“Với ngoại ngữ tiếng Trung chưa nên áp dụng thời điểm này, muốn thực hiện thì cần thời gian chuẩn bị, thậm chí nhiều năm”.
Dạy tiếng Trung từ lớp 3.
Đó là quan điểm của PGS.TS. Đoàn Văn Điều – Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TPHCM với chúng tôi trước thông tin Bộ GD-ĐT muốn đưa tiếng Trung vào làm ngoại ngữ thứ nhất.
Sự loạn nhịp vì ngoại ngữ
PV:- Bộ GD-ĐT đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung 10 năm từ lớp 3 đến lớp 12, thí điểm năm học 2017, theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được coi như ngoại ngữ thứ nhất cùng với tiếng Anh.
Trong khi, trước đây những ngôn ngữ này vốn chỉ được coi là ngoại ngữ thứ hai, được quyền lựa chọn. Ở góc độ chuyên gia giáo dục, theo ông việc tăng mức độ phổ cập của những loại ngôn ngữ này có cần thiết và phù hợp hay không? Vì sao ạ?
PGS.TS. Đoàn Văn Điều: – Theo tôi chưa nên đưa ngôn ngữ tiếng Trung vào áp dụng đại trà từ lớp 3, mà phải đợi học hết Tiểu học.
Thứ nhất, từ lúc sinh ra đến 5 tuổi, trẻ em được học ngôn ngữ mẹ đẻ bằng ngôn ngữ nói, từ 6 tuổi đến 11 tuổi thì biết tiếng mẹ đẻ qua ngôn ngữ viết. Trong khoảng thời gian này, đừng bắt trẻ phải gánh thêm một ngôn ngữ khác, đó sẽ là gánh nặng cho trẻ.
Nhiều người đã có những suy nghĩ lệch lạc, khi một đứa trẻ còn bé, thì để trẻ vào môi trường ngoại ngữ nào thì trẻ đều thích ứng nhanh được, vì tiềm thức chưa biết nhiều. Điều này là sai lầm, bởi vì, trẻ con bị ảnh hưởng bởi môi trường, văn hóa, ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ là chính.
Khi trẻ còn đang bập bõm làm quen với tiếng mẹ đẻ, bắt trẻ tiếp thu thêm thì dẫn đến sự loạn nhịp, giao thoa.
Thứ hai, khi trẻ học ở tiểu học, cha mẹ có kiến thức để học cùng trẻ thì tất yếu trẻ sẽ dễ làm quen với các ngoại ngữ khác. Ngay như tiếng Anh, nếu gia đình ở thành phố việc bố mẹ biết tiếng Anh sẽ có, nhưng những gia đình nông thôn, liệu thử tính trên đầu ngón tay có được mấy gia đình.
Thứ ba, học tiếng không phải muốn là được, một đề án ngoại ngữ triển khai vào bao nhiêu tiền của, nhưng khi để học sinh tự chọn thi Tiếng Anh, thì chỉ có 17% học sinh lớp 12 chọn thi tiếng Anh, đó là một sự thất bại.
Năm vừa qua thi ngoại ngữ toàn quốc, điểm trung bình chỉ có 3 điểm, chúng ta mong đợi học sinh đọc thông, viết thạo, nói rõ ràng, nhưng 3 điểm thì nó là minh chứng tiêu biểu nhất cho một đề án không có hiệu quả, không có nền tảng sư phạm.
Thứ tư, giáo viên tiếng Anh hiện nay còn chưa đủ, thì lấy đâu ra đội ngũ giáo viên tiếng Trung phân bổ đi tất cả các trường, lớp trên cả nước.
Cho nên, theo tôi cứ để học sinh học hết lớp 5, đến lớp 6 bắt đầu học ngoại ngữ khác mà chỉ cần tiếng Anh, ngoại ngữ phổ thông nhất, rồi từ lớp 10 đến lớp 12 và các cấp cao hơn thì các em lựa chọn học ngoại ngữ thứ hai, theo định hướng của mình.
Đặc biệt, với ngoại ngữ tiếng Trung chưa nên áp dụng thời điểm này, muốn thực hiện thì cần thời gian chuẩn bị, thậm chí nhiều năm.
Hãy nhìn Singapore, Ấn Độ họ dạy tốt Tiếng Anh vì đó là chữ quốc ngữ, người dân không học Tiếng Anh thì không phải quốc dân, nhưng họ chỉ cần học một loại ngoại ngữ đó. Còn Việt Nam, Tiếng Việt mới là chữ quốc ngữ, thì tại sao phải bắt buộc học sinh học Tiếng Anh, tiếng Trung làm gì, để sau này các em bỏ luôn Tiếng Việt, không hiểu hết sự trong sáng của nó.
Chúng ta mới xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học được vài năm, chỉ cần về một số địa phương vùng sâu, vùng xa mới thấy, có đủ cơ sở vật chất học tập đã là tốt, các em dân tộc miền núi học được tiếng phổ thông là giỏi, nói gì đến ngoại ngữ này, ngoại ngữ khác.
Chả cần đâu xa, ngay tại trường Đại học sư phạm TPHCM tôi đang giảng dạy, khoa Tiếng Trung mà chỉ có mấy lớp, nhưng không ai muốn dạy vì lương thấp, họ chuyển hết ra dạy tư; có mấy học sinh, sinh viên muốn học?
Tất nhiên, tôi không phản đối những đề án phát triển về giáo dục, bởi vì, ngoại ngữ nào cũng tốt, trong thời buổi phát triển hội nhập toàn cầu hiện nay. Thế nhưng, hãy định hướng cụ thể, cái gì cần làm trước, và đưa ra định hướng, lộ trình cụ thể chứ không nên áp dụng ngay trong năm 2015.
Chưa kể, các ngành quân đội, công an họ dạy tất cả các ngoại ngữ, kể cả những ngôn ngữ từ Ả Rập vì sử dụng trong công tác, nếu nhìn tầm xa thì phải nhìn ở các ngành đó. Còn bây giờ tham quá nhiều học sinh không học được, hiệu quả không có thì lại phải xóa bỏ, lúc đó thì vô cùng lãng phí.
Nhiều mối lo ngại
PV: – Về việc đưa tiếng Trung vào giảng dạy trong trường phổ thông đã từng được Bộ GD-ĐT đề cập từ năm 2015, nhưng vướng nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc chọn tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ một hay ngoại ngữ hai là dựa vào nhu cầu và nguyện vọng của học sinh.
Hơn nữa, quá trình dạy và học còn nhiều bất cập, chưa thống nhất khiến việc dạy tiếng Trung trong nhà trường chưa đạt hiệu quả cao. Theo ông, Bộ GD-ĐT cần phải lắng nghe và cân nhắc thế nào?
PGS.TS. Đoàn Văn Điều: – Theo tôi, tất cả những ý tưởng suy nghĩ về tương lai, thì khi triển khai trong thực tế nó sẽ chứng minh đúng hay không đúng, nhưng Bộ GD-ĐT nếu làm thì chỉ làm một số lớp, một số trường cụ thể, sau đó, nếu thành công thì mở rộng thực hiện đại trà.
Chúng ta không phân biệt ngoại ngữ nào tốt hơn, phổ biến hơn, nhưng với tình hình hiện nay của Việt Nam với Trung Quốc, tôi tin chắc, có đến 95% phụ huynh không đồng tình cho con em mình học tiếng Trung, số còn lại một là họ đi làm cần tiếng Trung, hai là muốn đi du học.
Hàng loạt các sự việc liên quan đến chính trị, như ô nhiễm dọc biển miền Trung, đường sắt trên cao gây chết người, chậm tiến độ, rồi hàng loạt các công trình khác, các sự việc khác có liên quan đến Trung Quốc, khiến người dân không thích, không có niềm tin.
Còn việc nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta là láng giềng của Trung Quốc, muốn hiểu họ phải biết ngoại ngữ, theo tôi là không cần thiết, láng giềng nhưng không đến mức 90 triệu người VN phải biết tiếng Trung.
Không phải ngày nào chúng ta cũng nói chuyện, tôi ở Cà Mau có mấy khi gặp người Trung Quốc? Chỉ có một số địa phương nhiều người Hoa sinh sống, khu vực biên giới, thì việc cần tiếng Trung là thiết yếu vì còn giao thương, buôn bán.
Vì thế, tôi cho rằng vẫn nên đặt trọng tâm là phổ cập tiếng Anh qua hệ thống giáo dục phổ thông như chúng ta đã làm khoảng 30 năm nay.
Nhìn tổng thể, chưa có thứ tiếng nào khác quan trọng hơn và có nhu cầu cao hơn, đặc biệt là nhu cầu là công cụ giúp chúng ta hội nhập dễ dàng hơn.
Để có được những lựa chọn đúng đắn, hướng đi phù hợp, Bộ GD-ĐT cần phải xin ý kiến các nhà chuyên môn, các chuyên gia cũng như ý kiến của cộng đồng đó là phụ huynh, học sinh.
PV: – Mới đây, tại Hội thảo Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại, PGS.TS Đoàn Lê Giang cho rằng, muốn dùng tiếng Việt trong sáng thì học sinh phải học chữ Hán. Do vậy, cần phải đưa chữ Hán Nôm vào dạy học sớm cho học sinh.
Thế nhưng, đề xuất trên chưa được Bộ GD-ĐT chấp thuận, từ chối không đưa tiếng Hán vào trong chương trình giảng dạy như ngoại ngữ bắt buộc, nhưng Bộ GD-ĐT lại đồng ý đưa tiếng Trung vào thành ngoại ngữ thứ nhất, theo ông là vì sao? Xin ông phân tích cụ thể?.
PGS.TS. Đoàn Văn Điều: – Thực sự, chúng ta còn lờ mờ khi phân biệt chữ Hán Nôm và tiếng Trung. Tiếng Nôm là ông cha ta, đặc biệt từ thời vua Quang Trung dùng là chính, tuy là ký tự Trung hoa nhưng đọc theo tiếng Việt.
Về việc đưa tiếng Hán tôi nghĩ cũng không cần thiết, việc tìm hiểu về nguồn gốc ông cha là cần, nhưng trước mắt chỉ cần có một nhóm người định hướng để xã hội đi theo. Còn nếu đưa vào giảng dạy đại trà thì khó có hiệu quả vì không phải ai cũng học được.
Còn ở đây, Bộ GD mới chỉ dừng ở mức đang định xây dựng, nên chưa phải thực hiện ngay, nên có thể dừng lại và xem xét.
Chỉ cần nghĩ đơn giản, giả sử một trường Tiểu học 50 lớp, thì cần có bao nhiêu giáo viên dạy tiếng Trung, nếu trẻ học từ lớp 3. Nếu không có thì lại mới chuyên gia tiếng Trung, người Trung Quốc qua giúp đỡ, thì điều này còn nguy hại hơn rất nhiều.
Ngay một đất nước phát triển như Đức, khi muốn đưa công nghệ thông tin vào trường học, cũng cần đến 120.000 người, không đủ đáp ứng cũng phải đi thuê người nước ngoài về trợ giúp, Việt Nam có làm được như vậy, thuê chuyên gia Trung Quốc, dân có ủng hộ hay không. Vì thế hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng!.