bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Và trước sức ép của công chúng, ông Rodrigo Duterte sẽ buộc phải cứng rắn nếu Trung Quốc thay đổi hiện trạng bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Theo nhận định của tờ The Economic Times, bất kỳ một hòn đảo nhân tạo nào mọc lên từ bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham cũng đồng nghĩa với một sự thay đổi và Mỹ không bao giờ chấp nhận việc này. Bởi khi đó, Trung Quốc sẽ dễ dàng kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, tăng nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ. Trong một cuộc gặp song phương hồi tháng 3/2016, Tổng thống Barack Obama đã trực tiếp cảnh báo với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình: Bắc Kinh không được xây dựng bất kỳ đảo nhân tạo nào ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham.

Khi chia sẻ với các phóng viên ASEAN trong cuộc họp báo qua điện thoại sáng 14/9, bà Nina Hachigian, Đại sứ Mỹ tại ASEAN cho rằng, quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Philippines sẽ tồn tại và vẫn duy trì mạnh mẽ vì hai nước đã có mối hợp tác lâu dài, bất chấp những tuyên bố gây sốc mới đây của Tổng thống Rodrigo Duterte. Theo giới phân tích thì, những phát ngôn gây sốc của Tổng thống Rodrigo Duterte nên Washington sẽ có 2 lựa chọn sau khi Nhà Trắng có chủ nhân mới. Theo đó, nếu ông Donald Trump thắng cử, Mỹ sẽ cắt viện trợ và rút quân khỏi Philippines, thậm chí từ bỏ quan hệ đồng minh, nếu ông Rodrigo Duterte muốn. Còn nếu bà Hillary Clinton là tân Tổng thống, Washington sẽ tìm cách vuốt ve Manila và đua tranh quyền lực mềm với Trung Quốc tại Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới