Phát biểu từ Nhật Bản, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết Singapore không phải là nước có tranh chấp ở Biển Đông nhưng có những lợi ích quan trọng cần phải bảo vệ, đó là quyền tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này.
Thủ tướng Singapore đang có chuyến thăm Nhật Bản
“Những lợi ích đó cũng bao gồm cả trật tự quốc tế và khu vực trên cơ sở của luật pháp, một trật tự cần thiết để duy trì và bảo vệ các quyền, đặc quyền của tất cả các quốc gia cũng như thể hiện sự tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao trong việc giải quyết tranh chấp”, Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu trong cuộc họp báo hôm 28.9 cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, theo Today Online ngày 29.9.
Thủ tướng Abe đã tiếp lời người đồng cấp Singapore: “Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của luật pháp và sự hợp tác của cộng đồng quốc tế (trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông)”, theo Japan Times.
Cả Thủ tướng Lý Hiển Long và ông Abe không nhắc đến tên Trung Quốc trong phát biểu của mình nhưng cuộc họp báo trong bối cảnh xảy ra tranh cãi giữa Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc và Đại sứ Singapore tại nước này. Hoàn Cầu thời báo được tiếp sức bởi cơ quan ngoại giao Trung Quốc, lên án Singapore thiên vị trong ứng xử.
Singapore và Nhật lâu nay vẫn có quan điểm ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, chống các hoạt động quân sự hoá và yêu sách đòi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đại sứ Singapore Stanley Loh hôm 27.9 đã phản bác những cáo buộc của Hoàn Cầu thời báo trong số báo ngày 21.9. Đại sứ Loh nói rằng tờ báo Trung Quốc đã xuyên tạc khi tường thuật hoạt động của Singapore tại hội nghị thượng đỉnh của Phong trào không liên kết (NAM) diễn ra hồi tuần qua ở Venezuela.
Hoàn Cầu thời báo phủ nhận cáo buộc xuyên tạc và cho rằng “Singapore nên xấu hổ khi chống lại Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn của Singapore”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng bênh vực cho tờ báo này, theo South China Morning Post.
“Sự thật là có một số nước khăng khăng đòi đưa nội dung liên quan đến Biển Đông vào tài liệu của NAM, nhưng đã thất bại bởi vì họ không có được sự chấp thuận của đa số thành viên NAM và những nội dung không đại diện cho sự đồng thuận của các bên liên quan đến vấn đề biển Đông (?)”, ông Geng Shuang, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói khi được yêu cầu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 27.9.