Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHà Nội vội và không vội

Hà Nội vội và không vội

“Không vội” hay “vội quá” đều không mang lại kết quả mong muốn, hy vọng đó cũng là suy nghĩ của các vị có trách nhiệm với mong muốn Hà Nội ngày càng văn minh.

in vui là lãnh đạo Hà Nội đã thể hiện quyết tâm chấm dứt thời “Hà Nội không vội được đâu”, tin chưa vui là thi thoảng hình như Hà Nội lại đang “vội” quá?

Xin nêu hai vấn đề chứng minh Hà Nội “vội quá”.

“Vội nhất” là chuyện dừng cắt cỏ, tỉa cây khu vực công cộng nhằm tiết kiệm cho ngân sách, như  Chủ tịch thành phố từng đề cập, mỗi năm thành phố chi cho hoạt động này chừng 700 tỷ đồng.

Tiết kiệm cho ngân sách là đúng, chống tham nhũng trong việc đấu thầu cũng rất đúng. Thế nhưng trong cái đúng lại thấy có cái “hình như” chưa đúng, ấy là phải tới 1/1/2017  Hà Nội mới hoàn chỉnh hệ thống quy trình, định mức đơn giá để đặt hàng, đấu thầu duy trì công viên, vườn hoa, cây xanh trên địa bàn thành phố.

Thế nghĩa là từ nay đến đó, cỏ cứ mọc, cây cứ phát tán, cảnh quan đô thị cứ xuống cấp còn những lao động sống bằng nghề tỉa cây, cắt cỏ thì hoặc là chờ đợi hoặc đành phải kiếm công việc khác lo cho bữa cơm gia đình. 

Trong sự “vội” này lại có một sự “chưa vội”, ấy là mặc dù thành phố đã rà soát, xây dựng quy trình, định mức kinh tế, kỹ thuật mới, giảm từ 37 quy trình xuống còn 20; giảm từ 87 mã định mức xuống còn 26; giảm tới 368 mã đơn giá chỉ còn lại 63 mã.

Tỉ lệ giảm đối với tổng kinh phí duy trì công viên, cây xanh là 40,38%.

Nếu đã thế cần gì thêm thời gian để “hoàn thiện” quy trình, sao không đấu thầu ngay mà  phải chờ đến đầu năm 2017?

Còn thêm một sự “chưa vội” khác, ấy là một khi đã dừng cắt cỏ, tỉa cây thì cũng có nghĩa là chấm dứt các hợp đồng mà các vị tiền nhiệm đã trót ký khi còn tại vị, vậy có nên tìm xem những ai đã “ký nhầm”, lập định mức nhầm hoặc “đánh máy nhầm” khiến cho công quỹ thiệt hại tới 40.38%, nghĩa là khoảng 280 tỷ đồng mỗi năm, để công bố cho người đóng thuế được biết?

Dư luận đều hiểu trong trận chiến “quân xanh, quân đỏ” giữa anh em bên “đấu” và bên “thầu”, muốn thắng cuộc tất không thể không tham khảo kinh nghiệm mà Nguyên Trưởng ban Kiểm tra Thành ủy, công dân ưu tú Thủ đô Trần Trọng Dực đã phát biểu?

Nên chăng Hà Nội cần duy trì một cách hợp lý việc chỉnh trang cây xanh, hoa cỏ các khu công viên, các dải phân cách trong khi chờ đợi đấu thầu, tránh tình trạng cỏ dại um tùm như hiện nay?

“Vội nhì” là chuyện công bố dự thảo đề án “tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân” do Sở Giao thông Vận tải thành phố xây dựng.

Chủ trương hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để đảm bảo an toàn giao thông, trong đó tiến tới cấm xe máy là chủ trương đúng. Trên thế giới, hiện cũng chả còn mấy quốc gia cho phép loại phương tiện cơ giới 2 bánh này được hoạt động ở Thủ đô nữa.

Nhưng nói là Hà Nội “vội” khi công bố dự thảo vì dễ nhận thấy “tầm nhìn” trong đề án hình như mới ở mức lưng chừng, tức là nhìn phương tiện giao thông cá nhân trên mặt đường, mà không nhìn xuống thấp hoặc cao hơn chút nữa.

Nhìn xuống thấp hơn là hạ tầng giao thông đô thị của Hà Nội, là đường xá, bãi đỗ xe… nhìn cao lên phía trên là sự tập trung dân cư tại các khu đô thị cao tầng mới xây dựng, là ý thức tham gia giao thông của người dân, là cách thức quản lý của ngành Giao thông Vận tải Thủ đô và của lực lượng bảo về pháp luật…

Nói cách khác, việc công bố đề án với những nội dung chưa được nghiên cứu đầy đủ, toàn diện cho thấy đây chưa phải là tầm nhìn chiến lược 10 năm (đến năm 2025), nói đúng bản chất thì đây mới chỉ là các biện pháp cảm tính, nhìn thấy kẹt xe thì tăng cường quản lý… cái xe, còn điều gì khiến xe bị kẹt thì dường như còn bỏ ngỏ?

Phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh chỉ là một trong các nguyên nhân gây nên ùn tắc giao thông, do vậy quản lý phương tiện giao thông cá nhân không thể giải quyết tận gốc tình trạng giao thông của Thủ đô Hà Nội.

Người viết không đồng quan điểm với một tác giả khi ông cho rằng: “Trước hết phải khẳng định, hạn chế phương tiện cá nhân là một chủ trương đúng”?

Trên thế giới, một số nước có chủ trương cấm xe máy trong thành phố, một số khác thì hạn chế ô tô đi vào khu vực đông dân cư nội đô nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế diễn ra chủ yếu tại các quốc gia đang phát triển chứ không phải tại các nước văn minh, càng không phải là biện pháp có tính định hướng theo kiểu “tầm nhìn” đến năm này, năm khác.

Khi đất nước phát triển, khi đời sống người dân được nâng cao thì tự nhiên người ta sẽ bỏ xe gắn máy hai bánh mà chuyển sang sử dụng ô tô, cũng như người Hà Nội bỏ xe đạp thời bao cấp chuyển sang sử dụng xe gắn máy.

Với hạ tầng giao thông và ý thức chấp hành luật lệ giao thông như hiện nay, liệu ngành Giao thông Vận tải Thủ đô có cần chuẩn bị ngay từ bây giờ đề án cấm ô tô lưu thông trên địa bàn, đặc biệt là cấm ô tô ngoại tỉnh vào Hà Nội như cấm xe máy?

Bên cạnh hạ tầng giao thông yếu kém, một trong những nguyên nhân khiến giao thông không kiểm soát được là các sự cố trên đường.

Khi xảy ra va chạm giữa các phương tiện giao thông thì phải giữ nguyên hiện trường, phải chờ cảnh sát giao thông đến lập biên bản, đo vẽ hiện trạng rồi mới giải phóng mặt đường, nhanh thì mất một hai tiếng, chậm có khi nửa ngày.

Nếu lực lượng chức năng có mặt sớm giải quyết sự cố trong vòng 30 phút thì chắc chắn sẽ không có tình trạng kẹt xe dài mấy cây số như đã từng xảy ra trên cầu Thanh Trì.

Theo đề án, giai đoạn 2 (từ năm 2023) “sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh tại các khu vực phía trong đường vành đai 2 và mở rộng hạn chế xe máy từ phố Cổ ra các tuyến phố cũ (khu phố xây dựng từ thời Pháp thuộc như phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt…)”.

Hà Nội sẽ trang bị cho các lực lượng chức năng (cảnh sát, thanh tra giao thông…) công cụ gì để xác định đâu là xe máy “ngoại tỉnh” đâu là xe máy “nội tỉnh”?

Cứ cho là dựa vào biển số gắn ở đuôi xe máy liệu có thể dừng tất cả các xe không mang biển Hà Nội trên đường khi chủ nhân của nó có hộ khẩu Hà Nội?

Đưa ra một đề án, trách nhiệm của người soạn thảo là phải có cái nhìn tổng thể, nếu có chút chưa hợp lý thì cũng là điều bình thường. Nhưng đưa ra một đề án vội vàng, với những ý tưởng không có cơ sở để thành hiện thực lại là vấn đề khác.

Phải chăng vì thế mà báo điện tử Vietnamnet.vn ngày 22/9/2016 phải nêu câu hỏi: “Lãnh đạo Hà Nội cần ‘quân sư’ giỏi?”.

Lịch sử thế giới cho thấy “Quân sư giỏi” đương nhiên là cần, song “thủ lĩnh giỏi” mới là điều quyết định.

Thời Tam Quốc bên Trung Hoa, hai quân sư giỏi nhất thiên hạ là Khổng Minh và Bàng Thống đều quy thuận dưới trướng Lưu Bị, kết cục của Lưu Bị thì nhiều sử gia đã đánh giá.

Ngược với Lưu Bị, Thành Cát Tư Hãn, Pie đại đế, Napoleon… không cần quân sư giỏi, bản thân họ vừa là tướng cầm quân, vừa là quân sư cho chính mình, chiến tích của họ dù có cả mặt trái lẫn mặt phải song hàng nghìn năm sau, nhân loại vẫn phải ngưỡng mộ.

Có lẽ Hà Nội nên cân nhắc khi nào vội, khi nào không nên vội.

Chống ngập đường phố sau mỗi cơn mưa cần phải “vội”, cắt ngọn nhà 8B Lê Trực phải “vội”, loại bỏ “công chức cắp ô” cần phải “vội”.

Dừng ngay lập tức việc cắt cỏ, tỉa cây thì hãy khoan “vội”, cấm xe máy ngoại tỉnh thì đừng “vội”…

Thay vì “quản lý phương tiện giao thông cá nhân”, Hà Nội cần một quy hoạch tổng thể, trước mắt dừng ngay việc xây các khu chung cư cao tầng gần vùng lõi, chuyển ngay các trường Đại học khỏi trung tâm, xây dựng đường hầm thoát nước ra sông Hồng để chống ngập…

“Không vội” hay “vội quá” đều không mang lại kết quả mong muốn, hy vọng đó cũng là suy nghĩ của các vị có trách nhiệm với mong muốn Hà Nội ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới