Mặc dù thường xuyên chỉ trích Triều Tiên trong các hội nghị quốc tế hay trên các phương tiện truyền thông, nhưng khi đã nghỉ hưu, các cựu quan chức Mỹ lại lặng lẽ tham gia vào những cuộc đàm phán với giới chức Bình Nhưỡng để thảo luận về mối quan hệ của hai nước.
Triều Tiên khẳng định nước này là một cường quốc hạt nhân – Ảnh: SCMP.
Trên mặt báo, giới chức Mỹ và Triều Tiên hầu như không nói chuyện hay tiếp xúc với nhau do rào cản từ những phát ngôn “đụng chạm” tại các hội nghị quốc tế. Trước đó, một nhà ngoại giao Triều Tiên đã gọi đại sứ Mỹ tại Seoul là “một nhân vật phản diện hay một kẻ điên”.
Ngược lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama trong bài phát biểu trước các quan chức Liên Hiệp Quốc nói rằng Triều Tiên là một “vùng đất hoang” so với Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc công việc của mình, các cựu quan chức ngoại giao hay tình báo Mỹ thường xuyên làm việc với các chuyên gia và quan chức cấp cao của Triều Tiên.
Họ tiến hành các cuộc họp ở Singapore, Berlin, Bắc Kinh và nhiều nơi khác trên khắp thế giới để thảo luận về mọi thứ, từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên cho đến những biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Các cựu quan chức Mỹ cũng nhắc đến những lo ngại an ninh ngày càng tăng ở Washington, Seoul và Tokyo, khi Triều Tiên tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa.
“Triều Tiên hiểu rằng chúng tôi không đại diện cho chính phủ Mỹ. Vì vậy, đôi khi chúng tôi có thể thảo luận một cách cởi mở với các quan chức Triều Tiên, điều mà chính phủ Mỹ không làm được.
Tôi có thể nói với họ rằng: Này, đây là lý do tại sao Nhà Trắng thực hiện điều này với Triều Tiên. Hãy nhìn xem các bạn đang làm những gì”, Leon V. Sigal, một cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói về những cuộc trò chuyện bí mật giữa các cựu quan chức Mỹ với giới chức Triều Tiên.
Washington và Bình Nhưỡng từng âm thầm tổ chức một loạt các cuộc thảo luận công khai vào cuối năm 2015, nhưng không đạt được kết quả tích cực nào. Triều Tiên sau đó đã tiến hành thêm 2 vụ thử nghiệm hạt nhân, một loạt vụ thử tên lửa và bổ sung vào kho vũ khí ngày càng nhiều các thiết bị tinh vi.
Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa nối lại bất cứ một cuộc đàm phán chính thức nào nhằm giải quyết mối lo ngại chương trình hạt nhân và các biện pháp trừng phạt.
Các chuyên gia phân tích cho rằng những cuộc thảo luận giữa cựu quan chức Mỹ với giới chức Triều Tiên là một phần quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước. Chính phủ Mỹ có thể thông qua các cựu quan chức ngoại giao để truyền đạt những thông điệp bí mật đến Triều Tiên mà không cần phải tổ chức một cuộc đàm phán công khai. Ngược lại, Bình Nhưỡng có thể gián tiếp gửi các thông điệp của riêng nước này đến Washington.
“Trong các cuộc họp vào những tháng gần đây, chúng tôi đã đưa ra ý tưởng về một cuộc đối thoại phi hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên. Nhưng các quan chức Bình Nhưỡng dứt khoát rằng sẽ không có phi hạt nhân hóa và khẳng định Triều Tiên hiện là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân”, Evans Revere, một chuyên gia phân tích chính sách châu Á tại Bộ Ngoại giao, cho biết.