Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiRadar lượng tử gây sốc có thể chỉ là đòn gió của...

Radar lượng tử gây sốc có thể chỉ là đòn gió của TQ

Việc Trung Quốc công khai công nghệ radar lượng tử được mệnh danh “sát thủ mọi máy bay tàng hình” khiến giới chuyên gia nghi ngờ.

Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC), một trong 10 công ty quân sự quốc doanh hàng đầu của nước này, mới đây đã khiến giới chuyên gia quân sự quốc tế bị sốc khi tuyên bố đã thử nghiệm thành công loại radar lượng tử mới, có thể phát hiện mọi loại máy bay tàng hình từ khoảng cách trên 100 km, theo SCMP.

Truyền thông Trung Quốc lập tức ca ngợi công nghệ này hết lời, coi đây là thứ vũ khí mới có thể khai tử những loại máy bay tàng hình hiện đại nhất thế giới, kể cả F-35, F-22 hay B-2 của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quốc phòng cho rằng đây có thể chỉ là chiêu trò đánh bóng tên tuổi của Trung Quốc nhằm thể hiện sức mạnh công nghiệp quốc phòng của mình, và một loại radar lượng tử “sát thủ máy bay tàng hình” như vậy còn rất lâu mới có thể hiện diện.

Trong tuyên bố đăng trên website của mình, CETC nói rằng hệ thống “radar đơn photon” của họ có “giá trị ứng dụng quân sự quan trọng”, bởi nó có thể phát hiện được các vật thể vốn vô hình đối với các loại radar thông thường.

Theo chuyên gia Mehul Malik thuộc Viện Quang học, Đại học Rochester, New York, radar lượng tử nếu phát triển thành công sẽ là một hệ thống không thể gây nhiễu được. “Để gây nhiễu được hệ thống này, máy bay tàng hình phải can thiệp vào photon A để nó tạo ra hình ảnh giả. Nhưng sự can thiệp đó sẽ làm mất ổn định tín hiệu, thiết bị radar sẽ báo lỗi, cho thấy có kẻ địch đang tìm cách gây nhiễu nó”, Malik giải thích.

radar-luong-tu-gay-soc-co-the-chi-la-don-gio-cua-trung-quoc-1

Radar lượng tử được cho là có thể phát hiện các loại máy bay tàng hình hiện đại của Mỹ. Ảnh: USAF

Global Times, ấn phẩm của People’s Daily, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn lời một chuyên gia nghiên cứu về radar quân sự tại một trường đại học ở tây bắc Trung Quốc nói rằng tầm hoạt động thực tế của radar này có thể còn vượt xa thông số trong tuyên bố của CETC. “Thông số trong các tài liệu được giải mật thường bị hạ thấp so với thực tế. Thông tin này đã được lan truyền trong cộng đồng nghiên cứu radar”, chuyên gia giấu tên này cho hay.

Đánh bóng

Chuyên gia phân tích quân sự người Mỹ Kyle Mizokami lại tỏ ra nghi ngờ về sức mạnh của “sát thủ máy bay tàng hình” mà truyền thông Trung Quốc hết lời ca ngợi này, cho rằng đây có thể chỉ là một chiêu trò tự đánh bóng tên tuổi cho ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.

Theo Mizokami, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới nghiên cứu công nghệ radar lượng tử. Ngay từ năm 2008, tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ đã được trao bằng sáng chế đối với một thiết kế radar lượng tử lý thuyết. Radar mà hãng này tham vọng phát triển còn có sức mạnh khủng khiếp hơn, khi có thể “trực quan hóa các chi tiết của mục tiêu đằng sau lớp ngụy trang, đám mây plasma bao quanh các đầu đạn siêu thanh, hay các lớp phủ dày của cơ sở dưới lòng đất, thậm chí là mìn, vật liệu nổ chôn ven đường, và các mối đe dọa khác”.

Tuy nhiên, sau khi được cấp bằng sáng chế, Lockheed hoàn toàn im hơi lặng tiếng về tiến triển của dự án chế tạo radar lượng tử. Mizokami cho rằng với lợi thế về công nghệ của một trong những tập đoàn vũ khí hàng đầu thế giới, Lockheed có thể đã đạt được bước tiến nào đó, và nghiên cứu này đã bị “bôi đen”, được xếp vào diện tuyệt mật và được giữ kín thông tin hoàn toàn.

Việc giữ kín tuyệt đối các vũ khí, công nghệ mới là điều mà các cường quốc quân sự thường làm, nhằm đảm bảo khả năng chiếm ưu thế trước đối thủ. Vậy nên việc Trung Quốc công khai thông tin về hệ thống radar được cho là hiện đại nhất thế giới có thể vạch mặt bất cứ loại máy bay tàng hình nào như vậy khiến các chuyên gia quân sự không khỏi bất ngờ.

Trong một bài viết trên trang quân sự ArsTechnica, chuyên gia Chris Lee tỏ ra nghi ngờ về viễn cảnh radar lượng tử “được đưa ra khỏi phòng thí nghiệm” để ứng dụng vào thực tế trong tương lai gần, nhất là trong lĩnh vực quân sự, bởi đây vẫn là một hệ thống quá phức tạp và khó kiểm soát.

Một nhà vật lý tại Đại học Nam Kinh, nơi có phòng nghiên cứu của CETC, từng thừa nhận trên SCMP rằng “các thách thức lớn về kỹ thuật từ lâu đã giam hãm công nghệ radar lượng tử trong phòng thí nghiệm”.

radar-luong-tu-gay-soc-co-the-chi-la-don-gio-cua-trung-quoc-2

Nếu phát triển thành công, radar lượng tử có thể đánh bại mọi kỹ thuật gây nhiễu hiện nay. Ảnh minh họa: TheVerge

Mizokami cho rằng nếu Trung Quốc thực sự thành công trong các thử nghiệm với radar lượng tử có tầm hoạt động xa như thế, họ sẽ không bao giờ công bố thành tựu mang tính đột phá về mặt quân sự có thể đem lại cho họ rất nhiều lợi thế trên chiến trường như vậy. Họ sẽ tiếp tục âm thầm phát triển nó, chế tạo hàng loạt và biên chế vào quân đội, nhằm giữ ưu thế bất ngờ trên chiến trường. Việc các tờ báo, hãng tin nhà nước Trung Quốc đưa tin về thử nghiệm thành công này mà không hề có một bức ảnh hay bằng chứng thuyết phục nào càng củng cố giả thuyết này.

Tuy nhiên, chuyên gia này chỉ ra một thực tế là Trung Quốc chắc chắn đang nuôi tham vọng chế tạo một loại radar có uy lực khủng khiếp để xóa bỏ ưu thế tàng hình của Mỹ. “Bắc Kinh không đời nào chịu ngồi yên trước một công nghệ có thể khiến hàng trăm tỷ USD mà Washington đã đầu tư vào máy bay tàng hình trở nên đổ sông đổ bể”, Mizokami nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới