Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên đã trở thành một trong những nội dung chính được đề cập tại cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.
Hình ảnh vụ thử động cơ tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Bán đảo Triều Tiên đang đối mặt với nguy cơ xung đột cận kề sau vụ thử hạt nhân lần thứ 5 của Triều Tiên hôm 9/9 vừa qua. Hàn Quốc ngày 21/9 cũng điều khoảng 4.000 quân tham gia tập trận gần biên giới trên biển với Triều Tiên, trong khi Triều Tiên tiếp tục cảnh báo sẽ tấn công hạt nhân nếu Hệ thống phòng thủ giai đoạn cuối THAAD của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc.
Tuyên bố của lực lượng lính thủy đánh bộ Hàn Quốc cho biết, Hải quân và lực lượng phản ứng nhanh bao gồm 4.000 binh sỹ đã tham gia cuộc tập trận tại các hòn đảo gần biên giới trên biển với Triều Tiên.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh quân đội Mỹ cùng ngày điều hai máy bay ném bom chiến lược siêu thanh B-1B Lancer tới Hàn Quốc nhằm phô diễn sức mạnh sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 5.
Mỹ và Hàn Quốc cùng ngày cũng thông báo sẽ tổ chức một cuộc tập trận vào tháng tới, với tình huống giả định là tấn công vào một cơ sở hạt nhân. Mặc dù các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết, cuộc tập trận không nhằm vào Triều Tiên nhưng giới quan sát lại cho rằng, cuộc tập trận này không phải là điều ngẫu nhiên.
Phản ứng trước việc Mỹ và Hàn Quốc phô trương sức mạnh, Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm qua (21/9) tuyên bố, Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, khi được triển khai tại Hàn Quốc, sẽ là mục tiêu hàng đầu của các cuộc tấn công hạt nhân từ Triều Tiên.
Tuyên bố này của Triều Tiên có thể làm nóng lên các cuộc biểu tình của người dân ở Seongju, Hàn Quốc- nơi có thể sẽ là địa điểm bố trí THAAD . Nhiều người dân lo ngại rằng, việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tại đây sẽ biến thị trấn này thành mục tiêu tấn công của Triều Tiên.
Căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên cũng là một trong những nội dung chính được đề cập tại cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, mối đe dọa từ Triều Tiên sau loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân trong năm nay là khác biệt về bản chất so với trước đây, do đó đòi hỏi cộng đồng Quốc tế cần một phản ứng hoàn toàn khác.
Ông Abe nói: “Ngay trước mắt chúng ta, Triều Tiên đang tiến hành một kế hoạch mà không nghi ngờ gì đó là một mối đe dọa đang đạt đến một mức độ hoàn toàn khác so với những gì chúng ta biết cho đến thời điểm hiện nay. Do đó chúng ta cũng cần phải có một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Chúng ta phải tập trung sức mạnh để cản trở kế hoạch này của Triều Tiên”.
Mỹ, Anh và Pháp đang kêu gọi 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Tuy nhiên, 2 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Nga và Trung Quốc cho rằng, trừng phạt không phải là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng, cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết những vấn đề nóng của thế giới như ở Syria hay Triều Tiên bằng giải pháp chính trị và tiến hành đối thoại.
Ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh: “Chúng ta phải theo đuổi các giải pháp chính trị cho những vấn đề nóng. Lịch sử đã chứng minh rằng gây sức ép bằng vũ lực có thể dẫn đến xung đột và chiến tranh mà theo đó không có ai giành chiến thắng. Về vấn đề Triều Tiên, chúng tôi cam kết đối với phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, ủng hộ hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, tìm kiếm các giải pháp dựa trên đối thoại và tham vấn”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho rằng, quốc tế nên tìm cách mới phản ứng với các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên giúp giảm căng thẳng, hơn là chỉ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Tuy nhiên trong một dấu hiệu cho thấy khả năng Trung Quốc có thể nới lỏng lập trường về vấn đề Triều Tiên khi các nhà ngoại giao Liên Hợp Quốc cho biết, Trung Quốc và Mỹ đang bắt đầu thảo luận về khả năng một nghị quyết trừng phạt mới về Triều Tiên.