Thursday, January 9, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiLiệu Ấn Độ còn tin Nga trong cuộc đấu với TQ

Liệu Ấn Độ còn tin Nga trong cuộc đấu với TQ

Thải loại dần những máy bay lạc hậu của Nga, Ấn Độ mua máy bay hiện đại của phương Tây nhằm hóa giải mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu Rafale

Thực trạng đáng lo ngại

Chính phủ Ấn Độ đã chính thức thông qua thỏa thuận mua 36 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp với trị giá gần 8 tỷ USD.

Đây là hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn nhất của tập đoàn chế tạo máy bay quân sự Dassault, sau khi đã bán được cho Qatar và Ai Cập mỗi nước 24 chiếc Rafale.

Thông báo chính thức từ phía Chính phủ của Thủ tướng Narenda Modi được đưa ra sau gần một năm rưỡi thương lượng giữa Paris và New Delhi. Đây cũng là hợp đồng thương mại trọng tâm trong quan hệ Pháp-Ấn.

Cho đến năm 2015, Ấn Độ mới chỉ có 35 phi đội máy bay chiến đấu với mỗi phi đội gồm 18 chiếc. Trong khi đó, không quân Ấn Độ dự trù phải cần ít nhất 42 phi đội để có thể bảo vệ được đường biên giới phía tây và bắc với Pakistan và Trung Quốc.

Lực lượng bay chiến đấu của không quân Ấn Độ hiện tại không những thiếu mà còn lạc hậu, gồm chủ yếu toàn những loại máy bay đã cũ kỹ và không đồng bộ, như MiG-21, MiG-27, MiG-29, các loại SU-30 MKI, Mirage của Pháp hay Jaguar của Anh và một số ít Tejas tự chế tạo trong nước.

Không quân Ấn Độ đang dần thải loại những chiếc MiG-21 đã lạc hậu song chưa được bù lại bằng các loại máy bay chiến đấu mới. Năm 2015, trước Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Ấn Độ, một đại diện của không quân đã báo cáo là từ nay đến năm 2022, Ấn Độ sẽ rút lại chỉ còn 25 phi đội máy bay chiến đấu.

Về số lượng, như vậy là ngang bằng với Pakistan. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh rằng Ấn Độ còn phải rất chú ý tới mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng gia tăng hiện nay.

Năm 2012, Ấn Độ bắt đầu đàm phán riêng với tập đoàn Dassault trong dự án mua 126 máy bay chiến đấu hiện đại với điều kiện được chuyển giao công nghệ. Nhưng hợp đồng khổng lồ đó đã không thể đạt được vì giá thành chuyển giao công nghệ của Rafale quá cao.

Hai bên đã phải trải qua nhiều cuộc thương lượng để xích dần từng bước lại với nhau. Hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar đã giải thích là Chính phủ sẽ điều chỉnh lại việc đặt hàng sau khi thảo luận với lực lượng không quân.

Trong chuyến công du Paris tháng 4/2015, Thủ tướng Narendra Modi đã thông báo New Delhi có ý định mua 36 chiếc Rafale hoàn chỉnh và hợp đồng mua bán chỉ được đàm phán trong khuôn khổ thỏa thuận giữa hai Nhà nước.

Trang bị máy bay chiến đấu hiện đại Rafale, quân đội Ấn Độ sẽ trút bớt nỗi lo về khả năng quốc phòng yếu kém. Từ nhiều năm nay, giới chức quân sự nước này luôn phàn nàn về tình trạng trang bị của quân đội Ấn Độ không đủ tầm để đối mặt với những thách thức địa chính trị trong vùng.

Báo chí Pháp cho rằng, ngoài mối hiềm khích với người hàng xóm Pakistan từ khi giành độc lập, Ấn Độ đang phải sẵn sàng đối mặt với đà gia tăng sức mạnh quân sự cùng với những tham vọng chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại châu Á.

Đó là chưa kể Ấn Độ vẫn luôn có những tranh chấp lãnh thổ dai dẳng với hai người hàng xóm này xung quanh vùng núi Hymalaya.

Chưa hết mối lo

Mua máy bay chiến đấu Rafale, mục tiêu trước mắt của Ấn Độ là hiện đại hoá lực lượng không quân hiện gồm chủ yếu các máy bay Nga đang gần hết hạn sử dụng. Còn về lâu dài hợp đồng này cùng với chuyển giao công nghệ sẽ giúp Ấn Độ phát triển công nghiệp hàng không quân sự, hiện mới chỉ đang còn chập chững với sản phẩm duy nhất là loại máy bay chiến đấu Tejas rất hạn chế về khả năng tác chiến.

Theo các chuyên gia quân sự Ấn Độ, hợp đồng 36 chiếc Rafale này mới chỉ là bước đầu, New Delhi sẽ còn phải chi tiêu nhiều hơn nữa để đối phó với sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc ngày nay.

Cho đến lúc này, với Pakistan, Ấn Độ đã có thể kiềm chế được, nhưng so với Trung Quốc, tiềm lực quân sự của Ấn Độ vẫn còn thấp hơn nhiều.

Hợp đồng bán cho Ấn Độ 36 chiếc Rafale là một thắng lợi của ngành xuất khẩu vũ khí Pháp. Mặc dù được đánh giá là tinh hoa của ngành hàng không quân sự Pháp, nhưng không phải dễ dàng để Rafale có mặt trong không lực Ấn Độ.

Cuộc phiêu lưu của Rafale đến Ấn Độ bắt đầu từ năm 2007 khi New Delhi mở thầu mua 126 máy bay chiến đấu, khi đó có không ít các đối thủ cạnh tranh với Rafale nhảy vào cuộc.

Cuối cùng thì Rafale đã thuyết phục được không quân Ấn Độ trước nhiều loại máy bay chiến đấu hiện đại như Eurofighter Typhoon (Anh) và Gripen của tập đoàn Saab (Thụy Điển), F-16 của Lockheed-Martin, F-18 của McDonnell Douglas (Mỹ) hay như MiG-35 (Nga).

Được quân đội Pháp đưa vào sử dụng từ năm 2004, nhưng Rafale liên tiếp gặp phải thất bại trên thị trường xuất khẩu vũ khí. Thành công đầu tiên được biết đến là vào tháng 2/2015, Ai Cập bất ngờ đặt mua của Pháp 24 chiếc Rafale.

Hai tháng sau đó, một hợp đồng 24 chiếc khác tiếp tục được ký với Qatar. Nếu tính cả đơn hàng ký với Ấn Độ vào ngày 23/9, số lượng Rafale xuất khẩu đã chiếm được gần một nửa so với tổng số 180 chiếc mà không quân Pháp đặt hàng của Dassault.

Rafale đã hấp dẫn được không quân Ấn Độ nhờ khả năng tác chiến rộng và đảm trách được nhiều vai trò cùng lúc. Ưu điểm của Rafale là một khi xuất kích, chiến đấu cơ này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như: tác chiến phòng không, ném bom chiến lược, oanh kích mặt đất, tấn công tàu chiến và cả do thám trên không.

Rafale đã được không quân Pháp triển khai ngay từ năm 2007 trên chiến trường Afghanistan, can thiệp quân sự vào Libya năm 2011 và tại Mali năm 2013.

Rafale nặng 10 tấn có thể mang theo lượng vũ khí và nhiên liệu nặng gấp 1,5 lần trọng lượng. Về mặt vũ khí, Rafale có thể được trang bị đại liên 30 mm dùng để chiến đấu trên không và tấn công mặt đất, tên lửa không đối không, bom dẫn đường bằng laser và tên lửa hành trình.

Rafale có thể bay với tốc độ 2.200 km/h và cất cánh trên đường băng ngắn 400 m, bán kính hoạt động tới 1.850 km.

Rafale có thể được trang bị cho không quân và hải quân. Máy bay có thể tác chiến từ tàu sân bay.

Hiện tại Rafale là máy bay chiến đấu chủ chốt của không quân Pháp, ít nhất cho tới tận năm 2044. Pháp đang triển khai 12 chiếc Rafale tham gia các cuộc oanh kích IS ở Iraq.

Chính nhờ những hợp đồng bán Rafale đầu tiên ra nước ngoài mà xuất khẩu vũ khí của Pháp trong năm 2015 đã đạt doanh số kỷ lục 16,9 tỷ euro, tức là tăng gấp hai lần so với năm trước.

RELATED ARTICLES

Tin mới