Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChính phủ có mắc “Bệnh thành tích”?

Chính phủ có mắc “Bệnh thành tích”?

Mới đây, trao đổi với một tờ báo, PGS.TS Ngô Trí Long – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) và PGS.TS Lê Cao Đoàn – Viện Kinh tế Việt Nam đã có những phản ứng khá gay gắt với chủ trương của Chính phủ về việc giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khai thác thêm 1 triệu tấn dầu năm 2016.

Các vị chuyên gia cho rằng, “đây là quan điểm không đúng, phi thị trường”, “làm như thế là đã trái với quy luật kinh tế”, là “giật gấu vá vai”, là “mắc bệnh chạy theo thành tích”, thậm chí còn gọi “đó là cuộc chạy đua xuống địa ngục chứ không phải kinh tế”.

Bài trao đổi nói trên, thật đáng tiếc, chỉ dừng lại ở chỗ nêu quan điểm của hai vị chuyên gia và phán xét, quy kết sai lầm của Chính phủ mà không đưa ra các lập luận, căn cứ khoa học nào khả dĩ để chứng minh.

Trong khi Chính phủ đang nỗ lực xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, mong muốn người dân hiểu và ủng hộ các giải pháp khắc phục khó khăn (kể cả phải áp dụng các giải pháp tình thế) để duy trì ổn định nền kinh tế, bảo đảm tăng trưởng,… thì những ý kiến đóng góp là rất cần thiết và luôn được lắng nghe.

Tuy nhiên, ai cũng hiểu, ý kiến đóng góp phải trên tinh thần xây dựng, thuyết phục bằng cơ sở khoa học chứ không phải theo kiểu “kỳ đà cản mũi”, chỉ trích lấy được, viện dẫn một vài ví dụ không điển hình để xác lập rồi áp đặt quan điểm của mình lên đường lối kinh tế của Chính phủ là không chấp nhận được.

Những hoạt động điều hành của Chính phủ cần phải được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, trên tổng thể các mối quan hệ chính trị, kinh tế, đối ngoại, an ninh, quốc phòng…, là những chuyên gia, những nhà quản lý, lại càng cần có trách nhiệm hơn khi nhìn nhận, đặc biệt là khi đưa ra những đánh giá, kết luận.

Đất nước ta cho dù đang tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với đa diện của kinh tế thị trường, nhưng có đặc thù riêng. Không phải điều gì cũng có thể áp dụng thông lệ, học hỏi các quốc gia khác theo kiểu “trào lưu”. Tất cả đều phải có lộ trình thích hợp.

Phải khẳng định rằng, khi Chính phủ đưa ra yêu cầu khai thác thêm 1 triệu tấn dầu để tạm thời cân đối ngân sách, chắc chắn không phải để “lấy điểm”, lấy thành tích với nhân dân. Cũng không thể là một quyết định “duy ý chí”, bất chấp hậu quả hay trái với quy luật thị trường. Chắc không ai tin rằng, hàng trăm chuyên gia từ các bộ ngành lại tư vấn, đề xuất với Chính phủ một chính sách chưa đủ “nghiêm túc”, “đi ngược lại hoàn toàn so với xu hướng phát triển chung của thế giới” như hai vị nói trên đã bình luận.

Thực tế cho thấy, nhiều chính sách điều hành của Chính phủ, đặc biệt là điều hành thị trường tài chính – tiền tệ; sử dụng các quỹ bình ổn thị trường… thời gian qua đã và đang phát huy tác dụng, giữ ổn định nền kinh tế và đời sống nhân dân và an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Người dân đa số đều thấu hiểu các quyết sách kinh tế đúng đắn của Chính phủ.

Dẫu biết rằng hiệu quả kinh tế, gìn giữ tài nguyên là cần thiết, song có những bối cảnh, có những thời điểm cần đưa ra giải pháp tình thế, phải “bỏ qua tiểu tiết để giữ đại cục”.

Việc quốc gia cũng như việc gia đình vậy. Có người ví von, khi mất mùa thất bát, củ khoai củ sắn còn bé cũng đành phải đào mà ăn, đâu thể cứ ngồi chết đói chờ mùa thu hoạch.

Người viết không có ý định bàn về kinh tế với các chuyên gia, chỉ xin đưa ra một vài ví dụ.

Đã hơn 2 năm qua, một số nước phương Tây bất chấp thiệt hại kinh tế của mình, bỏ qua các quy luật thị trường, giữ vững sản lượng dầu, dìm giá dầu xuống sâu để gây áp lực chính trị và đánh vào kinh tế của nước Nga. Nếu nước Nga vì tính toán hiệu quả kinh tế mà đóng cửa các mỏ dầu không khai thác tiếp thì hẳn không thể chịu đựng đến hôm nay.

Cả ngành công nghiệp dầu khí thế giới lao đao, không tìm được lối thoát. Các yếu tố địa chính trị tiêu cực, những tính toán lợi ích của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khiến cho mọi nỗ lực đẩy giá dầu lên đều trở nên vô nghĩa. Cuộc chiến giá dầu của thế giới thực sự không tuân theo các quy luật kinh tế nữa mà là cuộc đấu tranh chính trị. Cuộc đọ sức hiện vẫn đang rất cam go trên hầu hết các diễn đàn quốc tế.

Những năm gần đây, Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc đều đã đưa ra hàng loạt các “gói cứu trợ” nhằm cứu thị trường nội địa hoặc hỗ trợ các quốc gia đồng minh lâm vào khủng hoảng kinh tế. Bài toán họ cần giải rõ ràng không chỉ thuần túy là bài toán kinh tế.

Với chúng ta, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, việc có thêm 1 triệu tấn dầu sẽ mang lại cho ngân sách khoản thu khoảng 350 triệu USD. Mặc dù đó là biện pháp “cực chẳng đã” song Chính phủ vẫn phải làm. Ý thức đầy đủ về trách nhiệm của một tập đoàn kinh tế Nhà nước, PVN đang quyết tâm và nỗ lực bằng nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thiết nghĩ, trong lúc gian nan càng cần có sự đồng thuận, đồng tâm. Mỗi ý kiến phản biện đều là cần thiết, song phản biện phải dưới nhiều góc độ, đứng trên lợi ích tổng thể, mang tinh thần xây dựng và trách nhiệm mới thực sự đáng trân trọng.

RELATED ARTICLES

Tin mới