Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCanada đón Thủ tướng TQ một cách thận trọng

Canada đón Thủ tướng TQ một cách thận trọng

Thời điểm Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đặt chân xuống sân bay Ottawa ngày 21/9 đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Canada từ năm 2010 và sự thay đổi lớn trong quan hệ hai nước kể từ sau đó.

Tuy nhiên, đằng sau cái bắt tay nồng hậu giữa Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau và người đồng cấp Trung Quốc là sự cân nhắc thiệt hơn của Ottawa.

Cùng cần đến nhau…

Sau ba tuần kể từ cuộc gặp tại Bắc Kinh hồi đầu tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Canada Justin Trudeau lại trải thảm đỏ đón chào người đồng cấp Trung Quốc.

Trong chuyến công du kéo dài 3 ngày, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ có một loạt hoạt động để ổn định và làm sâu sắc thêm quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Canada.

Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về đầu tư, hợp tác môi trường, hợp tác pháp luật và tư pháp, giao lưu văn hóa.

Các nội dung chính sẽ được bàn thảo bao gồm thúc đẩy thảo luận Hiệp định dẫn độ song phương, Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương và những quy định mới của Trung Quốc đối với mặt hàng cải dầu xuất khẩu của Canada.

Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada, sau Mỹ, với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đạt 85,8 tỷ đôla Canada (CAD) trong năm 2015, tăng 10% so với năm 2014.

Riêng về cải dầu, Trung Quốc hiện đang mua tới 40% tổng lượng xuất khẩu hàng năm của Canada, đạt giá trị khoảng 2 tỷ CAD mỗi năm. Trong 5 năm gần đây, cải dầu luôn nằm trong top các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Canada sang Trung Quốc.

Sức mạnh của nền kinh tế thứ 2 thế giới với nguồn tiền lớn dành cho đầu tư ra nước ngoài (hơn 629,6 tỷ USD tính từ năm 2005 đến nay), GDP tăng gần gấp đôi trong sáu năm qua, bất chấp sự sụt giảm gần đây, Trung Quốc thực thụ là một “con rồng” không chỉ của châu Á.

Trung Quốc luôn được mời chào, kêu gọi đến đầu tư không chỉ ở các nước nghèo, nước đang phát triển, mà còn ở các nước phát triển như Canada.

Ngược lại, một nước mà tài nguyên thiên nhiên là xương sống của nền kinh tế, thì Canada luôn là niềm khao khát của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng trì trệ do giá dầu thế giới giảm, do tác động từ cháy rừng ở tỉnh dầu mỏ Alberta, nền kinh tế Canada đã bị suy giảm đến 1.6 % trong Quý II/2016, điều chưa từng xảy ra kể từ 2009 (Số liệu công bố ngày 31/8 của Cơ quan Thống kê Canada).

Canada đang rất cần một nguồn đầu tư lớn để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng trở lại. Canada nhìn thấy điều đó ở Trung Quốc.

Chính vì thế, mối quan hệ được thúc đẩy trên nền tảng “win-win: hai bên cùng thắng”, như lời Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố, quan hệ Ottawa – Bắc Kinh, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế – thương mại phải được “cập nhật và tái nạp năng lượng”.

Chuyến thăm chính thức của ông đến Trung Quốc hồi đầu tháng này và chuyến thăm lần này của Thủ tướng Lý Khắc Cường được mô tả là “làm hồi sinh một tình bạn đang chết”.

… nhưng thận trọng trong đàm phán

Một trong những nội dung quan trọng trong chuyến thăm Canada của ông Lý Khắc Cường lần này là nhằm thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa hai nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Victor Zhikai Gao, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh mong muốn mở rộng đầu tư vào Canada, nhưng không chắc rằng Ottawa sẽ muốn bắt đầu đàm phán sớm.

Trước việc Trung Quốc ban hành quy định mới về vấn đề nhập khẩu dầu hạt cải từ Canada hôm 1/9 vừa qua, cũng như suy nghĩ về kinh nghiệm của Australia trong việc xuất khẩu than đá khi nước này đã ký kết FTA với Bắc Kinh sau 10 năm đàm phán, các nhà xuất khẩu than đá của Australia bất ngờ bị Trung Quốc sử dụng các rào cản phi thuế quan dựa trên các tiêu chuẩn độ tinh khiết cao hơn để hạn chế nhập khẩu… khiến Ottawa tỏ ra thận trọng trong đàm phán FTA giữa hai nước.

Mặt khác, phản ứng của người dân Canada cũng khiến Chính phủ của Thủ tướng Trudeau không thể không cân nhắc trong việc thúc đẩy tự do thương mại với Bắc Kinh.

Một cuộc điều tra mới đây nhất của Tổ chức nghiên cứu EKOS (Canada) cho thấy, 46% người dân được hỏi phản đối một thỏa thuận tự do thương mại với Trung Quốc.

Tỷ lệ tương tự lo lắng rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Canada là một mối đe dọa cho các giá trị và đời sống của người dân nước này, trong khi đó, 51% nói rằng Canada nên từ bỏ việc kinh doanh với Trung Quốc.

Một vấn đề khác, trước thềm chuyến thăm chính thức Canada của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai nước đã đồng ý bắt đầu các cuộc thảo luận về hiệp định dẫn độ giữa hai nước trong chuyến công du tới Trung Quốc đầu tuần trước của ông Daniel Jean, Cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Trudeau.

Hiệp định được ký kết sẽ mở đường cho việc đưa các quan chức Trung Quốc phạm tội trở về nước xét xử, đồng thời, cho phép hai chính phủ chia sẻ thông tin về các nguồn tài chính do những người Trung Quốc thuộc diện nghi vấn đưa đến Canada.

Tuy nhiên, khả năng ký kết hiệp định dẫn độ vẫn đang bỏ ngỏ. Trung Quốc – quốc gia luôn mong muốn áp giải các quan chức tham nhũng đang lẩn trốn tại Canada về nước, từ lâu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một hiệp định như vậy.

Ngược lại, Canada do dự trong việc ký các thỏa thuận dẫn độ với Trung Quốc. Một số người bị buộc tội tham nhũng tại Trung Quốc có thể bị xử tử. Canada từ chối dẫn độ những người nước ngoài về nước nếu không có các cam kết rằng họ sẽ không bị xử tử.

Chính vì vậy, Ottawa sẽ thận trọng cân nhắc việc ký kết hiệp ước này. “Dẫn độ chắc chắn là một trong những vấn đề mà Trung Quốc muốn bàn đến”, Thủ tướng Trudeau phát biểu tại cuộc họp báo ở LHQ hôm 20/9 vừa qua.

“Như mọi người đều biết, Canada đòi hỏi các tiêu chuẩn cao nếu xét về hiệp định dẫn độ mà phù hợp với các giá trị của chúng tôi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới